Những chiến binh bị lãng quên của Nam Phi
Họ đã rời bỏ gia đình và cống hiến cả tuổi trẻ để chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Nhưng cuối cùng họ đã phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thiếu niên trẻ cầm súng
Điều Xola Tyamzashe nhớ nhất về sinh nhật tuổi 16 của mình là tiếng súng khô khốc vang lên giữa không khí nóng oi ả giữa chiều. Ở tuổi những đứa trẻ đồng trang lứa cắp sách đến trường, anh lại bỏ nhà đi tòng quân tận vùng Dar es Salaam, Tanzania. Nơi đây cách quê nhà Tyamzashe ở Nam Phi đến hàng trăm cây số. Phần lớn những đồng đội của Tyamzashe đều rất trẻ, người nhỏ nhất thậm chí mới 11 tuổi. Họ oằn mình trui rèn ở xứ người mỗi ngày giữa vùng rừng núi hiểm trở với cùng một mục tiêu: Đấu tranh chống chế độ Apartheid ở Nam Phi.
Không giống như nhiều người khác, Tyamzashe sở hữu thể chất trời phú để được xếp vào hàng ngũ quân tinh nhuệ. Nhờ thân hình cao lớn, vai rộng, cánh tay dài và rắn chắc, anh được chỉ huy giao cho một khẩu tiểu liên bán tự động để giao chiến. Cứ mỗi lần giơ súng lên ngắm bắn mục tiêu bằng giấy, Tyamzashe lại tưởng tượng ra cảnh anh diệt một tên địch khiến gia đình anh khốn khổ. Với những thanh niên da đen ở Nam Phi cuối thập niên 80, cầm súng đấu tranh là cách duy nhất để đi đến tự do.
Ở thời điểm đó, chế độ apartheid ở Nam Phi vẫn là nguồn cơn mâu thuẫn xẻ đôi đất nước. Một bên là những người da trắng khư khư giữ lấy quyền lợi. Bên kia là người châu Á và người gốc Phi quyết đòi lấy sự bình đẳng, nhưng yêu cầu này của họ bị đàn áp dữ dội. Trước tình hình này, Tyamzashe và hàng ngàn người khác rời bỏ quê hương để đầu quân cho một tổ chức đóng quân ở Tanzania có tên Quân Giải phóng Nhân dân Azanian (APLA). Trong 4 năm ở APLA, Tyamzashe đã cầm súng đấu tranh mà không có tin tức nào của gia đình hay bạn bè.
"Tôi chẳng thể liên lạc được với người thân, thậm chí không biết họ còn sống hay đã chết", Tyamzashe chia sẻ về quãng thời gian đầy khó khăn đó. "Nhưng tôi cũng không nghĩ về họ được nhiều bởi phần lớn thời gian tôi phải tìm cách sống sót trên chiến trường. Cầm súng ra trận chỉ có giết hoặc bị giết. Biết vậy nhưng tôi vẫn chiến đấu để chống lại một hệ thống không công bằng đang đày đọa đồng bào của tôi".
Sự hy sinh của Tyamzashe và các đồng đội cuối cùng đã được báo đáp. Chế độ apartheid tại Nam Phi được xóa bỏ đầu thập niên 90, dẫn tới sự ra đời của một nhà nước mới. Nelson Mandela, lãnh tụ đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) trở thành tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử. Vui mừng vì góp phần xây dựng đất nước Nam Phi mới, Tyamzashe mong mỏi được hưởng chế độ đãi ngộ tương xứng với những gì anh đã hy sinh. Nhưng điều đó bỗng trở thành yêu cầu xa xỉ.
Cựu chiến binh già
Gần 3 thập niên sau khi chế độ Apartheid sụp đổ, Tyamzashe vẫn không được hưởng một chút quyền lợi nào dành cho một cựu chiến binh. ANC từng hứa hỗ trợ tài chính và dịch vụ xã hội, bao gồm cả việc cấp nhà ở cho những người như Tyamzashe nhưng họ lại không thực hiện. Việc Nelson Mandela quyết rời bỏ chức vụ Tổng thống Nam Phi sau một nhiệm kỳ đã để lại một di sản đầy những lý tưởng ngổn ngang. Những người kế nhiệm ông đã không làm tròn bổn phận với hàng ngàn binh sĩ góp phần thay đổi đất nước.
Theo dữ liệu của Bộ Cựu Chiến binh Nam Phi, Tyamzashe là một trong 71 ngàn người từng tham gia quân ngũ nhưng không được hưởng trợ cấp. Nhiều đồng đội từng rèn luyện cùng anh ở Tanzania phải sống trong cảnh thất nghiệp không nhà cửa. Một vài người túng quá làm liều và trở thành tội phạm. Có người đã chết. Nhìn vào cuộc đời họ Tyamzashe cảm thấy mình vẫn còn may mắn. Ở tuổi ngoại tứ tuần, anh sống một mình trong thị trấn vỏn vẹn 3 ngàn dân có tên Bronkhorstspruit.
"Tôi tòng quân lúc còn là một cậu bé trẻ người non dạ với đầy những lý tưởng", Tyamzashe giãi bày. "Tôi từng nghĩ chấm dứt chế độ apartheid sẽ khiến mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng hóa ra không phải như thế". Nơi Tyamzashe trú ngụ là một căn nhà tranh dựng trên đất của người khác. Hàng ngày anh kiếm sống bằng việc làm một vài món đồ thủ công đơn giản. Ít ra công việc tử tế đó còn giúp anh có tiền ăn uống đạm bạc mỗi ngày.
