Những cây cầu kết nối khát vọng phát triển

Những cây cầu bề thế đã và đang được đầu tư sẽ góp phần quan trọng trong kết nối vùng, đồng bộ hạ tầng giao thông, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Cậy (Bình Giang) thi công các hạng mục dưới sông. Ảnh: Thành Chung

Đáp ứng mong mỏi của người dân

Những ngày giữa tháng 4, công trường thi công cầu Cậy thuộc địa phận xã Hùng Thắng (Bình Giang) nhộn nhịp, hối hả với hàng chục kỹ sư, công nhân thi công nhiều hạng mục. Dự án đầu tư xây dựng cầu Cậy thuộc tuyến tránh đường 394 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình quy mô đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Chiều dài toàn cầu là 182m với 4 nhịp được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 30 m, chia làm 2 đơn nguyên cầu riêng biệt. Công trình được triển khai từ ngày 20/3/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025.

Ông Hoàng Đức Hiển, ở xã Long Xuyên (Bình Giang) cũng như nhiều người dân Bình Giang vô cùng phấn khởi bởi khi cầu Cậy mới hoàn thành không chỉ giải quyết bất cập của cầu Cậy cũ mà còn mở ra cơ hội, triển vọng mới để Bình Giang phát triển. “Cầu Cậy cũ được xây dựng từ năm 1986, mặt cầu chỉ rộng chừng 4 m, hai ô tô không thể tránh nhau, tình trạng ùn tắc cục bộ ở khu vực cầu thường xuyên diễn ra, gây mất an toàn giao thông. Cầu Cậy mới sẽ đáp ứng được mong mỏi từ nhiều năm nay của người dân”, ông Hiển nói.

14 năm trước, sự kiện thông xe cầu Hợp Thanh cũng được coi là dấu mốc quan trọng, bước ngoặt lịch sử với người dân 6 xã khu đảo Hà Đông của huyện Thanh Hà. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quang Lê Văn Hải nhớ lại: “Hôm đó, già trẻ trai gái của 6 xã khu đảo Hà Đông kéo nhau lên cầu đứng chật kín hàng cây số. Cầu Hợp Thanh nối 6 xã khu đảo Hà Đông với trung tâm huyện Thanh Hà là niềm mong mỏi của người dân suốt nhiều năm. Xúc động nhất là hình ảnh những cụ già tóc bạc, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng vẫn nhờ con cháu dắt lên cầu để nhìn cây cầu mới”.

Việc triển khai Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390 đoạn từ cầu Hợp Thanh đến cầu Quang Thanh, trong đó xây dựng 1 cây cầu mới có mặt cắt ngang bằng cầu Hợp Thanh hiện tại rộng 7 m sẽ là niềm vui nhân đôi đối với người dân địa phương. Việc xây dựng cầu Hợp Thanh 2 không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, mà còn góp phần phát triển hạ tầng giao thông khu vực theo quy hoạch, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Những ngày đầu tháng 4, trên công trường thi công cầu Hợp Thanh, 60 kĩ sư, công nhân và hàng chục máy móc, thiết bị chia thành 5 mũi thi công khẩn trương xây dựng mố, trụ cầu và đúc dầm. Anh Dương Quốc Khánh, Chỉ huy công trường cho biết đến giữa tháng 4, đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi, một số trụ, đang tiếp tục thi công các trụ còn lại và sản xuất dầm, ước lượng đạt 30% khối lượng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 1/2025.

Cầu Bắc Hưng Hải nối xã Hà Kỳ với xã Phượng Kỳ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ

Hải Dương đang triển khai nhiều công trình cầu kết nối. Chỉ riêng dự án đường trục Đông – Tây đã có tới 6 cây cầu gồm 4 cây cầu được cải tạo, mở rộng và làm 2 cây cầu mới là cầu Bắc Hưng Hải, Phí Xá. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục để sớm hoàn thành.

Là cây cầu có quy mô lớn trong số các cây cầu kết nối đường trục Đông – Tây, cầu Bắc Hưng Hải nối xã Hà Kỳ với Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) tại km 33+100. Cầu dài 339 m, rộng 12 m, tổng giá trị xây lắp 174 tỷ đồng. Đến giữa tháng 4, công trình đã đạt khoảng 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/6 tới.

Động lực phát triển

Ngoài những cây cầu kết nối các địa phương trong tỉnh, Hải Dương cũng phối hợp triển khai nhiều dự án giao thông kết nối liên tỉnh. Dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn kết nối TP Chí Linh và huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Hải Dương đầu tư 5,3 km đường dẫn, tổng kinh phí hơn 469 tỷ đồng. Dự án cầu Hải Hưng và đường dẫn kết nối đường trục Đông – Tây tỉnh Hải Dương với đường tỉnh 389 huyện Phù Cừ (Hưng Yên), Hải Dương đầu tư đường dẫn dài 180 m, kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Dự án cầu Kênh Vàng và đường dẫn kết nối huyện Nam Sách với huyện Lương Tài (Bắc Ninh), Hải Dương bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 519 tỷ đồng. Những cây cầu, công trình dự án giao thông đối ngoại là điểm nhấn phát triển hạ tầng giao thông của Hải Dương, tiếp tục mở ra những kỳ vọng cho sự phát triển mới.

Trên nhiều tuyến giao thông huyết mạch, những cây cầu vững chãi không chỉ nối đôi bờ giúp giảm khoảng cách giữa các vùng mà còn tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, xuyên suốt. Với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở đường cho sự phát triển toàn diện, Hải Dương dành nhiều nguồn lực thực hiện các dự án, công trình cầu kết nối, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Từ những công trình kết nối vùng đã và đang tạo ra dư địa mới cho Hải Dương phát triển, là động lực quan trọng để Hải Dương tiếp tục bứt phá, vươn lên, sánh vai với các địa phương phát triển.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-cay-cau-ket-noi-khat-vong-phat-trien-379097.html