Nhiều tờ báo 'biến mất' vì công nghệ
Sự lên ngôi của Internet đã khiến báo giấy mất hoàn toàn vị thế trong quá khứ của mình, điều tương tự cũng có thể xảy ra với AI và báo điện tử.
Nhanh nhạy “rút chân” khỏi thị trường báo in
Trong ký ức người viết - một người sinh ra ở cuối thế hệ 9X nhưng vẫn may mắn chưa bị “nhấn chìm” bởi công nghệ và màn hình điện tử - những tờ báo khổ lớn, khổ nhỏ và mùi mực in mới đã hằn sâu vào những khoảng bình yên nhất, từ một buổi trưa hè đầy nắng ở hiên nhà hay những buổi chiều đi cắt tóc cùng bố ở quán quen gần nhà. Báo giấy hồi ấy không có ô tìm kiếm, hình ảnh nét căng hay video sinh động nhưng vẫn đủ hấp dẫn đến mức đọc không sót một trang nào.
Nhưng báo giấy có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Đến năm 2024 này, báo giấy có lẽ chỉ còn phổ biến trên các chuyến bay hạng thương gia như một đặc quyền. Hình ảnh hàng loạt người dân ở ga tàu, sân bay cầm báo giấy giờ đã được thay thế bởi những chiếc smartphone - với sức mạnh tiếp cận không chỉ là một tờ báo mà là hàng nghìn tờ báo.
Báo giấy có lẽ đang “chết” với ống thở đã được nhiều tòa soạn tự nguyện rút ra từ lâu. Ở Hàn Quốc, số hộ gia đình đặt mua báo in đã giảm đáng kể trong những năm gần đây… Một phân tích thực nghiệm trích dẫn bởi Khoa Kinh tế, Đại học Seoul chỉ ra rằng, các hộ gia đình ngày càng ít mua báo in vì họ thích vào Internet để đọc báo hơn.
Nghiên cứu của cơ quan trên xuất bản năm 2020 cũng chứng minh rằng những người trẻ hoặc người có trình độ học vấn thấp có xu hướng dành ít thời gian hơn để đọc báo, dù là báo in hay báo điện tử.
Ở một nước vốn có lịch sử vô cùng lâu đời về báo in như Anh cũng không khác. Đầu năm nay, nhà báo nổi tiếng người Anh Geordie Greig cho hay, ông tin rằng việc loại bỏ ấn bản in là điều tuyệt vời đối với The Independent và tờ này hiện có khoảng 200 nhà báo, thu về 10 tỷ lượt đọc mỗi năm, với lợi nhuận “dưới 10 triệu (bảng hoặc đô la)”.
Greig khẳng định, tất cả các tờ báo cuối cùng sẽ chuyển sang dạng kỹ thuật số thuần túy, mặc dù không quên nhắc đến “mối tình lãng mạn tuyệt vời” của ông với báo in. Ông thẳng thắn: “Tôi không biết có ai dưới 40 tuổi đi mua báo in cả”.
Trong khi The Independent đã nhanh nhạy “rút chân” khỏi thị trường báo in từ 2016, một số cái tên đình đám khác đã từ bỏ “cuộc chơi” báo in thì sao?
Tượng đài National Geographic
Sau khi kênh truyền hình National Geographic TV ở châu Á đóng cửa vào đầu năm ngoái, ấn phẩm này đã thông báo sẽ ngừng bán bản in (trừ theo dạng thuê bao) và tập trung vào nội dung số bắt đầu từ năm 2024.
Ấn phẩm nhỏ viền vàng mang tính biểu tượng của tạp chí hàng tháng National Geographic là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của vô số người trên thế giới. Luôn luôn là một bức ảnh bắt mắt trên trang bìa và nội dung đặc sắc hàng đầu, tạp chí này đã khơi dậy trí tò mò của rất nhiều thế hệ với thế giới tự nhiên.
Đồng thời với việc tạm biệt ấn bản in, chưa đầy một năm kể từ đợt sa thải đầu tiên năm 2022, National Geographic đã nói lời tạm biệt các nhân viên biên tập chính thức còn lại của họ, thay thế bằng đội ngũ các cây viết tự do.
Mặc dù là một trong những tạp chí chuyên nghiệp và nổi tiếng nhất thế giới, ấn phẩm hơn 135 năm tuổi này đang phải vật lộn để tồn tại trong những năm gần đây. Bắt đầu từ năm 2012, sở thích đọc tạp chí in đã giảm đáng kể, khi tổng doanh thu gần như giảm một nửa. Xu hướng này tiếp tục diễn ra và vào năm 2019, National Geographic đã được Công ty Walt Disney mua lại.
Kể từ khi Disney mua lại National Geographic, một số biện pháp cắt giảm chi phí, chẳng hạn như sa thải nhân viên đã được thực hiện, làm giảm đáng kể khả năng xuất bản nội dung chất lượng của tạp chí này.
