Nhiều lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) được tổ chức vào ngày 23/9 tại thành phố New York (Mỹ) được kỳ vọng làm sống lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được đại diện 195 nước ký kết tại Paris (Pháp) năm 2015. Thế nhưng, diễn biến và kết quả đạt được tại hội nghị đã khiến nhiều người vô cùng thất vọng.

 Người dân tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh tư liệu

Người dân tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh tư liệu

Điều đáng thất vọng nhất tại hội nghị, đó là các nước lớn có lượng thải CO2 nhiều nhất thế giới hằng năm lại không có bất cứ cam kết nào để tiến hành cắt giảm. Trước đó, Mỹ đã thông báo ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris ký năm 2015. Điều này đồng nghĩa Mỹ hiện cũng chưa tuân thủ đúng tiến độ để đạt được cam kết theo thỏa thuận. Chính quyền của ông D.Trump phớt lờ một loạt quy định về môi trường vốn được đặt ra để giảm lượng thí thải gây hiệu ứng nhà kính từ phương tiện giao thông, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, giếng dầu…

Về phía Trung Quốc, nước này không có tín hiệu gì cho thấy sẵn sàng đưa ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như nhiều người kỳ vọng. Trung Quốc quyết định không đưa ra tham vọng lớn hơn một phần liên quan tới tình trạng kinh tế đang giảm tốc hiện nay do vướng vào chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều đó cũng cho thấy Trung Quốc chưa muốn hành động mạnh hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi các nước giàu hơn không chịu hành động tương xứng.

Liên minh châu Âu không có ý định giảm khí thải nhanh hơn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chỉ cho biết nước này sẽ tăng sử dụng năng lượng tái tạo tới năm 2022 nhưng không có cam kết nào về giảm phụ thuộc vào than đá. Còn các lãnh đạo nước khác cũng chỉ đưa ra những cam kết không đáng kể. Nga cho biết đã thông qua Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, song không cam kết gì hơn về biện pháp cắt giảm khí thải trong ngành xăng dầu nhà nước quản lý.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Hành động Khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh số liệu khoa học mới cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh hơn và mối nguy hiểm của tình trạng ấm lên toàn cầu đang ngày càng rõ ràng. Bão lũ ngày càng nguy hiểm hơn, hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Đây là thời điểm mà những nước xả thải khí CO2 nhiều nhất thế giới có thể tăng cường hành động.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu dường như đã mất kiên nhẫn với tốc độ hành động chậm chạp của lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì thế, các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu và các nhà ngoại giao theo dõi sát sao các hội nghị về biến đổi khí hậu nhiều năm qua cho biết họ rất thất vọng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nói: “Tôi sẽ không còn ở đây nhưng cháu gái tôi và cháu chắt các ngài sẽ ở đây. Tôi không chấp nhận đồng lõa để hủy hoại ngôi nhà duy nhất của chúng”. Ông Guterres đã gửi lời kêu gọi trực tiếp những quốc gia đang dùng tiền thuế để trợ cấp các dự án nhiên liệu hóa thạch mà theo ông đã làm bão lũ mạnh hơn, dịch bệnh nhiệt đới tràn lan hơn và gia tăng xung đột. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong cái hố sâu khí hậu. Để thoát ra, chúng ta trước tiên phải chấm dứt đào cho nó sâu thêm”.

Bình Minh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/nhieu-lo-ngai-ve-bien-doi-khi-hau-toan-cau-74886.html