Những dấu hiệu cho biết đã đến lúc cần phải tẩy giun cho trẻ

Đây là thắc mắc được các bậc phụ huynh đang có con nhỏ rất quan tâm, nếu quan sát thấy con trẻ hoặc các thành viên trong gia đình có các biểu hiện bị nhiễm giun thì nên tẩy giun ngay lập tức.

Cụ thể, có nhiều cơn đau bụng, tập trung ở vị trí quanh rốn, trẻ đi ngoài ra phân lỏng hoặc đặc; trẻ chán ăn, bỏ bữa, sụt cân, thường cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao.

Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện ngủ không sâu giấc, đêm thường quấy khóc, bụng trẻ to, căng cứng. Đặc biệt là phải kể đến triệu chứng điển hình nhất của nhiễm giun kim là ngứa hậu môn.

Hãy quan sát trẻ, nếu có các biểu hiện nhiễm giun thì cần tẩy giun cho trẻ ngay lập tức (Ảnh minh họa: Capcut).

Người lớn cũng có thể bị nhiễm giun

Trẻ nhỏ là đối tượng có khả năng bị nhiễm giun cao hơn người lớn. Tuy nhiên, nếu người lớn thường xuyên ăn các loại thực phẩm không được nấu chín, nước uống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi, ruồi hoặc nhặng, gián... bám vào cũng có nguy cơ nhiễm giun.

Tình trạng về vệ sinh môi trường, vệ sinh trong ăn uống kém làm tăng nguy cơ bị nhiễm các loại giun như: giun đũa, giun tóc, giun kim, giun móc và giun lươn...

Ở trẻ em, ngoài giun đũa còn thì rất dễ bị nhiễm giun kim vì chơi nghịch đất cát có lẫn trứng giun hoặc do gãi vùng hậu môn (do giun bò ra đẻ trứng và gây ngứa) rồi lại có thể sẽ đưa tay lên miệng rồi nuốt phải trứng giun...

Tình trạng nhiễm giun kéo dài rất có thể gây ra suy dinh dưỡng, cơ thể thiếu máu, thiếu sắt, hoặc các bệnh lý về gan hay phổi...

Những người đang mang thai mà nhiễm giun rất dễ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển...

4-6 tháng tẩy giun 1 lần cho cả gia đình để tránh lây nhiễm chéo

Trên thị trường hiện nay chủ yếu có chứa hai hoạt chất chính mebendazol và albendazol, trong đó loại chưa chất mebendazol dễ sử dụng hơn. Tác động của mebendazol là bằng cách ức chế, ngăn cản lại sự tiêu thụ các chất dinh dưỡng của các loại giun.

Đây loại thuốc không kê đơn, chúng ta có thể tự mua thuốc để tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình để tránh các trường hợp bị lây nhiễm giun chéo, định kỳ nên 4-6 tháng tẩy giun 1 lần.

Riêng đối với những trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân đang bị suy gan, bị nhiễm độc tủy xương, có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc nên đi khám và làm theo sự chỉ dẫn bác sĩ để tẩy giun đúng cách.

Khi uống thuốc cần lưu ý, mặc dù thuốc tẩy giun có thể uống bất cứ lúc nào, nhưng thời điểm tốt nhất là uống vào sáng sớm khi bụng đói hoặc uống sau bữa tối khoảng 2 giờ.

Dùng thuốc sau 1 ngày, hãy theo dõi phản ứng của cơ thể, nếu có những dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, nổi mề đay... có thể người dùng đang bị dị ứng với các thành phần của thuốc.

Lúc này, nên nghỉ ngơi, nếu các triệu chứng này giảm dần theo thời gian thì không sao nhưng nếu cơ thể có phản ứng mạnh hơn như sốt, mệt rã rời, nôn nhiều... thì nên đến gặp bác sĩ ngay.

Để tránh tái nhiễm các loại giun thì cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, thường xuyên làm sạch môi trường sống như: diệt ruồi, muỗi, gián trong khu vực sinh sống, dùng thức ăn sạch, được nấu chín kỹ, rửa tay trước mỗi lần dùng bữa, hay ăn uống.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/nhung-dau-hieu-cho-biet-da-den-luc-can-phai-tay-giun-cho-tre-20240503113704623.htm