Những 'bàn tay vàng' chung sức xây dựng vùng biên

Binh đoàn 15 có gần 16.000 lao động, trong đó chủ yếu là thợ khai thác mủ cao su làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng biên giới hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp hiệu quả để đào tạo đội ngũ thợ khai thác mủ cao su lành nghề với đôi “bàn tay vàng”, làm hạt nhân xây dựng đơn vị và địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh (QPAN) trên vùng Bắc Tây Nguyên.

Hạt nhân tích cực ở vùng biên

Anh Đoàn Văn Giáp, công nhân Đội 4, Công ty 78 (Binh đoàn 15) trú tại thôn Ia Xoăn, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vừa đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” trong hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su của Công ty. Danh hiệu này không bất ngờ với công nhân, người lao động (NLĐ) và nhân dân vùng biên giới Mô Rai, bởi anh Giáp đã có nhiều năm đạt danh hiệu này ở cả cấp công ty và binh đoàn, hai lần đạt danh hiệu “Kiện tướng” ngành cao su Việt Nam. Hơn thế nữa, anh còn được mọi người kính trọng, tôn vinh “bàn tay vàng” đào tạo nghề cho NLĐ mới và đồng bào DTTS. Từ năm 2013 đến nay, có hàng trăm gia đình được anh Giáp đào tạo, truyền dạy kỹ năng nghề. Anh cũng chính là người góp phần giúp Công ty 78 đào tạo được hơn 1.100 thợ khai thác mủ cao su, trong đó hơn 94% là thợ khá, giỏi. Đặc biệt, đội ngũ thợ cùng với gia đình của họ đã hình thành lên 4 thôn nằm dọc vành đai biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai (Kon Tum), vừa phát triển kinh tế, vừa xây dựng thế trận QPAN vững chắc trên địa bàn.

 Lãnh đạo Công ty 715 và xã Ia Krai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đến vườn cây động viên công nhân người DTTS tại chỗ.

Lãnh đạo Công ty 715 và xã Ia Krai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đến vườn cây động viên công nhân người DTTS tại chỗ.

Đến thăm, động viên nhân dân xã Mô Rai và cán bộ, chiến sĩ, NLĐ Công ty 78, đồng chí Y Sâm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sa Thầy phấn khởi nói: “Công ty 78 là điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Mô Rai. Những người công nhân, người thợ của Công ty 78 không những xây dựng các thôn mình sinh sống đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành vùng quê đáng sống ở ngay phên giậu của Tổ quốc mà còn giúp các làng đồng bào DTTS tại chỗ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Tương tự Công ty 78, Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) cũng có gần 1.000 thợ khai thác mủ cao su và hình thành 5 thôn nằm dọc trên 35km vành đai biên giới xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Các công ty 732, 715, 72, 74, Công ty Bình Dương, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) đều đứng chân ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum, Gia Lai, có hàng nghìn thợ khai thác mủ cao su với sứ mệnh sản xuất giỏi, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giúp đồng bào DTTS tại chỗ xóa đói, giảm nghèo trên chính quê hương của mình. Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi gặp anh Ksor BLong, ở làng Mít Jép, xã biên giới Ia O (Ia Grai, Gia Lai). Từ một người nghèo khó, anh Ksor BLong được Công ty 715 tuyển nhận vào làm công nhân, đào tạo thành thợ giỏi, có tài sản 3ha điều, 1ha cao su, nhà ở kiên cố, khang trang và tiền lương khai thác mủ 10 triệu đồng/tháng. Song, điều mà Đại tá Nguyễn Thế Bích, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 715 tâm đắc là anh Ksor BLong trở thành một hạt nhân tích cực ở vùng biên, ra sức vận động, giúp đỡ đồng bào mình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ vững an ninh khu vực biên giới.

Nhân tố quyết định về đích

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 xác định, tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những biến động trên thế giới, giá các sản phẩm mủ cao su xuống thấp, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nhưng lợi thế của Binh đoàn có thể phát huy để về đích sản lượng năm 2022 là nhân tố con người, đội ngũ thợ lành nghề, được giáo dục, tôi luyện qua nhiều năm trong điều kiện khó khăn. Đại tá Hoàng Sỹ Chung, Phó tư lệnh Binh đoàn 15 cho rằng, nhân tố đó phải được khơi dậy bằng nhiều chính sách, nhiều giải pháp, trong đó, Phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” vừa là một giải pháp truyền thống, vừa cấp bách trước mắt. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức phong trào rộng khắp, thực chất, hiệu quả với phương châm “Mỗi ngày cạo mủ là một ngày luyện tay nghề”. Phân công cán bộ kỹ thuật, thợ giỏi kèm cặp, giúp đỡ thợ mới, thợ người đồng bào DTTS. Tích cực áp dụng các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Gắn phong trào với thực hiện quy trình kỹ thuật và công tác kiểm tra, chấm điểm kỹ thuật theo ngày, tuần, tháng. Tổ chức hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su từ cấp đội đến binh đoàn tạo thành một ngày hội lớn của công nhân, NLĐ, tôn vinh, khen thưởng những người thợ giỏi, những “bàn tay vàng” của đơn vị.

Công nhân Công ty 74 khai thác mủ cao su.

Công nhân Công ty 74 khai thác mủ cao su.

Trung tá Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Chi nhánh 716 cho biết, dự kiến năm 2022, Chi nhánh sẽ về đích sản lượng được giao trước 36 ngày với năng suất bình quân 2,11 tấn/ha. Đây là một nỗ lực lớn của cán bộ và đội ngũ thợ khai thác. Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Ban giám đốc Chi nhánh đã rà soát lại lực lượng lao động và tiến hành tuyển dụng, đào tạo mới, đào tạo lại cho hàng trăm lượt thợ. Triển khai nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ công nhân, NLĐ gặp khó khăn cả về vật chất và tinh thần như: Hỗ trợ xây, sửa nhà, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc y tế, tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm trường, lớp học tập cho con em gia đình công nhân... Nhờ đó, đội ngũ thợ của Chi nhánh luôn tin tưởng, phấn khởi, toàn tâm, toàn ý lao động, sản xuất.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty 732 rất phấn khởi khi dự kiến năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, Công ty về đích trước 40 ngày sản lượng được giao. Theo anh Hùng thì yếu tố làm nên thành công đó chính là đội ngũ thợ khai thác của Công ty. Các cấp ủy, chỉ huy trong Công ty 732 luôn xem đội ngũ thợ của mình có đôi “bàn tay vàng” và đào tạo họ thành những người thợ có kiến thức toàn diện, kỹ năng giỏi, có tình yêu lao động. Kinh nghiệm ở Công ty 732 cho thấy, phải thường xuyên đánh giá trình độ của đội ngũ thợ thông qua thực hiện quy trình chăm sóc, khai thác, chất lượng vườn cây, hệ thống máng mái, dụng cụ khai thác, vệ sinh vườn cây, kỹ thuật cạo, năng suất, sản lượng... từ đó xác định nội dung, biện pháp bồi dưỡng, đào tạo sát với tâm lý, trình độ từng người thợ; tổ chức phân chia vườn cây, định mức lao động phù hợp với sức khỏe, trình độ tay nghề của thợ và động viên họ đầu tư phân bón tăng thêm để nâng cao chất lượng vườn cây. Kết quả mà mỗi người thợ nhận được là thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng, được Công ty bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội, đây là mức thu nhập, mức sống khá cao ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-ban-tay-vang-chung-suc-xay-dung-vung-bien-711608