Mặc dù đại dịch đã góp phần gây khó khăn cho việc sản xuất cả phim tài liệu tự nhiên và bản in các tạp chí khoa học, nhưng vấn đề sâu xa hơn, theo blog Saratoga Falcon, là sự vươn lên của các phương tiện truyền thông dạng ngắn đang thống trị Internet ngày nay.
Sự nổi lên của TikTok, các video ngắn trên YouTube và Instagram đã lấp đầy cuộc sống của chúng ta với những tài liệu cực kỳ ngắn, được sản xuất hàng loạt, dần thay thế những nội dung dài hơn, chất lượng cao như các bài báo và phim tài liệu của National Geographic. Nói đến khía cạnh này, báo in chỉ đơn giản là đi trước và những nội dung dài trên ấn bản điện tử có lẽ cũng sẽ dần thấy sức ép do ngày càng kén người đọc.
Tuy vậy, phải biết rằng “Nat Geo” vẫn còn vô cùng may mắn so với nhiều tờ báo khác khi vốn dĩ mô hình của tạp chí hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Đến cuối năm 2022, việc gây quỹ hàng năm của báo thu được khoảng 118 triệu đô, chưa kể số tiền bán 1,8 triệu thuê bao báo in vẫn được duy trì. Số tiền này được báo cáo là để trả cho những nhà thám hiểm, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, nhà sáng tạo nội dung cũng như giáo dục và bảo tồn thiên nhiên.
Instagram của Nat Geo cũng tự hào có đến 283 triệu follow tính đến tháng 6 năm nay, chứng tỏ sức hút kỹ thuật số vẫn còn rất tốt.
“Cái chết” của Playboy
Playboy, một trong những tạp chí nổi tiếng nhất thế giới, đã tuyên bố sẽ đóng cửa và dừng bán bản in từ mùa xuân năm 2020. Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng với “cái chết” không mấy bất ngờ này, tạp chí phong cách sống dành cho nam giới ra mắt vào năm 1953 lại được nỗ lực “tái sinh” vào năm 2023, với mô hình tương tự OnlyFans, nhưng hứa hẹn sẽ cao cấp hơn.
Kết quả của nỗ lực quay lại này khiến ai nấy hoài nghi, bởi lẽ thứ mà tạp chí này được biết đến đã có sẵn ở mọi nơi, mọi lúc và chẳng tốn xu nào ngoại trừ tiền Internet. Sự suy tàn của đế chế Playboy không diễn ra sau khi ông trùm Hugh Hefner qua đời năm 2017, mà đã được dự đoán từ trước đó rất lâu.
Ấn bản bán chạy nhất của Playboy với doanh số 7 triệu bản đã có tuổi đời 52 năm. Đến những năm đầu 2000, Playboy vẫn là cái tên đình đám và logo của nó xuất hiện khắp mọi nơi, từ trang sức đến hình xăm, còn những “chú thỏ” của Hugh vẫn là những “ngôi sao” được săn đón.
Một điều không phải ai cũng biết là Playboy không chỉ có nội dung “tiền thân” của Onlyfans, tạp chí này thực sự có chỗ đứng trong ngành báo, với chữ viết hẳn hoi bên cạnh hình ảnh. Nó nổi tiếng vì các cuộc phỏng vấn sâu với nhiều biểu tượng văn hóa đại chúng (Frank Sinatra, The Beatles…) và trích đoạn từ các nhà văn lão làng như James Baldwin. Playboy từng tự tin phát triển với tư cách không chỉ là một tạp chí; mà còn là một lối sống. Hugh Hefner thậm chí mở rộng hệ sinh thái Playboy Enterprises ra các loại hình kinh doanh khác như Câu lạc bộ Playboy, ra đời để thể hiện phong cách sống quyến rũ và sang trọng mà tạp chí này tiếp thị.
Nhưng thực tế là thời đỉnh cao của Playboy đã sớm trôi qua từ lâu. Sau thành tích nói trên, doanh số cứ giảm dần qua các năm và đến 2018, số bản in bán ra chỉ còn chưa đến 4% thời kỳ hoàng kim.
Ngay kể cả trước khi xuất hiện Internet, Playboy đã thua ngay trên sân nhà. Sự trỗi dậy của băng đĩa video người lớn những năm 1980 đã khiến ấn bản in này phải cạnh tranh gay gắt. Chưa kể, các tạp chí như Stuff và Maxim gia nhập thị trường, khiến lượng phát hành tiếp tục giảm trong suốt thập niên 90.
Playboy đã phạm sai lầm chết người khi không “chuyển đổi số” đủ nhanh. Khi Internet bùng nổ, các tìm kiếm trực tuyến về Playboy chỉ trả về kết quả quảng cáo cho đối thủ cạnh tranh của họ. Để bù lỗ, Playboy đã cấp phép cho logo đã đăng ký nhãn hiệu của mình, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD, đặc biệt là ở châu Á bất chấp những hạn chế về doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, loạt hành động này chỉ biểu thị kiểu làm ăn “nhìn cây mà không thấy rừng” trong thời đại số. Đến khi Playboy hoàn thành quá trình di cư lên Internet thì đã quá muộn. Cái chết của Hugh Hefner vào năm 2017 khiến Playboy mất phương hướng, các nhà đầu tư phải đối mặt với thua lỗ hàng thập kỷ. Lượng phát hành đạt mức thấp nhất mọi thời đại, dẫn đến số lượng phát hành bị thu hẹp lại, và cái chết của tạp chí này chỉ đơn giản là lẽ tất yếu.
