Nhớ những đám cưới Hà Nội thời trước Đổi mới
Cuối thu cũng là thời điểm mà mọi người hay gọi là 'mùa chim làm tổ' - mùa cưới. Thực tình thì chuyện cưới xin bây giờ cũng linh hoạt lắm, bất kể thời gian nào, bất kể mùa nào, có lẽ chỉ tránh mỗi tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch) mà thôi. Nhất là cặp đôi ấy bị 'bác sĩ bắt cưới'.
Những ngày gian khó
Nói vui thế thôi, chứ cưới xin là chuyện hệ trọng của cả đời người nên các cặp đôi cũng để tâm lắm. Vị dụ như chọn ngày lành, chọn tháng tốt. Như câu nói mà các chủ hôn hay mở đầu khi phát biểu tại hôn trường là: “Hôm nay ngày lành tháng tốt…”.
Chuyện cưới xin của thế hệ 5x, 6x chúng tôi thì đơn giản lắm. Hồi đầu những năm 1980, tức là trước thời kỳ Đổi mới, tôi cưới vợ. Nhớ buổi sáng một ngày sau Tết, tôi được tranh thủ về Hà Nội mấy hôm. Trước ngày trở lại đơn vị, tôi đến nhà người yêu để chào. Bố người yêu sau những câu chuyện vui vẻ thì bất chợt hỏi theo kiểu rất bâng quơ: “Thế nào nhỉ?”. Tôi hiểu ngay ý ông nên tức khắc đến trước bloc lịch treo tường. Sau một hồi lật lật, giở giở, thì tôi chỉ vào một ngày. Hôm đó là chủ nhật, ngày Dương lịch chẵn, ngày Âm lịch cũng chẵn, tôi trả lời: “Chúng con định cưới vào ngày này ạ”. Bố người yêu tôi cũng từng là lính nên tỏ rõ sự thông cảm với chàng rể tương lai đang là lính chốt (đóng quân tại cao điểm biên giới phía Bắc - PV). Ông lại gần nhìn tờ lịch, nhìn tôi, rồi gật đầu. Vậy là đã ấn định xong ngày cưới.
Ngày ấy đất nước ta kinh tế khó khăn, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là với những người lính như tôi. Hầu hết thanh niên trai tráng đều lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tôi là còn may mắn vì "được đóng quân ở biên giới phía Bắc, tức là chặng đường về Hà Nội cũng gần, chứ cánh lính đóng quân ở Lào hay Campuchia thì cực hơn gấp bội.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đám cưới ở Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Nếu như hồi thập kỷ 70 trong đám cưới cô dâu thường mặc áo dài, ôm bó hoa lay ơn, thì chú rể sẽ mặc bộ quân phục mới (loại áo “đại cán” đối với sĩ quan, hoặc quần áo chiến sĩ đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ). Khách khứa bạn bè cũng vậy, ăn mặc chỉnh tề nhất có thể. Đám cưới thời trước Đổi mới như đám cưới của tôi thì cô dâu đã có váy cưới, dĩ nhiên váy cưới dạo đó cũng chưa cầu kỳ lắm. Hôm tổ chức lễ thành hôn, vợ tôi được người quen giới thiệu đến thuê đồ cô dâu cửa hàng váy cưới của diễn viên Mai Châu trên phố Hàng Bông, còn tôi thì mượn được bộ comple của một người bạn. Thế là sang và vui lắm rồi. Hôm đón dâu cũng đơn giản, nhà gần thì đi bộ, nhà có điều kiện thì thuê xe Ba Đình do Việt Nam tự đóng, sang hơn chút thì xe Hải Âu do Liên Xô sản xuất, nhà giàu thì thuê xe Karosa của Tiệp Khắc. Karosa là chiếc xe đẹp, rộng rãi và chở được nhiều người, nhưng cũng phải nhờ vả thân quen lắm mới thuê được. Điểm chung giữa thời xưa và thời nay là xe nào cũng dán chữ “Song hỷ” bằng giấy đỏ, diễu hành qua vài con phố rồi mới tới hội trường làm lễ cưới.
Những năm 1980, cuộc sống ở Hà Nội có tính cộng đồng rất sâu sắc. Điều này thể hiện ngay từ khi chuẩn bị đám cưới cho tới khi diễn ra và kết thúc. Để có một đám cưới, công tác chuẩn bị phải thực hiện trước đó vài tháng. Nó được đánh dấu bằng việc cha mẹ cô dâu, chú rể sẽ đi vay mượn phiếu thịt, tem vải, để dành bột mì, trứng, đường để làm bánh quy gai, quy xốp, vòng vừng, xin tiêu chuẩn mua chè, mua thuốc lá Điện Biên, Thủ Đô, Sông Cầu và các loại rượu cam, chanh, mơ, táo...
