Nhựa Tiền Phong: Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh vừa phối hợp Hội Nông dân, Hội Doanh nghiệp và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh'.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tọa đàm "Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao".

Tọa đàm "Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao".

Là tỉnh nông nghiệp với nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông và hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng cùng tài nguyên đất rộng lớn, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Trong thời gian qua, tại tỉnh Tây Ninh, tình hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng mở rộng. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết đạt 14,5%. Tây Ninh đã hình thành được các chuỗi liên kết trên các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: heo, gà, bò thịt, bò sữa, mì, mía, mãng cầu, chuối già, lúa, sầu riêng.

“Hợp tác đa chiều thúc đẩy NNCNC ở tỉnh Tây Ninh gồm 9 chủ thể chính sau: Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà cung ứng đầu vào, nhà phân phối, nhà khoa học, nhà truyền thông, ngân hàng và các hiệp, hội. Một ngành hàng có càng nhiều chủ thể tham gia hợp tác, liên kết với nhau, hình thức hợp tác càng đa dạng thì càng phát triển bền vững. Việc liên kết đã giúp nông dân an tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng nông sản”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Tây Ninh tiếp tục xem phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.

Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng “Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh” giai đoạn 2025 - 2030 nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ.

Mục tiêu của tỉnh là phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích từ 15.000 - 20.000 ha, trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Trong 2 phiên trao đổi, thảo luận, các khách mời đã được trao đổi, lắng nghe những phương pháp, kinh nghiệm để triển khai mô hình nuôi trồng hiện đại một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến những vật liệu bền, an toàn với nguồn nước và hệ sinh thái để ổn định sản xuất cũng như vượt qua những quy định khắt khe về nông sản xuất khẩu của các nước tiên tiến.

Ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong (thứ 3 từ phải sang) chia sẻ những giải pháp mới trong nông nghiệp thông qua những sản phẩm của Nhựa Tiền Phong

Ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong (thứ 3 từ phải sang) chia sẻ những giải pháp mới trong nông nghiệp thông qua những sản phẩm của Nhựa Tiền Phong

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong đã chia sẻ những giải pháp mới trong nông nghiệp như hệ thống tưới tự động, hồ điều tiết nước ngầm thông qua những sản phẩm mà Nhựa Tiền Phong đã tiên phong kết hợp với các tập đoàn lớn trên thế giới nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất như phụ tùng lắp gioăng HDPE, phụ tùng zắc co, ống uPVC, sản phẩm cross-wave... đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe như ISO, ANZ...

Những sản phẩm này đã được tin dùng không chỉ trong nhiều dự án lớn về cải thiện môi trường sống tại Việt Nam mà còn là xu hướng tiêu dùng “xanh” trên thế giới. Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại và ý thức bảo vệ môi trường đã tạo nên sự khác biệt và uy tín cho Nhựa Tiền Phong trong ngành nhựa xây dựng.

Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong cũng thể hiện mong muốn được đồng hành cùng với các doanh nghiệp, hộ nông dân của tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn cấp tiến này và cam kết sẽ luôn lắng nghe các nhu cầu để tìm ra những giải pháp tối ưu, không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên “nước” quý giá, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm trưng bày của Nhựa Tiền Phong được đông đảo khách mời tham dự Tọa đàm quan tâm

Các sản phẩm trưng bày của Nhựa Tiền Phong được đông đảo khách mời tham dự Tọa đàm quan tâm

Buổi tọa đàm là cơ hội kết nối, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích đến các doanh nghiệp nông nghiệp, thông qua đó thắt chặt thêm mối liên kết của các đơn vị từ đầu vào đến đầu ra để tạo ra nhiều nông sản giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng đột phá của nền nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho xã hội và từng bước nâng cao cuộc sống của người dân tỉnh Tây Ninh.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhua-tien-phong-hop-tac-da-chieu-thuc-day-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tai-tay-ninh-d217822.html