Nhiều trói buộc khiến ĐH công không thể xây dựng vị trí có thu nhập vượt trội

Cần coi đào tạo sau ĐH là sản phẩm đầu ra bắt buộc và được trả chi phí hợp lý cho nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng NSNN hay sử dụng nguồn tài chính hợp pháp của CSGDĐH.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phiên họp ngày 29/5. Ảnh: quochoi.vn.

Cần coi đào tạo sau đại học là sản phẩm đầu ra bắt buộc và được trả chi phí hợp lý

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 29/5, Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam cho biết: “Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt rõ mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với chính sách tự chủ đại học là khâu đột phá trong phát triển và nhờ đó hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều thay đổi, từ mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đã dần được xây dựng, định hướng theo các chuẩn mực quốc tế, phát huy tối đa năng lực tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, thành quả về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ nhân lực nghiên cứu chiếm tới hơn 50% tổng nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam”.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam. Ảnh: quochoitv.vn.

Vị đại biểu chỉ ra, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có thể nêu một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Luật Khoa học và Công nghệ quy định nhà nước bảo đảm chi cho khoa học - công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2023 cho thấy chi sự nghiệp cho khoa học - công nghệ là 12.091 tỷ đồng, chiếm 0,58% tổng chi ngân sách.

Trong đó, việc phân bổ ngân sách vẫn còn dàn trải, chưa vận hành tốt cơ chế đặt hàng, đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ trung bình trên cán bộ còn thấp và chưa tương xứng.

Thứ hai, vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý về đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách. Đặc biệt, việc thiếu cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thiếu cơ chế giao cho đơn vị chủ trì sở hữu và định giá sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học.

Thứ ba, với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách chỉ được cấp thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu đơn lẻ. Nguồn kinh phí tự có và kinh phí từ hoạt động hợp tác rất ít, trong khi thiếu cơ chế để huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp và xã hội, các cơ sở giáo dục đại học chưa thể chú trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo do phải tập trung duy trì hoạt động và tăng trưởng ngắn hạn thay vì thực hiện cam kết dài hạn về đào tạo trình độ cao và sản phẩm tri thức chất lượng.

Thứ tư, trong các cơ sở giáo dục đại học, chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mực, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa lấy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển và làm nền tảng cho nguồn thu bền vững, vẫn còn thiếu công cụ đánh giá về hiệu quả thực hiện hoạt động khoa học - công nghệ của đội ngũ giảng viên.

Thứ năm, chưa có cơ chế đột phá để các cơ sở giáo dục đại học thu hút và sử dụng nhân tài là các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học lớn. Một mặt thì hệ thống thang, bảng lương và nguồn thu hợp pháp hạn hẹp, không cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng những vị trí việc làm với mức thu nhập vượt trội và chế độ ưu đãi đặc biệt. Mặt khác, nhân tài được thu hút vào cơ sở giáo dục đại học công lập phải tuân thủ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nên bị gò bó về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thiếu tính chủ động và tính sáng tạo của đội ngũ này.

Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao trong trường đại học, Đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị 3 giải pháp sau đây: “Một là, đầu tư từ nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực sản phẩm sáng tạo.

Quan điểm này là cơ sở để chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, khuyến khích các nghiên cứu đạt tới ngưỡng mang lại giá trị cao trong khoa học, có giá trị trong ứng dụng và cho phát triển đất nước, có cơ chế nuôi dưỡng và tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có tầm ảnh hưởng lớn.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học thay vì phụ thuộc vào học phí như hiện nay bằng các nguồn thu chủ động huy động từ nguồn lực xã hội, từ doanh nghiệp và từ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao thông qua cơ chế hợp tác công - tư trong xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hỗn hợp, kết hợp giữa nguồn lực từ doanh nghiệp và nguồn lực hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học, cơ chế thu hút nguồn hiến tặng của tổ chức, cá nhân cho hoạt động, nghiên cứu và phát triển cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng quy định khung đánh giá cơ sở giáo dục đại học và giảng viên dựa trên năng lực cả về đào tạo và nghiên cứu, cần coi đào tạo sau đại học là sản phẩm đầu ra bắt buộc và được trả chi phí hợp lý đối với nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hay sử dụng nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, Luật Nhà giáo cần sớm trình Quốc hội ban hành để tháo “nút thắt” về thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học”.

Tiếp tục đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tại phiên thảo luận chiều ngày 29/5, Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, có 2 vấn đề hiện nay cử tri đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm.

Trong đó, vấn đề thứ 2 được vị đại biểu đề cập liên quan đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ. Ảnh: quochoitv.vn.

Cụ thể, Đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết: “Tuy đã có những cải thiện tích cực nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì vẫn còn hạn chế. Đề cập đến nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể nhận thấy lợi thế nguồn nhân lực rất dồi dào song điểm yếu là tay nghề chưa cao. Mặc dù Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã và đang nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn để phát triển mang tính chất bền vững, tuy nhiên hiện trạng nguồn nhân lực qua đào tạo cơ bản vẫn còn thấp so với các địa bàn khác”.

Vị đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay, có khoảng hơn 10 triệu lao động, thì tỉ lệ đào tạo tính theo số có thời gian chứng chỉ đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm 14,5%, có trình độ đại học chiếm 7%, trong đó đối với Đông Nam Bộ thì trình độ đại học là 16% và vùng Đồng bằng sông Hồng là 14,5%.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 vừa qua tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ, nếu lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển thì đây cũng đang là điểm nghẽn lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, qua thống kê toàn vùng có 16 trường đại học, 6 phân hiệu đại học đang làm nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho cả vùng.

Qua số liệu thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng 80% người học đại học có hộ khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang học tại các trường phân hiệu đại học tại đồng bằng.

Song, thực tế tỉ lệ lao động qua đào tạo luôn thấp hơn do người học sau khi tốt nghiệp lại tìm việc ở các địa phương ngoài Đồng bằng sông Cửu Long, như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, do việc làm tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này cũng đang gây ra nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là một vòng luẩn quẩn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của vùng.

Từ thực tiễn này, Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm và có giải pháp kịp thời trong công tác đào tạo, thúc đẩy phát triển các hoạt động về kinh tế, đào tạo nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Cần sớm phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học để làm cơ sở cho việc đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học của vùng.

Thứ hai, tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh trong vùng, nhằm xây dựng “đầu tàu”, dẫn dắt công tác đào tạo, nghiên cứu, đặc biệt là các ngành như vi mạch bán dẫn, các ngành khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”, Đại biểu Nghĩa nêu.

Huệ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-troi-buoc-khien-dh-cong-khong-the-xay-dung-vi-tri-co-thu-nhap-vuot-troi-post243049.gd