Nhân lên thói quen đọc sách

Nhằm khơi dậy niềm yêu sách và lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) với tinh thần đổi mới, sáng tạo và đầy trách nhiệm. Qua đó, từng bước hình thành thói quen đọc sách như một nét đẹp văn hóa trong đời sống.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò của văn hóa đọc trong xây dựng nhân cách, phát triển tư duy con người. Năm nay, các hoạt động hưởng ứng tại Bắc Kạn được tổ chức quy mô cấp tỉnh với chủ đề sâu sắc, giàu ý nghĩa như: Thi tuyên truyền, giới thiệu sách với chủ đề “Bản hùng ca đất nước”; tổ chức thư viện lưu động tại trường học; trưng bày 1.500 đầu sách, báo, tạp chí; triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”...

 Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Điểm nhấn nổi bật của chuỗi hoạt động là cuộc thi “Thi tuyên truyền, giới thiệu sách” cấp tỉnh, diễn ra ngày 17/4/2025 tại Nhà Văn hóa tỉnh. Mỗi đội đại diện các huyện, thành phố đã lựa chọn một cuốn sách về đề tài lịch sử, cách mạng hoặc văn học yêu nước để truyền cảm hứng tới người nghe. Không chỉ là cuộc thi, đây còn là dịp để những “đại sứ đọc sách” lan tỏa niềm yêu tri thức trong cộng đồng.

Cùng với các sự kiện cấp tỉnh, các trường học trên địa bàn Bắc Kạn cũng đồng loạt hưởng ứng bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức ngày hội đọc sách, thi kể chuyện theo sách, thiết kế mô hình sách nghệ thuật, xây dựng “góc sách thân thiện” trong lớp học. Mỗi hoạt động đều hướng đến mục tiêu hình thành môi trường học tập tích cực, lấy sách làm trung tâm.

 Các em học sinh trải nghiệm hơn 1.500 cuốn sách, báo được trưng bày tại Nhà Văn hóa tỉnh.

Các em học sinh trải nghiệm hơn 1.500 cuốn sách, báo được trưng bày tại Nhà Văn hóa tỉnh.

Đặc biệt, thư viện lưu động với xe ô tô hiện đại, được đưa đến phục vụ tại Trường Tiểu học Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) cũng mang đến không khí sôi động, háo hức cho học sinh. Các em không chỉ được đọc sách, mà còn tham gia đố vui, xem phim thiếu nhi, tìm hiểu kỹ năng tìm kiếm thông tin. Đây là mô hình hiệu quả, giúp học sinh vùng khó tiếp cận với tri thức một cách sinh động, thực tế.

Trong thời đại công nghệ, việc khuyến khích người trẻ tiếp cận sách không còn chỉ là câu chuyện của thư viện hay nhà trường, mà đòi hỏi sự phối hợp của toàn xã hội. Vì thế, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025” tiếp tục là sân chơi cho học sinh toàn tỉnh thể hiện góc nhìn, cảm nhận với sách và sáng tạo trong tuyên truyền văn hóa đọc.

 Cô và trò Trường Tiểu học Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) trong ngày hội đọc sách.

Cô và trò Trường Tiểu học Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) trong ngày hội đọc sách.

Đồng chí Liêu Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Việc đọc sách không còn đơn thuần là để giải trí hay học tập mà còn là cách để chúng ta rèn luyện tư duy phản biện, nuôi dưỡng tâm hồn và giữ gìn bản sắc văn hóa. Với giới trẻ, đọc sách càng cần thiết để hình thành nhân cách, hun đúc lý tưởng sống và tránh xa những tác động tiêu cực từ không gian mạng. Văn hóa đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, một công dân trưởng thành. Bởi vậy, chúng tôi luôn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi để lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng…

Không chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính chất phong trào, tỉnh Bắc Kạn đã, đang và sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển hệ thống thư viện, đưa sách về vùng sâu, vùng xa, đồng thời khuyến khích các gia đình xây dựng tủ sách tại nhà, tạo môi trường đọc lành mạnh.

Bằng những bước đi cụ thể, thiết thực, Bắc Kạn đang từng ngày khơi dậy tình yêu với sách trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đọc sách – từ đó, mỗi người sẽ có thêm hành trang để sống tốt, sống có trách nhiệm và không ngừng vươn xa./.

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhan-len-thoi-quen-doc-sach-post70360.html