Nhiều mô hình 'Dân vận khéo' ở Mai Sơn

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, huyện Mai Sơn đã chú trọng xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhiều mô hình tạo nên sức mạnh tổng hợp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hoạch cà phê.

Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hoạch cà phê.

Đồng chí Lò Lệ Thu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mai Sơn, cho biết: Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, đánh giá, lựa chọn mô hình hiệu quả để nâng cao chất lượng và nhân rộng; loại bỏ mô hình kém hiệu quả không phù hợp, bổ sung các mô hình mới, phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của người dân, gắn với việc thực hiện 12 chủ trương về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mai Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xây dựng 96 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 23 mô hình; 53 mô hình văn hóa, xã hội; 9 mô hình quốc phòng, an ninh và 11 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Nổi bật trong thực hiện “Dân vận khéo” là nhiều cấp ủy cơ sở đã chỉ đạo đăng ký các mô hình bám sát các nội dung phong trào, đổi mới phương pháp vận động quần chúng. Qua đó, đã kịp thời động viên, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thi đua sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; xây dựng bản, tiểu khu văn hóa; giải quyết nhiều vấn đề ở cơ sở.

Dự án đường giao thông từ tiểu khu 26/3, xã Cò Nòi đến tiểu khu 10, xã Hát Lót là dự án trọng điểm của huyện Mai Sơn giai đoạn 2021-2025 có diện tích thu hồi gần 25 ha của 520 hộ tại xã Hát Lót, Cò Nòi và thị trấn Hát Lót. Ban đầu triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đồng chí Lò Thị Liên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hát Lót, cho biết: Xác định công tác GPMB thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, Đảng ủy thị trấn nhận định công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Xã đã phối hợp với Hội đồng GPMB huyện tổ chức hội nghị thông báo, công khai thông tin đầy đủ về dự án và kế hoạch đo đạc, kiểm đếm và thông báo thu hồi đất đến các hộ dân trong phạm vi thực hiện. Nhờ đó, các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Là một trong những hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất triển khai dự án, ông Hà Văn Khùn, bản Dôm, thị trấn Hát Lót, nói: Gia đình có hơn 4.000 m² đất vườn phải thu hồi. Sau khi được tuyên truyền, tôi đã hiểu về tầm quan trọng của dự án sẽ giúp việc giao thương hàng hóa thuận lợi hơn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng huyện khang trang, nên gia đình đồng thuận.

Còn tại xã Chiềng Ban, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, diện mạo của xã đổi thay từng ngày, với những ngôi nhà kiên cố khang trang, những tuyến đường bê tông rộng mở, tấp nập những chuyến xe vận chuyển nông sản. Đây chính là thành quả của công tác dân vận huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng NTM. Trong phát triển kinh tế, xã đã vận động bà con tập trung thâm canh hơn 1.100 ha cây cà phê, sản xuất an toàn, hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết thành lập các HTX gắn với đầu tư chế biến sản phẩm.

Ông Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX dịch vụ và nông nghiệp bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, chia sẻ: Trước đây, dù bỏ nhiều chi phí đầu tư chăm sóc, nhưng do cây cà phê già cỗi, nên năng suất chỉ khoảng 10 tấn/ha. Năm 2022, được sự hỗ trợ của huyện, gia đình tôi và 14 hộ trồng cà phê trong bản liên kết thành lập HTX. Đồng thời, áp dụng quy trình chăm sóc an toàn, đưa giống mới vào sản xuất và cắt bỏ diện tích già cỗi, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Sau cải tạo, năng suất cà phê đạt gần 30 tấn/ha; toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cam kết thu mua với giá ổn định. Trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã Chiềng Ban còn tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chung tay, góp sức xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực như hiến đất, tài sản, ngày công, kinh phí để làm đường giao thông, cổng bản, xây dựng công trình thủy lợi, nhà văn hóa. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, trên 90% tuyến đường liên bản, nội bản của xã được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng; 80% đường trục chính nội đồng phục vụ sản xuất được cứng hóa; 11/11 bản có nhà văn hóa, 5 bản xây dựng cổng bản kiên cố; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,8%.

Có thể khẳng định, những kết quả thiết thực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Mai Sơn đã và đang đem lại những tín hiệu tích cực, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nhieu-mo-hinh-dan-van-kheo-o-mai-son-acncmHnSg.html