Nhóm cổ phiếu ngành ô tô dẫn dắt thị trường chứng khoán Âu -Mỹ phiên 30/9
Thị trường chứng khoán Âu -Mỹ đi ngược chiều trong phiên 30/9 dù cho cùng chịu tác động từ nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp ô tô.
Chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực trong hầu hết phiên, khi giá cổ phiếu của các hãng xe “khổng lồ” của Mỹ là General Motors và Ford giảm mạnh. Tuy vậy, đà tăng cổ phiếu vào cuối phiên đã đẩy thị trường trở lại vùng dương.
Cụ thể, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng chưa đến 0,1% lên 42.330,15 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 5.762,48 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,4% lên 18.189,17 điểm.
Tính chung quý này, chỉ số S&P 500 tăng 5,5%. Chỉ số Dow Jones cũng tăng lên mức cao kỷ lục mới, mức cao nhất gần đây trong bối cảnh đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn trong những tháng tới.
Châu Âu cũng đã có một ngày giao dịch khó khăn khi lo ngại về "sức khỏe" của ngành công nghiệp ô tô làm tổn thương thị trường.
Tại Paris, chỉ số CAC 40 đã giảm 2% xuống 7.635,75 điểm, do giá cổ phiếu của Stellantis, với các thương hiệu bao gồm Jeep, Fiat và Peugeot, đã giảm tới 14,7% sau khi hãng này cắt giảm mục tiêu lợi nhuận hoạt động, viện dẫn các chi phí để cải thiện hoạt động ở Bắc Mỹ và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.
Chỉ số FTSE 100 của London giảm 1% xuống 8.236,95 điểm khi hãng ô tô Aston Martin cũng hạ thấp mục tiêu tài chính cho năm 2024, khiến cổ phiếu của hãng giảm 23%.
Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,8% xuống 19.324,93 điểm.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 9/2024 của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này. Báo cáo này có thể sẽ ảnh hưởng đến động thái chính sách tiền tệ của Fed.
Ngày 30/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đánh tín hiệu rằng lãi suất có thể sẽ giảm xuống nhiều hơn.
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia ở Tennessee, Chủ tịch Fed cho hay lạm phát ở tỷ lệ thấp đã diễn ra trong một thời gian và các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang hướng đến việc trở lại ổn định ở mức mục tiêu 2%. Các yếu tố kinh tế rộng lớn đang tạo ra một môi trường mà ở đó, lạm phát có xu hướng giảm.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 2,98 điểm (0,23%) xuống 1.287,93 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,80 điểm (0,34%) xuống 234,91 điểm.