Lời thất hứa của Rolling Stone
Từng là biểu tượng văn hóa của thời đại Rock’n Roll hay âm nhạc đại chúng suốt hàng chục năm với trang bìa là những The Beatles, Micheal Jackson hay John Lennon, Rolling Stone gần đây lại gây thất vọng lớn khi thất hứa với các độc giả trung thành nhất.
Chuyện là, tờ báo đình đám này hồi đầu tháng 5 gửi thư cho những người đăng ký báo in trọn đời với nội dung sẽ số hóa thuê bao của họ, và những ai muốn tiếp tục nhận báo in cần trả 60 đô/năm. Điều này đi ngược lại với một lời hứa được lập ra cách đây khoảng 2 thập niên rằng chỉ cần bỏ ra 99 đô, độc giả sẽ được đọc Rolling Stone bản in trọn đời - thời điểm đó, đây là nỗ lực của tờ báo để níu chân tệp khách hàng đang chuyển nhà sang Internet.
Mặc dù gây phẫn nộ cho độc giả trung thành nhưng động thái này có thể không cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng. Quyền sở hữu của tạp chí đã thay đổi vào năm 2017 và không có điều khoản yêu cầu chủ sở hữu tương lai phải tuân theo các điều khoản trong quá khứ mà người đăng ký trọn đời đã mua. “Chủ sở hữu mới có thể không bị ràng buộc bởi hợp đồng thuê bao trọn đời, do đó, không vi phạm”, Alexandra Roberts, một giáo sư truyền thông và luật tại Trường Luật Đại học Đông Bắc, nói với tờ Slate.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xuất bản tạp chí in hiện nay mang lại ít lợi nhuận hơn nhiều so với nhiều thập niên trước, do lợi nhuận từ quảng cáo giảm sút và chi phí giấy và gửi bưu điện tăng cao. Nhưng việc chuyển từ in ấn sang kỹ thuật số cũng chỉ ra vòng đời ngày càng ngắn của các dạng phương tiện truyền thông trong thế kỷ 21. Giống như cách các tạp chí và sách in bị thay thế phần lớn bằng các bản sao kỹ thuật số, sự gia tăng của các dịch vụ phát trực tuyến đã soán ngôi việc sở hữu các bản ghi hoặc video thực.
Bày tỏ nỗi thất vọng với quyết định của Rolling Stone, nhiều người đã tràn lên Reddit để phản đối kế hoạch này, nhất là những độc giả trung thành sở hữu mọi ấn phẩm của báo suốt nhiều năm qua.
Chuyển đổi số là bắt buộc
Lật lại vấn đề, công nghệ nói chung và Internet nói riêng có thực sự khiến báo chí thất thế hay không? Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT) tại Australia không nghĩ vậy.
Giáo sư Amanda Lotz, chuyên gia truyền thông tại QUT lập luận rằng, những công nghệ mới chúng ta chứng kiến trong 20 năm qua không phải “sự thay thế” mà đều là “công cụ mới” giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Theo bà, Internet là công cụ mạnh mẽ nhất trước giờ để phá tan mọi biên giới của truyền thông và đây chính là cơ hội. Lấy ví dụ, ngành âm nhạc đã chuyển doanh thu từ bán bản ghi sang cấp phép, còn những ai chậm chân trong cuộc đua số hóa (như nhiều công ty thu âm và một số tờ báo) chắc chắn sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, Lotz khẳng định đây chỉ là những ví dụ cực đoan.
“4 ngành trụ cột truyền thông đều có một câu chuyện khác nhau để kể nhưng đều có điểm chung là nhiều phản ứng ban đầu đã hiểu nhầm bản chất của thách thức mà Internet và công nghệ kỹ thuật số đặt ra. Trong phần lớn thập niên đầu tiên, cái gọi là phương tiện truyền thông ‘kỹ thuật số’ được coi là một ngành riêng biệt sẽ thay thế những ngành có trước Internet. Ngay cả bây giờ, việc hiểu sai bản chất của vấn đề vẫn tiếp tục khiến các nhà lãnh đạo ngành tìm kiếm các giải pháp không phù hợp, cơ quan quản lý đưa ra các chính sách sai lầm và người tiêu dùng hiểu sai về cách thức”, bà Lotz nói. Và, chỉ có hiểu đúng, nắm bắt đúng cơ hội để chuyển mình trong thời đại số, thì sinh tồn mới nằm trong tầm tay.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-to-bao-bien-mat-vi-cong-nghe-2293521.html