Nhiều người trẻ bị suy thận mạn

Hiện nay, có nhiều người trẻ bị suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo hằng tuần để duy trì sự sống. Trước đó, họ đều không thấy các triệu chứng rõ ràng của căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh diễn biến âm thầm

Đang nằm chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, bệnh nhân N.T (29 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) vẫn còn nhớ như in ngày nhận kết quả bị suy thận mạn sau khi khám sức khỏe cách đây 11 năm.

“Chiều hôm đó tôi thấy chân mình sưng nhẹ. Tối đến, khi đang nằm ngủ thì cảm thấy khó thở. Vì vậy, sáng hôm sau, tôi được ba mẹ chở đi khám tại BVĐK tỉnh. Cầm kết quả thông báo mình bị suy thận mạn và được bác sĩ giải thích suy thận mạn nghĩa là bệnh thận đã ở giai đoạn cuối, phải gắn với giường bệnh suốt đời, tôi suy sụp hoàn toàn. Bởi, lúc đó tôi mới 18 tuổi, chuẩn bị thi đại học, bao nhiêu dự định còn đang ấp ủ”, bệnh nhân T trải lòng.

Bệnh nhân N.T.C, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh nhân N.T.C, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bước sang tuổi 25, bệnh nhân N.T.C, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) có “thâm niên” 3 năm chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo (BVĐK tỉnh). Trước khi phát hiện mình bị bệnh, C vẫn khỏe mạnh, đi làm hằng ngày ở cửa hàng bán hoa tươi. “Có một khoảng thời gian, tôi thấy đau đầu. Nhưng nghĩ đó là những cơn đau bình thường, nên tôi mua paracetamol về uống. Một thời gian sau, khi bản thân khó thở nhiều, tôi mới bắt đầu đi bệnh viện để khám và nhận kết quả suy thận mạn”, C chia sẻ.

Anh trai đã qua đời vì bệnh suy thận mạn, nên từ 2 năm nay, P.V.B (26 tuổi), ở xã Ba Lế (Ba Tơ) không còn người đồng hành trên hành trình chạy xe trên 60km từ Ba Lế đến BVĐK tỉnh để chạy thận nhân tạo. B chia sẻ, tôi và anh trai ngày trước, đều phát hiện bị suy thận mạn từ khi mới 17, 18 tuổi. Bệnh diễn biến âm thầm nên hai anh em không hề phát hiện. Chỉ khi cảm thấy khó thở, mệt mỏi, mới đi thăm khám, thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, thành suy thận mạn.

Nhận biết sớm các dấu hiệu

Lý giải vì sao nhiều người đột ngột phát hiện suy thận mạn mà không có các triệu chứng rõ ràng trước đó, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BVĐK tỉnh) cho biết, bệnh suy thận thường tiến triển âm thầm. Đến khi bệnh chuyển thành suy thận mạn (hay còn gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối), với dấu hiệu rõ ràng hơn để bệnh nhân nhận biết thì đã trễ.

Cũng theo bác sĩ Hiền, nguyên nhân chính dẫn đến suy thận là do người bệnh lạm dụng thuốc kháng viêm, bị viêm cầu thận nhưng không điều trị kịp thời. Cùng với đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận cấp do bị ong độc chích với các triệu chứng như tiểu ít, toàn thân nhức mỏi, buồn nôn... nhưng lại chủ quan, không đi thăm khám để được điều trị kịp thời, dẫn đến suy thận mạn. Nhiều trường hợp bệnh nhân nghĩ mật cá trắm tốt cho sức khỏe nên đã nuốt mật cá khiến độc tố trong mật gây tổn thương thận, suy thận...

“Bệnh suy thận tiến triển âm thầm, ít có triệu chứng rõ ràng, thường khi phát hiện thì đã ở giai đoạn nặng, phải chạy thận nhân tạo suốt cả cuộc đời. Vì vậy, mỗi người cần đi kiểm tra sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần để tầm soát bệnh này”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.

TRẺ TỪ 3 - 5 TUỔI THƯỜNG BỊ VIÊM CẦU THẬN
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Hiền, ở độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, trẻ thường bị viêm cầu thận với các triệu chứng không rõ ràng. Khi viêm cầu thận, trẻ bị cao huyết áp kèm mẩn ngứa, ghẻ lở. Sau đó, các triệu chứng này sẽ hết. Nhưng ở nhiều trẻ, bệnh sẽ tiếp tục diễn biến âm thầm. Những đứa trẻ từng bị viêm cầu thận thường có nguy cơ cao bị suy thận mạn khi trưởng thành. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người trẻ cảm thấy sức khỏe đang bình thường, nhưng đi khám sức khỏe và bất ngờ biết mình bị suy thận mạn.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/suc-khoe/202405/nhieu-nguoi-tre-bi-suy-than-man-8121423/