Đồng tình với Tyamzashe, cựu chiến binh Nontsikelelo Nqikashe nói thực tại đang trải qua chẳng đáng để cô chôn vùi tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Giờ đây cô thậm chí còn cảm thấy có lỗi với đồng đội vì cô từng tuyển mộ họ với những lời hứa có cánh. Nqikashe đã đứng lên chiến đấu khi thấy người da đen bị ngược đãi ở Nam Phi, nhưng cuộc chiến kết thúc chẳng thể giúp người chiến thắng sống tốt hơn.
Những cuộc giao tranh giữa người da đen với giới cầm quyền da trắng dưới chế độ apartheid đã khiến hơn 20 ngàn người thiệt mạng. Không ít người trong số đó là những chiến hữu APLA của Tyamzashe. Có một thời họ từng là cơn ác mộng của người da trắng khi đấu tranh bằng bạo lực vũ trang trên khắp lãnh thổ Nam Phi. Theo thời gian, các chiến binh APLA dần gác súng qua một bên theo tiếng gọi của Mandela để chuyển sang đấu tranh hòa bình. Nhưng cách làm đó chẳng khiến họ thỏa mãn.
Số phận khó khăn của những cựu chiến binh như Tyamzashe suy cho cùng là những hy sinh cần có để đảm bảo giữ vững một đất nước Nam Phi ổn định. Người da đen có quyền bình đẳng, còn người da trắng vẫn sở hữu tài sản họ tạo dựng được dưới chế độ apartheid. Mandela đã cố gắng giữ vững cán cân đó để tiếp tục đưa đất nước về phía trước, nhưng cái giá là không ít người bị bỏ lại phía sau. Những cam kết ông từng hứa với những cựu chiến binh như Tyamzashe lúc này lại quá khó thực hiện.
Ngày Tyamzashe tập kết trở lại Nam Phi, đón chào anh ở sân bay là bốn tướng lĩnh da trắng. Tyamzashe không còn nhận ra tên hay khuôn mặt những người này, nhưng anh vẫn nhớ như in những lời họ nói. Họ khuyên anh hãy quên đi quá khứ. Không còn thù hận nữa vì bây giờ tất cả là đồng đội của nhau. "Đồng đội ư?", Tyamzashe chua chát nói. "Tôi biết đồng đội của tôi từng bị họ giam cầm và tra tấn. Nhiều người thậm chí còn sống dở chết dở".
Tyamzashe không đồng ý với cách làm nhân đạo của Mandela và những người đứng đầu Nam Phi sau này. Chẳng có quan chức nào dưới thời apartheid bị đem ra xét xử dù họ từng gây không ít tội ác với người da đen. "Công lý ở đâu khi những tên tội phạm apartheid bây giờ vẫn được đi lại tự do trên phố?", Tyamzashe bức xúc nói. Nhưng đó là lựa chọn của Mandela. Ông biết mình phải làm thế vì người da trắng vẫn còn nắm giữ quân đội, lực lượng an ninh và phần lớn tài sản của đất nước.
Người bạn tù của Mandela
Cựu Tổng thống Nam Phi từng bị giam giữ đến 27 năm trước khi được trả tự do. Hai phần ba quãng thời gian trong số đó ông bị nhốt ở nhà tù trên đảo Robben. Ngồi tù cùng Mandela trong thời gian này là một cựu chiến binh APLA có tên Isaac Mthiunye. Ông đầu quân cho APLA vào năm 1957 lúc mới 18 tuổi. Trong một chiến dịch, Mthiunye bị chính quyền bắt sống và tống giam. Ông phải ngồi nhà đá hàng chục năm trước khi được trả tự do vào ngày chế độ apartheid sụp đổ.
Mthiunye kể ngày tưởng chừng đáng nhớ nhất trong đời ông đã trở thành kỷ niệm vô cùng đáng quên. Binh lính và quản giáo trong nhà tù gom ông cùng vài tù nhân khác chở ra ngoại ô thành phố Cape Town rồi hất họ xuống một con phố vắng. Không một lời giải thích, cũng không có một đồng trợ cấp nào, Mthiunye trở lại cuộc sống tự do mà không có ai giúp ông cả.
Hồi ức kinh hoàng trong quá khứ
Phải vật lộn để mưu sinh với cuộc sống hiện tại nhưng Tyamzashe nói anh vẫn cảm thấy may mắn vì không phải liên tục đối mặt tử thần như trong quá khứ. Trong thời gian huấn luyện ở Tanzania, anh từng nằm liệt giường vì sốt rét. Một binh sĩ nằm cạnh Tyamzashe cũng mắc căn bệnh tương tự, nhưng vi trùng chạy lên não người này và gây ra những cơn đau đầu như búa bổ.
"Anh ấy ngồi bật dậy trên giường bệnh rồi cứ thế mắt trợn trừng nhìn về phía trước", Tyamzashe kể. "Miệng anh ấy há ra rồi cứ thế gào thét. Bác sĩ không tìm được cách nào để giúp anh ấy bớt cảm thấy đau đớn ngay cả khi dùng đến thuốc tê. Ngay sau đó anh ấy chết. Tối hôm đó tôi vẫn chưa khỏi nhưng vẫn phải đứng gác. Người ta dựng xác chết của người lính đó ngay bên cạnh. Tôi phải ngồi cạnh một cái xác suốt đêm".
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-chien-binh-bi-lang-quen-cua-nam-phi-595272/