Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất trừ điểm GPLX

Trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) là nội dung tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Với nhiều ý kiến tán thành ủng hộ, đây được cho là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là giải pháp đánh mạnh vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện. Theo đó, vừa có tác dụng răn đe mạnh mẽ hơn so với các hình thức xử phạt bổ sung đang áp dụng hiện nay như tịch thu bằng lái, vừa đảm bảo được công tác phát triển kinh tế xã hội, không gây khó khăn cho người dân.

Các chuyên gia cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là giải pháp đánh mạnh vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện.

Các chuyên gia cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là giải pháp đánh mạnh vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện.

TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Giải pháp này lại có hiệu quả là bởi vì khi người lái xe bị trừ điểm lần đầu, ví dụ như 3 điểm hay 6 điểm, thì họ luôn luôn nhớ trong đầu mình phải lái xe an toàn hơn. Bởi nếu như mình vi phạm tiếp theo thì mình sẽ phải thi lại, học lại. Chính việc đó làm cho họ rất chủ động, rất tuân thủ, thể hiện tính giáo dục, nhân văn, răn đe rất là tốt".

Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc chia sẻ: "Việc xử phạt, thời hạn thi lại, tổ chức thi lại bằng tất cả đều là để nhắm đến mục đích là tăng cường ý thức của người điều khiển phương tiện. Để tránh những trường hợp ảnh hưởng đến sinh kế, ảnh hưởng đến thu nhập của người lái xe chuyên nghiệp, thì cách tốt nhất là các anh phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Và nếu anh chấp hành tốt thì làm sao có thể trừ điểm của các anh được. Không bị trừ điểm thì sẽ không phải thi lại".

Theo thống kê, mỗi năm trung bình có khoảng 500.000 GPLX bị thu giữ, cũng đồng nghĩa với việc có 500.000 người phải tạm dừng hoạt động điều khiển phương tiện, gây khó khăn cho việc đi lại, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, khi mà bằng lái với họ là vật bất ly thân. Bên cạnh đó, hiện nay có những lỗi vi phạm có thể bị tước GPLX đến hai năm, điều này dẫn đến tình trạng bỏ GPLX, gây lãng phí xã hội.

Mỗi năm trung bình có khoảng 500.000 GPLX bị thu giữ, cũng đồng nghĩa với việc có 500.000 người phải tạm dừng hoạt động điều khiển phương tiện.

Mỗi năm trung bình có khoảng 500.000 GPLX bị thu giữ, cũng đồng nghĩa với việc có 500.000 người phải tạm dừng hoạt động điều khiển phương tiện.

Bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng: "Khi bị tước GPLX có thời hạn, người lái xe không được tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ gây tác động không nhỏ đến đời sống hàng ngày của người dân. Trong đó bao gồm cả hoạt động đi lại, lao động, sản xuất kinh doanh. Việc trừ điểm GPLX tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp quản lý hành chính bổ sung là tước GPLX như quy định trong dự thảo luật thì mang tính nhân văn hơn".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để biện pháp quản lý này thực sự đạt hiệu quả khi áp dụng thì cần có sự công khai về lỗi và điểm trừ, đồng thời cần có hình thức thông báo ngay lập tức cho chủ GPLX, qua đó có biện pháp điều chỉnh hành vi kịp thời.

Theo phương án dự kiến, thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm của GPLX.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhieu-y-kien-ung-ho-de-xuat-tru-diem-gplx-239781.htm