Những điển hình trong vùng đồng bào Khmer huyện Tiểu Cần

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW 'về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' đến nay trên địa bàn huyện Tiểu Cần đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình của các tập thể, cá nhân tích cực học tập và làm theo Bác với những việc làm thiết thực, hiệu quả, trong đó có nhiều điển hình trong đồng bào Khmer.

Xã Long Thới có 3.461 hộ, với 11.863 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm 23%. Qua đánh giá tổng kết của Huyện ủy Tiểu Cần về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, trong năm 2023 - 2024, xã Long Thới có 02 mô hình trong vùng dân tộc Khmer ở ấp Cầu Tre được đánh giá rất cao, cần nhân rộng. Cụ thể là mô hình của ông Sơn Lộc (sinh năm 1972) đã nghiên cứu chế tạo chiếc xe hút đinh trên đường nhằm giảm tai nạn cho người tham gia giao thông và mô hình câu lạc bộ (CLB) cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật của chùa Phnô Pring ấp Cầu Tre.

Khắc tinh của “đinh tặc”

Ông Sơn Lộc thực hiện mô hình xe hút đinh.

Ông Sơn Lộc thực hiện mô hình xe hút đinh.

Khắc tinh của “đinh tặc” là câu nói vui của người dân để chỉ việc làm của ông Sơn Lộc ở ấp Cầu Tre. Do nhận thấy trên đường vì sự ngẫu nhiên hoặc có chủ ý mà đinh, ốc vít hoặc một số mảnh kim loại vụn rơi vải đã đâm thủng lốp xe của người tham gia giao thông. Từ đó ông Lộc đã nảy sinh ý tưởng chế tạo ra chiếc xe hút đinh. Năm 2023 ông Lộc dùng chiếc xe honda của gia đình rồi tự mài mò lắp thêm bộ phận nam châm phía sau, có khả năng hút tất cả các mảnh vụn bằng kim loại.

Sau những giờ lao động để lo cho kinh tế gia đình, bắt đầu khoảng 18 giờ ông Lộc điều khiển xe có gắn bộ phận nam châm chạy khắp các nẻo đường để hút kim loại, đến khoảng 24 giờ đêm mới quay về nhà. Mỗi ngày ông đi hút trên đoạn đường tính cả đi và về hàng chục ki-lô-mét, có hôm đi cả trăm ki-lô-mét; mỗi tuần thực hiện từ 3-5 chuyến. Trung bình mỗi chuyến hút được hơn 1,5 - 02kg kim loại vụn.

Ông Lộc cho biết, kể từ khi thực hiện đến nay ông đã hút được gần cả trăm kí-lô-gam. Năm 2024 ông đã nâng cấp bộ phận nam châm để tăng thêm lực hút, tổng chi phí cho xe và bộ phận hút đinh hơn 20 triệu đồng. Qua gần 02 năm hoạt động, ông Lộc và chiếc xe hút đinh công cộng của mình đã rong rủi hàng ngàn ki-lô-mét và không chỉ hoạt động trong địa bàn huyện Tiểu Cần mà còn thực hiện ở một số địa bàn khác trong tỉnh Trà Vinh.

Ông Lộc chia sẻ: bản thân tôi khi lưu thông trên đường cũng thường hay bị bể bánh xe do những mảnh kim loại đâm vào; có khi thấy nhiều người cũng bị bể bánh xe nên thấy nguy hiểm; từ đó tôi mới nghĩ ra ý tưởng chế tạo ra một chiếc xe hút đinh nhằm góp phần hạn chế tai nạn do bể bánh xe. Ngoài ra trong những lúc đi hút đinh, tôi còn hỗ trợ xăng, hoặc vá ruột xe cho những trường hợp bị sự cố hết xăng hoặc bể bánh xe phải dẫn bộ, nhất là vào ban đêm, tôi đều giúp đỡ và không tính tiền.

