Những người thích sưu tầm cối đá

Khi những thú chơi thời thượng đang thịnh hành thì không ít người vẫn miệt mài tìm kiếm, sưu tầm những chiếc cối đá xưa. Với họ, đây không chỉ là một thú chơi mà còn để lưu giữ những kỷ niệm cũ.

Vợ chồng chị Hồng đã có hơn 8 năm sưu tầm cối đá

Vợ chồng chị Hồng đã có hơn 8 năm sưu tầm cối đá

Sở thích lạ

Bước vào nhà vợ chồng anh Phạm Văn Triển và chị Nguyễn Thị Thúy Hồng ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy những chiếc cối đá cổ được xếp ngay ngắn dọc theo lối đi vào sân vườn. Vợ chồng anh Triển đã có hơn 8 năm sưu tầm cối đá. Từ nhỏ, anh Triển đã thích nghe tiếng giã gạo nhịp nhàng của các mẹ, các chị. Rồi chính thứ âm thanh ấy đã thôi thúc anh Triển phải lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp này. Khi điều kiện kinh tế khá giả hơn, anh Triển cùng vợ rong ruổi khắp các nơi để sưu tầm. Càng miệt mài tìm kiếm, vợ chồng anh Triển càng yêu thích và muốn tìm hiểu sâu về nó. Vợ chồng anh cũng tham gia một số hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Chị Hồng cho biết: "Nhiều người nói vợ chồng tôi bị khùng vì đi mua những chiếc cối đã bỏ đi. Nhưng với tôi nó là gia tài, là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Việt".

Hiện vợ chồng chị Hồng sưu tầm được gần 100 chiếc cối với nhiều hình dáng khác nhau gồm cả cối xay và cối giã. Để những chiếc cối trở nên sinh động, vợ chồng anh thường dùng làm trụ để cây cảnh trang trí. Nhiều người có ý định mua lại nhưng anh chị nhất định không bán. "Tôi thích vẻ đẹp từ hình khối đến cái màu bạc đầy hoài niệm của những chiếc cối đá. Lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng tôi thường ngồi ngắm chúng và sắp xếp lại theo ý tưởng của mình".

Sư thầy Thích Trí Quảng, trụ trì chùa Sùng Quang, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã có hơn 10 năm tìm hiểu về những chiếc cối đá thời bao cấp. Ý tưởng sưu tầm của thầy Quảng xuất phát từ quan niệm để cho các thế hệ mai sau hiểu và quý trọng những đồ vật tưởng chừng đơn sơ nhưng khơi gợi giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Thầy Quảng cho biết: "Cối giã có 3 loại. Cối đá to nhất thường dùng trong HTX, cối đá trung và cối đá nhỏ dùng trong các gia đình. Tuy khác nhau về kích thước nhưng đều được sử dụng để chế biến lương thực. Cối đá thường được làm bằng đá nguyên khối, đục hoàn toàn bằng thủ công. Do vậy, mỗi chiếc cối đá còn thể hiện sự chau chuốt, kỳ công của người thợ chế tác".

Hiện thầy Quảng đang có 800 chiếc cối đá đủ loại. Chiếc cối có trọng lượng lớn nhất gần 1 tạ. Nhiều chiếc cối còn nguyên vẹn nhưng có chiếc đã sứt mẻ, thủng đáy, in hằn dấu tích của thời gian.

Kỳ công sưu tầm

Thú chơi cối đá xưa đòi hỏi sự đầu tư, tìm tòi không nhỏ. Ngoài đam mê, họ phải dành nhiều công sức để sở hữu được chúng. Hễ ở đâu có thông tin về cối đá cổ, bất kể xa hay gần, vợ chồng chị Hồng lại bỏ thời gian, tiền bạc đi tìm mua. Theo chị Hồng, nhiều gia đình vứt cối đá ở bờ ao, góc vườn... nhưng khi hỏi mua lại chần chừ không bán. Hầu hết những chiếc cối đá xưa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên họ muốn giữ làm kỷ niệm. Vì thế, vợ chồng chị Hồng phải thuyết phục nhiều lần mới mua được chúng. "Có lần, hai vợ chồng đi xe máy sang huyện Thanh Hà tìm mua cối đá. Họ tưởng tôi là dân đi buôn đồ cổ nên nhất định không bán. Tôi phải thuyết phục mãi họ mới đồng ý. Nhưng cũng có những người biết gia đình tôi có sở thích sưu tầm nên mang cối đá đến tận nhà cho", chị Hồng nói.

Đối với vợ chồng chị Hồng, sưu tầm cối đá là thú vui khó bỏ nên dù vất vả, gia đình chị vẫn duy trì sở thích này. Những chiếc cối đá tuy thô kệch nhưng nó lưu giữ nhiều giá trị. Để làm ra những cối đá này, người xưa đã kỳ công đục đẽo những phiến đá thô nên vợ chồng chị Hồng rất trân trọng thành quả, công sức của ông cha.

Số tiền bỏ ra mua những chiếc cối đá xưa không nhiều song công sức để tìm kiếm, sưu tầm chúng mới khó. Ban đầu thầy Quảng chỉ tìm ở những khu vực xung quanh địa bàn. Sau đó, thầy Quảng lặn lội khắp các vùng quê Bắc Bộ mua lại. Sưu tầm đã khó, việc vận chuyển chúng cũng không hề dễ dàng. Có chiếc cối nặng từ vài chục đến hàng trăm cân. Để vận chuyển chúng phải thuê xe, mượn người để khiêng. Mang về, thầy Quảng thường cọ rửa rồi sắp xếp cẩn thận theo kích cỡ hoặc niên đại. Không chỉ sưu tầm, thầy Quảng còn tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của từng chiếc cối. "Không phải chiếc cối nào cũng ghi rõ năm sản xuất nên việc phân biệt chúng rất khó. Người chơi lâu năm mới nhìn ra được niên đại, chất liệu đá làm nên mỗi chiếc cối. Giá bán của mỗi chiếc cối đá xưa phụ thuộc vào khối lượng, độ nguyên vẹn của nó", thầy Quảng chia sẻ.

Ngày nay, những chiếc máy xay, máy xát gạo... ra đời đã dần thay thế cho cối đá. Thế nhưng, trong căn bếp của nhiều gia đình vẫn giữ chúng. Cối đá dùng làm vật phong thủy, dùng để trang trí tiểu cảnh... Các nơi sản xuất cối đá cũng không nhiều như trước đây do nhu cầu sử dụng chúng ngày càng ít.

Hiện số lượng người chơi cối đá trong tỉnh ta không nhiều. Cối đá không chỉ thể hiện sự sáng tạo của người xưa mà còn là nét văn hóa tiêu biểu của nền văn minh lúa nước nên cần được bảo tồn, gìn giữ.

THẢO NGUYỄN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/nhung-nguoi-thich-suu-tam-coi-da-126146