Nhiều khuất tất trong việc thu mua, vận chuyển đá của Công ty TNHH Lý Tuấn ở tỉnh Quảng Ngãi

Trong quá trình tìm hiểu, làm rõ thêm vụ chìm tàu, sà lan khiến 9 người chết, mất tích trên vùng biển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến vụ chìm tàu nghiêm trọng này, phóng viên Báo Nhân Dân có thêm nhiều thông tin về nghi vấn liên quan đến mua bán, vận chuyển khoáng sản thi công các dự án, công trình của Công ty TNHH Lý Tuấn tại tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận.

Hàng trăm nghìn khối đá do Công ty TNHH Lý Tuấn tập kết tại khu vực cảng quân sự ở Kỳ Hà.

Hàng trăm nghìn khối đá do Công ty TNHH Lý Tuấn tập kết tại khu vực cảng quân sự ở Kỳ Hà.

Công ty TNHH Lý Tuấn ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thuê phương tiện tàu, sà lan để vận chuyển đá hộc ra thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình ở đảo Lý Sơn. Trong thời gian này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm nhiều “bất thường” liên quan đến việc mua bán, vận chuyển khoáng sản là các loại đá cho các công trình khác.

Vận chuyển đá đi đường xa mới hiệu quả, tiết kiệm

Để thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình, nhà thầu chính là Chi nhánh đầu tư và xây dựng miền nam-Tổng công ty xây dựng Lũng Lô (có địa chỉ tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Lý Tuấn (ở huyện Bình Sơn) và Công ty TNHH Thương mại và xây lắp Tấn Tài (ở huyện Lý Sơn) mua khoảng 140 nghìn m3 đá; trong đó, có 120 nghìn m3 khối đá hộc cho phần lõi đê.

Cụ thể, từ cuối tháng 2/2024, Công ty Tấn Tài cung cấp 60 nghìn m3 đá hộc cho Chi nhánh đầu tư và xây dựng miền nam-Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, trị giá hơn 5,6 tỷ đồng; chi phí vận chuyển từ xã Bình Đông đến cảng Bến Đình 16,8 tỷ đồng; vận chuyển đá hộc các loại bằng sà lan từ cảng Kỳ Hà đến cảng Bến Đình 10 nghìn m3, với số tiền gần 2 tỷ đồng. Tổng hợp giá trị hợp đồng gói thầu cung ứng dịch vụ hai doanh nghiệp gần 26 tỷ đồng.

Để cung ứng đá cho công trình này, Công ty TNHH Thương mại và xây lắp Tấn Tài ký hợp đồng với Nhà máy đá Thượng Hòa, thuộc Công ty cổ phần Xây dựng đô thị và khu công nghiệp Quảng Ngãi (Dothico Quảng Ngãi) để mua các loại đá, với số lượng mua cụ thể theo từng đơn đặt hàng.

Mỏ đá Thượng Hòa của Công ty Dothico Quảng Ngãi là nơi cung ứng đá cho Công ty Tấn Tài và Công ty Lý Tuấn.

Mỏ đá Thượng Hòa của Công ty Dothico Quảng Ngãi là nơi cung ứng đá cho Công ty Tấn Tài và Công ty Lý Tuấn.

Đồng thời, công ty này hợp đồng với Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC Quảng Ngãi) để vận chuyển đá hộc qua cảng PTSC Dung Quất. Tính đến ngày 6/5, Công ty Tấn Tài đã vận chuyển hơn 55 nghìn m3 đá hộc qua cảng PTSC Dung Quất.

Trong khi đó, Công ty TNHH Lý Tuấn ký hợp đồng kinh tế với Chi nhánh đầu tư và xây dựng miền nam-Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, cung ứng đá sau nổ mìn, đá xô bồ đã qua phân loại sơ bộ kích cỡ để thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình, với tổng khối lượng gần 114 nghìn m3; với tổng số tiền hơn 46,3 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty TNHH Lý Tuấn ký hợp đồng kinh tế với Nhà máy đá Thượng Hòa, thuộc Công ty Dothico Quảng Ngãi mua đá sau nổ mìn với khối lượng 35 nghìn m3, trị giá 2,8 tỷ đồng. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Nhà máy đá Thượng Hòa cho biết “Từ cuối năm 2023 đến đầu tháng 5/2024, Công ty Lý Tuấn đã mua đá tại mỏ gần 17 nghìn m3, tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng”. Trong tháng 4/2024, Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển qua cảng Kỳ Hà 6.153 tấn đá hộc đi đảo Lý Sơn.