Cổ tích bây giờ
Lễ cưới thường tổ chức vào buổi tối thứ bảy hoặc chủ nhật, do lúc đó mọi người mới được nghỉ làm. Hôn trường được tổ chức ở hội trường của một cơ quan, xí nghiệp nào đấy, cũng có khi là dựng rạp trong sân trường học (vì chủ nhật học sinh được nghỉ). Thế là sang lắm rồi. Khách tới dự thường mang theo đồ vật làm quà mừng như chậu nhôm, xoong nồi, chăn bông hoa hồng, phích nước Rạng Đông (sang hơn thì phích đỏ Trung Quốc, chăn con công Trung Quốc). Ai là bạn bè thân thì thường tặng cuốn album bìa gỗ sơn mài.... tóm lại tất cả đều là hiện vật chứ không có phong bì.
Lễ cưới gọi là tiệc ngọt, bánh kẹo, nước chè là chủ yếu. Như hôm cưới tôi thì mỗi bàn có thêm đĩa lạc rang, đây là “chiến công” của ông anh vợ sau chuyến công tác ở Nghệ Tĩnh (từ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Quan khách, họ hàng ngồi nhâm nhi bánh kẹo, hút thuốc lá, uống trà và trò chuyện vui vẻ. Dù không đông, nhưng hầu như quen biết nhau nên câu chuyện cũng dễ dàng, cởi mở và không có ồn ào. Sau tràng pháo nổ đinh tai thì cô dâu chú rể được hướng dẫn đến ngồi ở bàn đầu, kiều như chủ tọa cuộc họp. Tôi nhớ, trước đó chục ngày chúng tôi dẫn nhau tới Ủy ban nhân dân phường để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ký tá giấy tờ xong thì dẫn nhau về, 7 ngày sau quay lại lấy giấy đăng ký kết hôn. Tờ giấy cũng giản dị, phần nội dung được viết tay. Có được tờ giấy đăng ký kết hôn thì vợ chồng chở nhau bằng xe đạp ra Bách hóa số 5 Nam Bộ hay Bách hóa Tràng Tiền để mua màn chiếu... với giá ưu đãi. Thế là hỉ hả lắm rồi.
Lễ cưới diễn ra cũng nhanh gọn, chừng một tiếng đồng hồ. Khi khách khứa ra về thì đến phần chụp ảnh. Dạo đó ảnh màu đã có, nhưng hiếm và đắt. Đám cưới nào sang thì chụp hẳn 1 cuộn phim màu, đám nào vừa vừa thì chụp chừng 10 - 15 kiểu, còn lại là chụp ảnh đen trắng, nhưng cũng chỉ có giới hạn chứ không dám chụp “xả láng” như máy kỹ thuật số bây giờ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Vậy là đã tròn 40 năm tôi lập gia đình. Đám cưới của tôi năm đó còn có một kỷ niệm sâu sắc. Chẳng là đầu tháng 11-1984, Hà Nội mưa to và kéo dài suốt mấy ngày. Nhiều đường phố bị ngập sâu, có đám cưới phải dùng thuyền để đón dâu. Có đám thì cô dâu chú rể, khách khứa, họ hàng phải xách giày dép lội nước đến hội trường. Đám cưới của tôi nhiều người không đến dự được chỉ vì mưa và đường phố ngập lụt. Hơi tiếc là chúng tôi không được “diễu hành” trên phố trước ánh mắt của bà con hàng xóm, không được nghe những lời xì xào khen cô dâu xinh gái, khen chú rể đẹp trai, hay những câu trầm trồ nói đám cưới này đông và sang trọng. Kỷ niệm ấy khiến tôi nhớ mãi. Nhớ nhất là may không phải hoãn, vì nếu hoãn thì tôi sẽ hết phép. Mà hết phép thì phải trở về đơn vị, sang năm xin được phép mới thì mới về Thủ đô cưới vợ được.
Anh lính chốt biên giới là tôi, cưới vợ xong chừng dăm bảy ngày thì khoác ba lô lên đơn vị mang theo nỗi nhớ người vợ trẻ đến da diết. Bây giờ kể lại cho con cháu nghe, lũ trẻ đều bảo: “Bố mẹ (hoặc ông bà) đừng kể chuyện cổ tích nữa”. Ồ, hóa ra mấy chục năm trước đã thành “cổ tích” rồi sao? Nhưng đúng, đó mãi mãi là “chuyện cổ tích đẹp như chính cổ tích” vậy.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nho-nhung-dam-cuoi-ha-noi-thoi-truoc-doi-moi-post594342.antd