Những 'chiến binh' đạp núi đến trường: Ba anh em 'cõng' hy vọng của bản

Những đứa trẻ người Mông ở bản Tà Cóm đạp núi, mở đường, bỏ hủ tục, cõng theo khát vọng thoát nghèo của cả bản làng tới lớp, tới trường...

Ước mơ của cậu bé Sùng A Hành là được làm thầy giáo.

Ước mơ của cậu bé Sùng A Hành là được làm thầy giáo.

Hầu hết các hộ dân ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đều thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, đọt măng đắng trong rừng. Không cam chịu đói nghèo, cơ cực, những đứa trẻ người Mông như những chiến binh nhỏ tuổi đạp núi, mở đường, bỏ hủ tục, cõng theo khát vọng thoát nghèo của cả bản làng tới lớp, tới trường.

Bước chân không mỏi

Nơi “thâm sơn cùng cốc”, anh em Sùng A Hành lặng lẽ bước đi mỗi sáng tinh mơ, băng qua 5km đường núi dốc, lội suối, vượt mây mù chỉ để đến lớp học chữ.

4 giờ 30 phút, cả thôn Suối Chảy (bản Tà Cóm) còn chìm trong giấc ngủ, chỉ lác đác tiếng gà gáy và đom đóm còn lập lòe thì nhà Sùng A Hành đã sáng đèn. Giờ này, mẹ của Sùng A Hành đã dậy để nhóm củi nấu cơm cho 3 đứa con mang đi học.

5 giờ, trên núi trời vẫn còn tối đen, sương lạnh ngắt mịt mù, ba anh em Sùng A Hành (9 tuổi), Sùng A Long (7 tuổi) và Sùng A Ư (5 tuổi) lần theo con đường mòn dẫn ra bản rồi hun hút đi vào màn đêm.

Nhà anh em Sùng A Hành nằm ở nơi xa nhất của bản, trên tận đỉnh núi. Dù điểm lẻ của trường đã dựng trong bản để học sinh đến trường được gần so với điểm chính, thế nhưng từ Suối Chảy ra trường, anh em Sùng A Hành phải băng qua hơn 5km đường rừng, đá tảng, đá hộc, đá dăm trải khắp nơi với nhiều con dốc dựng đứng, mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì bùn trơn như đổ mỡ.

Ngoài chiếc cặp, Sùng A Hành đảm nhiệm vai trò xách theo túi cơm rồi cùng hai em nhỏ bám theo sau. Không dép, không áo ấm, mùa Đông cái lạnh vùng cao táp vào mặt tái tê. Khi ánh mặt trời chiếu qua cửa sổ lớp học cũng là lúc anh em Sùng A Hành đặt chân tới cổng trường.

Sùng A Hành và Sùng A Long cùng học trong một trường, còn Sùng A Ư học ở trường mầm non bên cạnh. Buổi trưa, Sùng A Ư sẽ sang trường tiểu học để cùng ăn cơm với anh và chị.

 Ba anh em Sùng A Hành mỗi ngày vượt hơn 5km đường rừng đến trường.

Ba anh em Sùng A Hành mỗi ngày vượt hơn 5km đường rừng đến trường.

Bữa cơm của ba anh em chỉ là cơm và một chút mèn mén, vậy mà ngày nào chúng cũng ăn ngon lành. Ăn xong, cả ba anh em lại cùng chơi cho đến khi vào giờ học buổi chiều. Và khi trời sầm sập tối, cả ba lại cùng nhau trở về nhà trên quãng đường hơn 5km, bao quanh là đồi núi, dốc đá.

Những ngày đầu mới theo bạn đến trường, Sùng A Hành sợ nhất là ma, nhưng giờ với A Hành, điều sợ nhất lại là muộn học. “Mùa mưa đường trơn lắm, nhiều lần con bị ngã thâm cả chân nhưng con không bỏ học đâu. Học hết tiểu học, con sẽ theo các anh chị ra xã để học cấp 2 rồi sau này học lên đại học để về bản dạy chữ cho các em nhỏ giống như thầy Sùng A Chai”, Sùng A Hành nói với đôi mắt đen lay láy ánh lên niềm tin mãnh liệt.