Ông Nguyễn Văn Phát, đại diện Công ty Thương mại và xây lắp Tấn Tài cho biết, đơn vị vận chuyển hàng xuất bến từ cảng PTSC Dung Quất ra đảo Lý Sơn nhiều năm nay. “Từ mỏ đá Thượng Hòa xuống cảng PTSC Dung Quất để đi đảo Lý Sơn là tuyến đường gần. Việc vận chuyển thuận lợi và đến đảo Lý Sơn gần hơn so với xuất bến từ cảng Kỳ Hà”.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Minh Lý, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn, đơn vị mua đá tại mỏ Thượng Hòa, sau đó vận chuyển bằng xe ben đến bến cảng quân sự của Đoàn 516, thuộc Đoàn kinh tế Quốc phòng ở xã Tam Quan, huyện Núi Thành; cách mỏ đá khoảng 21km để tập kết. Từ các bến số 2, số 3 kho bãi của Đoàn 516, công ty này chuyển đá xuống sà lan và tiếp tục đi cảng Bến Đình, đảo Lý Sơn.

Tuyến đường từ mỏ đá Thượng Hòa đi cảng PTSC khoảng 10km, và ra đến cảng Bến Đình khoảng 38km; tổng hành trình khoảng 48km. Còn hành trình từ mỏ đá Thượng Hòa ra cảng quân sự Đoàn 516 ở Kỳ Hà 21km đường bộ, và ra cảng Bến Đình khoảng 50km; tổng hành trình 71km.

Cùng lấy đá từ mỏ Thượng Hòa, cung cấp cho công trình đê chắn sóng nhưng Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển xa hơn 23km so với Công ty Tấn Tài.

Hành trình vận chuyển đá từ mỏ Thượng Hòa đi cảng Bến Đình qua hai tuyến khác nhau.

Hành trình vận chuyển đá từ mỏ Thượng Hòa đi cảng Bến Đình qua hai tuyến khác nhau.

Lý giải vì sao không vận chuyển đá đi cảng PTSC Dung Quất mà phải qua nhiều phương tiện vận tải đường bộ, đường biển qua cảng quân sự của Đoàn 516 và xa hơn so với đi từ cảng Dung Quất, bà Phạm Thị Minh Lý cho biết, xuất hàng từ bến cảng PTSC Dung Quất 3 ngày một chuyến nhưng ra cảng ở Kỳ Hà mỗi ngày một chuyến. Vì vậy, dù đường đi xa hơn, qua nhiều chặng nhưng vẫn ít tốn thời gian thuê sà lan. “Bên PTSC sắp tài chậm, khó khăn nên chúng tôi vận chuyển đi xa hơn nhưng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Hợp đồng thuê bến tại Đoàn 516 ở Kỳ Hà theo năm, sà lan thuê 7 tháng”, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Cảng PTSC Dung Quất cho biết, Công ty TNHH Lý Tuấn ký hợp đồng với cảng PTSC Dung Quất từ tháng 10/2023 nhưng cho đến nay công ty này chưa gọi đăng ký lịch, chưa đề xuất chuyến hàng nào qua cảng. “Từ năm 2023 đến nay nguồn hàng qua cảng chúng tôi giảm nhiều, thời gian trống cảng rất nhiều. Cảng làm dịch vụ thì luôn mong muốn có tàu, hàng để làm và duy trì hoạt động kinh doanh. Công ty Lý Tuấn ký hợp đồng từ tháng 10 năm ngoái đến giờ không thấy quay lại, không thấy hỏi hay đăng ký lịch xuất hàng gì cả”, ông Nguyễn Đức Hòa khẳng định.

Công ty Tấn Tài vận chuyển đá hộc ra cảng Bến Đình qua cảng PTSC Dung Quất.

Công ty Tấn Tài vận chuyển đá hộc ra cảng Bến Đình qua cảng PTSC Dung Quất.

Nghi vấn vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép của Công ty TNHH Lý Tuấn

Công ty TNHH Lý Tuấn ký hợp đồng dịch vụ với Đội Khai thác dịch vụ cảng thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để thuê kho bãi lưu trữ đá, đá hộc và sử dụng bến nghiêng để xuất hàng đất, cát, đá các loại, đá hộc xuống sà lan. Theo hợp đồng, công ty này thuê bến số 2, bến số 3 của Đoàn 516, thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng để xuất hàng xuống sà lan; thuê bãi số 1, bãi số 2 với tổng diện tích 15 nghìn m2 để chứa đất đá hộc.

Tại khu vực chứa đá các loại, đá hộc tại cảng quân sự Đoàn 516, hàng trăm nghìn khối đá trải dài trên diện rộng gần khu vực biển do Công ty TNHH Lý Tuấn tập kết. Bãi chứa đá này cao từ 7 đến 15m tùy khu vực, với nhiều loại đá kích cỡ khác nhau. Tại đây, một số thiết bị xe đào, xe múc vẫn hoạt động theo từng thời điểm khác nhau.

