Kiev là một trong những trở ngại đối với sự ra mắt của Nord Stream 2. Vào năm 2024, thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hạn, sau đó Kiev có nguy cơ bị gạt khỏi mạng lưới cung cấp năng lượng của Nga.
Nhưng khả năng này không quá cao, vì cả Đức và Mỹ đều quan tâm đến việc bảo tồn quá cảnh khí đốt của Ukraine. Nếu không nhờ Washington và Berlin, Kiev sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để duy trì và gia hạn thỏa thuận vận chuyển với Gazprom.
Trong một số điều kiện nhất định, Ukraine có thể tác động đến dự án, điều này sẽ được nói đến ở phần cuối.
Tiếp theo là 3 nước Baltic và Ba Lan, cho đến nay họ vẫn là những đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở Châu Âu. Các quốc gia Đông Âu này liên tục phản đối những dự án khí đốt của Nga ở Cựu thế giới.
Warsaw đã có kinh nghiệm kiện tụng thành công với Gazprom và đã chặn được một phần Nord Stream đầu tiên trên nhánh Opal. Sẽ rất thiếu thận trọng khi Tập đoàn năng lượng Nga bỏ qua yếu tố Ba Lan trong tính toán của họ.
Tiếp theo là hai yếu tố kết hợp cùng một lúc, được các nhà báo Handelsblatt xác định là trở ngại lớn trên con đường vận hành dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ của Gazprom.
Đó là sự phản kháng của các quan chức châu Âu có mối liên hệ thân thiết với Mỹ, cũng như những sửa đổi mà họ đã thông qua đối với Chỉ thị Khí đốt của EU, được chọn làm công cụ gây áp lực lên Moskva.
Không có gì bí mật khi một bộ phận đáng kể thành viên Nghị viện châu Âu có quan điểm chống Nga và ủng hộ Ukraine, nhưng tin tốt với Moskva là cơ cấu trên quyết định rất ít về vấn đề này và không có quyền hạn thích hợp.
Một điều nữa là Hội đồng châu Âu có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt và tìm kiếm những thay đổi trong luật pháp chung. Các sửa đổi đối với Gói năng lượng thứ ba khiến Nord Stream 2 đối diện nhiều thách thức.
Theo các nhà lập pháp châu Âu, 50% công suất của đường ống phải được dành cho một số nhà cung cấp thay thế cho Gazprom, và chủ sở hữu của đường ống không thể đồng thời là nhà điều hành của nó.
Tuy nhiên mọi thứ không phải là quá xấu đối với Nga. Nhờ vị thế rất vững chắc của Đức trong Hội đồng châu Âu, Berlin có thể đạt được thỏa thuận thông qua một kịch bản nhẹ nhàng hơn cho việc thay đổi luật năng lượng.
Đối với Nord Stream 2, có khả năng đạt được một ngoại lệ so với các định mức của Gói năng lượng thứ ba, nếu bản thân Đức muốn và họ trực tiếp quan tâm đến điều này. Đổi lại, Gazprom đã bắt đầu thủ tục đăng ký lại đường ống dẫn khí Nord Stream 2 với tư cách nhà điều hành độc lập.
Không bị loại trừ khả năng sẽ có một trung tâm ảo để bán "nhiên liệu xanh" cho người tiêu dùng châu Âu ngay tại điểm đi vào lãnh hải Đức. Phương án cuối cùng, thậm chí có thể cho phép một công ty cạnh tranh của Nga như NOVATEK sử dụng 50% công suất Nord Stream 2.
Yếu tố tiếp theo vẫn là Mỹ, hiện nay Washington cùng với Berlin đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về số phận tương lai của dự án Nord Stream 2.
Họ liên kết Gazprom với việc sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine sau năm 2024, cũng như khả năng vô hiệu hóa đường ống dẫn khí đốt nếu Nga đột ngột cố gắng sử dụng nó như một đòn bẩy gây áp lực lên Kiev.
Mỹ không quan tâm đến việc cắt đứt quan hệ với Đức và Liên minh châu Âu, nhưng nếu các sự kiện phát triển theo kịch bản cấp tiến thì Washington có thể đơn phương rút khỏi thỏa thuận với Đức và áp đặt lệnh trừng phạt lên Gazprom và những công ty châu Âu hợp tác với họ.
Dĩ nhiên không thể bỏ qua Đức, Berlin cũng như một số quốc gia Tây Âu quan tâm nhất đến việc để cho Nord Stream 2 hoạt động hết công suất, Thủ tướng Angela Merkel đã gắn dự án với sự nghiệp chính trị của mình.
Bà Merkel thậm chí không ngại tranh cãi với Nhà Trắng, bất chấp mối quan hệ an ninh quốc phòng của hai bên.
Tuy nhiên nhiều điều có thể thay đổi theo hướng tiêu cực nếu Đảng Xanh lên nắm quyền với chương trình nghị sự cứng rắn về môi trường và xem xét lại thái độ hợp tác với Nga.
Cuối cùng như đã nói ở trên, Kiev vẫn có thể đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn Nord Stream 2 nếu họ hành động ở Donbass.
Điều này sẽ buộc Nga phải can thiệp như tuyên bố trước đó của ông Putin và ngay lập tức bị phương Tây coi là hành động chống lại một quốc gia có chủ quyền.
Sau đó theo thỏa thuận giữa Mỹ và Đức, Berlin sẽ có nghĩa vụ phải vô hiệu hóa đường ống dẫn khí đốt. Đây là "đòn hiểm" mà Nga phải cực kỳ thận trọng và tính toán kỹ.
Bạch Dương