Thầy giáo Sùng A Chai, giáo viên chủ nhiệm của Sùng A Hành xúc động kể: “Nhiều hôm đi trên đường bị ngã, mấy đứa nhỏ quần áo lấm lem bùn đất thế nhưng chúng vẫn đến trường chứ không quay về. Hay có những hôm trời mưa tầm tã, tưởng các em nghỉ học, vậy mà vẫn thấy ba bóng nhỏ ướt sũng lững thững đi vào trường run lẩy bẩy”.

 Bữa cơm trưa của anh em Sùng A Hành.

Bữa cơm trưa của anh em Sùng A Hành.

Mở lối cho tương lai

Bản Tà Cóm hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những người Mông ở tỉnh Sơn La di cư đến. Từ vài hộ dân ban đầu, đến nay, sau hơn 30 năm, bản Tà Cóm đã có hơn 100 hộ. Không chỉ nhà Sùng A Hành mà hầu hết cả bản Tà Cóm này đều thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, đọt măng đắng trong rừng, chỉ có dăm hộ trong bản vỡ được ít ruộng dọc các con suối để trồng lúa nhưng cũng năm được, năm mất.

Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm Sùng A Tông cho biết, Suối Chảy là điểm xa nhất của bản. Những năm gần đây, bản đã có điện sáng, nhận thức của bà con được nâng lên nên con cái cứ đến tuổi là cho đi học.

“Suối Chảy hiện có 7 học sinh thì cả 7 em đều đến trường. Ba anh em nhà cháu Sùng A Hành là gương điển hình của việc vượt khó tìm chữ. Sùng A Hành có “thâm niên” 5 năm đi bộ từ 5 giờ sáng để đến lớp, vài năm nay, các em của Hành cũng đi theo anh”, Bí thư Sùng A Tông chia sẻ.

Cũng theo ông Sùng A Tông, tất cả học sinh này đều thuộc diện hộ nghèo, có 2 cháu còn có hoàn cảnh đặc biệt như bố đi tù hoặc nghiện ngập, thế nhưng các cháu vẫn không vì hoàn cảnh mà bỏ cuộc. Điều mà trước đây, không chỉ Bí thư Chi bộ Sùng A Tông lo lắng mà cả các cấp chính quyền của xã đều trăn trở, cứ nghèo đói là bỏ học.

“Giờ đây, trẻ con ở bản không còn bỏ học theo cha mẹ chúng lên nương. Nhưng con đường đến trường của các cháu cũng nhọc nhằn, gian khó, như chuyện người dân nơi này làm ra hạt lúa, hạt ngô. Câu chuyện của ba anh em Sùng A Hành không phải là chuyện hiếm ở vùng cao Mường Lát, nhưng lại là minh chứng sống động cho nghị lực và khát vọng đến trường của trẻ em nơi đây”, Chủ tịch UBND xã Trung Lý Ngân Văn Lon tâm sự.

Giữa muôn vàn khó khăn, điều khiến anh em Sùng A Hành miệt mài là ước mơ vượt qua những dốc đá, những ngọn núi cao chọc trời kia để được làm thầy giáo được quay lại giúp bản làng thoát khỏi nghèo đói.

Và cứ thế, giữa “thâm sơn cùng cốc”, mỗi ngày, ba đứa trẻ vẫn bước đi - âm thầm nhưng kiên định. Những bước chân nhỏ bé ấy đang mở lối cho một tương lai sáng hơn, nơi cái chữ không chỉ thắp sáng cuộc đời các em, mà còn là ngọn lửa hy vọng cho cả cộng đồng…

Chủ tịch UBND xã Trung Lý Ngân Văn Lon cho biết: “Những năm gần đây, phần lớn học sinh ở Tà Cóm đã không còn bỏ trường, bỏ lớp. Hiện khối Mầm non có 55 học sinh; Tiểu học có 89 học sinh. Tỉ lệ đến lớp của hai cấp này là 100%; riêng Trường PTDTBT THCS Trung Lý cách bản hơn 50km nên một số em đã không theo được, tỷ lệ của cấp học này đạt 98%”.

Nguyễn Thùy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-chien-binh-dap-nui-den-truong-ba-anh-em-cong-hy-vong-cua-ban-post728179.html