Khoảng 167.400 m3 đá của Công ty Lý Tuấn tập kết tại khu vực cảng ở Kỳ Hà không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc.

Khoảng 167.400 m3 đá của Công ty Lý Tuấn tập kết tại khu vực cảng ở Kỳ Hà không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, Công ty Lý Tuấn tập kết gần 190 nghìn m3 đá sau nổ mìn tại kho bãi của cảng quân sự Kỳ Hà ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Trong đó, 22,5 nghìn m3 đá công ty này mua của Nhà máy đá Thượng Hòa; còn 167,4 nghìn m3 đá không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc.

Qua xác minh, thu thập thông tin từ ngành chức năng, cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty Lý Tuấn để vận chuyển vật liệu dư thừa (đá) trong khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 ra ngoài dự án để có mặt bằng thi công. Khoảng 363.177m3 đá được tập kết tại bãi chứa tạm ở Khu du lịch Thiên Đàng, thuộc phạm vi xã Tam Quang huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Số khoáng sản này là tài sản thuộc quyền quản lý của nhà nước, chưa được tỉnh Quảng Ngãi cho phép các tổ chức, cá nhân mua, bán, sử dụng.

Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển gần 363.177m3 đá tập kết tại bãi chứa tạm ở Khu du lịch Thiên Đàng.

Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển gần 363.177m3 đá tập kết tại bãi chứa tạm ở Khu du lịch Thiên Đàng.

Thế nhưng, từ tháng 3/2023 đến nay, Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển gần 167.400m3 đá từ bãi chứa ở Khu du lịch Thiên Đàng ra tập kết tại cảng quân sự Đoàn 516 ở Kỳ Hà, mục đích để bán lại cho khách hàng tại thành phố Đà Nẵng.

Cùng với việc ký hợp đồng cung ứng đá tại công ty Tấn Tài, Chi nhánh đầu tư và xây dựng miền nam-Tổng công ty xây dựng Lũng Lô cũng thuê công ty này vận chuyển đá hộc các loại bằng sà lan từ cảng Kỳ Hà đến cảng Bến Đình với khối lượng 10 nghìn m3. “Trong hợp đồng, chúng tôi có chuyển 10 nghìn m3 cho phía Lũng Lô. Còn nguồn gốc đá đó ở đâu công ty tôi không biết. Chúng tôi chỉ vận chuyển theo hợp đồng dịch vụ cho họ. Tới nay cũng chưa vận chuyển số đá này”, đại diện Công ty Tấn Tài cho biết thêm.

Một cán bộ xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn cho biết, bãi trữ đá tại Khu du lịch Thiên Đàng từ năm 2022 đến nay sau đó chuyển ra cảng ở Kỳ Hà. “Công ty Lý Tuấn chở liên tục từ dự án Hòa Phát ra bãi chứa gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường sá. Lúc đó người dân trong xã cản trở vì bụi, bùn lầy. Năm 2024 vẫn còn chở ra cảng Kỳ Hà, chúng tôi tuần tra, kiểm tra trong xã người dân báo nên biết”, cán bộ xã Bình Thạnh khẳng định.

Khối lượng đá dư thừa tập kết tại Khu du lịch Thiên Đàng thuộc quyền quản lý của nhà nước, và khi mua bán là trái quy định của pháp luật.

Khối lượng đá dư thừa tập kết tại Khu du lịch Thiên Đàng thuộc quyền quản lý của nhà nước, và khi mua bán là trái quy định của pháp luật.

Theo cơ quan chức năng, trong quá trình thi công dự án, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cấp 3 giấy phép khai thác đá tại xã Bình Đông và Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Các giấy phép số 33/GP-UBND ngày 22/6/2020, trữ lượng 1.169.460m3; giấy phép số 09/GP-UBND ngày 28/2/2022, trữ lượng 1.440.000m3; giấy phép số 21/GP-UBND ngày 4/5/2023, trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường phê duyệt đưa vào thiết kế khai thác là 2.643.478m3.

“Khối lượng đá dư thừa tập kết tại Khu du lịch Thiên Đàng thuộc quyền quản lý của nhà nước. Mặc dù chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng Công ty TNHH Lý Tuấn tự ý vận chuyển 167.399m3 đá đến tập kết tại cảng quân sự Kỳ Hà với mục đích để bán cho khách hàng tại thành phố Đà Nẵng là trái quy định của pháp luật. Do nguồn gốc khoáng sản này được khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, và hai doanh nghiệp đều đăng ký và hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nên chúng tôi đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có biện pháp xử lý”, đại diện ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cho biết.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-khuat-tat-trong-viec-thu-mua-van-chuyen-da-cua-cong-ty-tnhh-ly-tuan-o-tinh-quang-ngai-post809093.html