Những địa phương nào đóng cửa quán bar, karaoke?

Hà Nam, Hà Nội, Yên Bái, TP.HCM... là những địa phương quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như massage, vũ trường, karaoke để phòng dịch Covid-19.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương mới nhất dừng hoạt động quán bar, karaoke từ tối 1/5, sau khi lượng du khách đổ về quá đông dịp 30/4-1/5. Riêng TP Vũng Tàu, chính quyền đã kích hoạt nhiều biện pháp nhằm phòng chống dịch.

Theo tính toán của Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, đến hết ngày 30/4, các bãi tắm, khu du lịch trên toàn thành phố đón 70.200 lượt khách du lịch đến tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi. Đây được đánh giá là một trong những nguy cơ khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Trước đó, nhiều địa phương khác đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, trong đó có dịch vụ vũ trường, karaoke.

Ngày 28/4, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành công văn về việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke trên địa bàn từ 29/4 đến hết ngày 3/5.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cũng chỉ đạo dừng bắn pháo hoa vào đêm 1/5 tại Quảng trường 2/4 và đảo Hòn Tre để ngăn tụ tập đông người, phòng chống dịch Covid-19.

Thời điểm này, dịch bệnh vừa trở nên nghiêm trọng hơn ở các nước láng giềng. Các chuyên gia cho rằng tình hình nhập cảnh trái phép sẽ khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ 30/4-1/5.

 Quán bar, vũ trường, karaoke tại một số địa phương bị yêu cầu tạm dừng hoạt động. Ảnh: Chí Hùng.

Quán bar, vũ trường, karaoke tại một số địa phương bị yêu cầu tạm dừng hoạt động. Ảnh: Chí Hùng.

Ngày 29/4, sau khi phát hiện một số ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, Hà Nam yêu cầu dừng các lễ hội, hoạt động sự kiện tập trung đông người, các hội nghị không cần thiết; các hoạt động kinh doanh như karaoke, masage, trò chơi điện tử online và offline, các khu vui chơi giải trí cũng phải tạm dừng hoạt động cho tới khi có thông báo mới.

Từ 0h ngày 30/4, Hà Nội cũng ra lệnh cấm tương tự. Đến sáng 30/4, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các quán karaoke, quán bar, dịch vụ massage... đóng cửa từ 18h cùng ngày.

Từ 0h ngày 1/5, UBND TP Hải Phòng cũng quyết định dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, quán bar, pub, game, Internet.

Tương tự, Yên Bái cũng phát hiện ca lây nhiễm trong khu cách ly cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bia hơi giải khát, quán bar, quán game từ 0h ngày 1/5.

Như vậy đến nay, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái đã có quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở quán bar, vũ trường, karaoke và một số sự kiện vui chơi, giải trí.

Trao đổi với Zing, đại diện một số hệ thống quán bar, karaoke cho biết sẽ nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của địa phương. Mặc dù vậy, việc dừng hoạt động ngay sát thời điểm lễ 30/4-1/5 vẫn khiến các đơn vị gặp khó trong công tác sắp xếp nhân sự và lên kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.

"Không biết phải đóng cửa đến bao lâu, nhưng biết làm sao được", đại diện chuỗi karaoke ICool chia sẻ.

Ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing của hệ thống Kingdom, cho rằng khó khăn với ngành giải trí về đêm còn tiếp tục kéo dài đến khi tiêm chủng vaccine được áp dụng rộng rãi, có thể khoảng giữa năm sau.

Do đó, doanh nghiệp đang tính đến phương án xấu nhất là có thể tạm đóng cửa một số mô hình hoặc tạm ngưng một số sự kiện lớn, chỉ hoạt động ở mức vừa đủ để có công ăn việc làm và thu nhập cho nhân viên.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Cuối năm 2020, UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ người lao động ở 6 ngành nghề, mỗi người 1 triệu đồng/tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó các ngành nghề như nhân viên các cơ sở thẩm mỹ, quán bar, karaoke, massage… TP.HCM ước tính có gần 27.500 người thuộc đối tượng này.

Theo bản tin lúc 18h ngày 1/5 của Bộ Y tế, tỉnh Hà Nam có thêm 3 người nhiễm SARS-CoV-2, tổng số ca Covid-19 tại đây là 10 bệnh nhân.

Trong 3 ca mắc mới ở Hà Nam, một người là F1 của BN2899 (bệnh nhân dương tính với nCoV sau khi hết hạn cách ly). Hai trường hợp còn lại là vợ và ông nội của F1 trên. Những người này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Như vậy, từ 29/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. 4 tỉnh, thành phố đang có dịch là Hà Nam (10), Hà Nội (3), Hưng Yên (2), TP.HCM (1).

Ngoài ra, chiều 1/5, Bộ Y tế công bố thêm 11 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh ghi nhận tại Đà Nẵng (2), TP.HCM (3), Hà Tĩnh (3) và Quảng Ninh (3).

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-dia-phuong-nao-dong-cua-quan-bar-karaoke-post1210585.html