Không để tội phạm phát sinh

Ấp Cầu Tre có tổng số 446 hộ, với 1.780 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm 98%. Trên địa bàn ấp có ngôi chùa Nam tông Pnô Pring, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con Khmer trong ấp nói riêng và của xã Long Thới nói chung. Năm 2020 xã Long Thới kết hợp sư cả chùa và Ban quản trị tổ chức thành lập câu lạc bộ (CLB) cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. CLB có 10 thành viên, trong đó sư cả chùa làm chủ nhiệm và ông Thạch Sa Mít, Trưởng Ban nhân ấp, thành viên Ban quản trị chùa làm Phó Chủ nhiệm.

CLB cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật của chùa Pnô Pring tuyên truyền pháp luật cho phật tử.

CLB cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật của chùa Pnô Pring tuyên truyền pháp luật cho phật tử.

Ông Thạch Sa Mít cho biết, trước đây trên địa bàn thường xảy ra các vụ thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm tổ chức đánh nhau gây mất trật tự công cộng và trong khuôn viên chùa vào những dịp lễ, hội tại chùa. Từ khi đi vào hoạt động, CLB thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho phật tử Khmer giáo dục con cháu trong gia đình không tham gia các tệ nạn xã hội, không tụ tập gây rối trật tự công cộng. Vào các dịp lễ, hội, trong những lần thuyết pháp, sư cả chùa còn lồng ghép tuyên truyền về các nội dung trên để phật tử nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt khi phát hiện vụ việc có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, thành viên trong CLB đã trực tiếp đến nhà của những thanh thiếu niên vi phạm để giáo dục, nhắc nhở và cho gia đình bảo lãnh cam kết không để con em tái phạm. Nhờ đó các trường hợp này đã có sửa chữa tốt.

Ngoài ra cũng tại chùa Pnô Pring, năm 2022 Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiểu Cần còn kết hợp với sư cả và Ban quản trị chùa thành lập và ra mắt mô hình truyền thông trong cơ sở thờ tự, mô hình có 10 thành viên. Mục đích của mô hình là nhằm tuyên truyền về pháp luật, về phòng, chống bạo lực gia đình và các nội dung tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm đối với các thành viên của từng gia đình, góp phần xóa bỏ các định kiến về giới trong gia đình và xã hội; những tập tục văn hóa chưa phù hợp và một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Ông Thạch Sa Mít, Trưởng ban nhân dân ấp Cầu Tre cho biết: thời gian qua, CLB đã giáo dục được 05 vụ thanh thiếu niên là con em của phật tử Khmer vi phạm pháp luật. Ở mỗi một vụ việc, thành viên CLB đã trực tiếp đến nhà để giáo dục giúp các em, cháu thấy được lỗi lầm để tự sửa chữa. Mặt khác nhờ sự uy tín của sư cả đã tuyên truyền nhắc nhở phật tử giáo dục cho con em trong gia đình hiểu biết về pháp luật để không vi phạm. Hiện nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, không còn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Qua đó cũng góp phần cùng với địa phương xây dựng tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Thạch Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thới đánh giá: mô hình xe hút đinh của ông Lộc là mô hình đầu tiên ở huyện Tiểu Cần. Mô hình cần phát huy nhân rộng vì góp phần giảm rủi ro về tai nạn giao thông. Đối với mô hình CLB cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật của chùa Pnô Pring đã góp phần đảm bảo trật tự xã hội, bài trừ các loại tệ nạn xã hội không những cho ấp Cầu Tre mà cho cả địa bàn của xã Long Thới nói chung.

Thiết nghĩ các mô hình trên đây cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng để không chỉ lan tỏa những hình ảnh đẹp trong cộng đồng, nhất là trong vùng có đông đồng bào Khmer mà còn góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn định tình hình trật tự xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: KHẮC PHÚ, CHÍ HẸN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/nhung-dien-hinh-trong-vung-dong-bao-khmer-huyen-tieu-can-40361.html