Nhiều học sinh có ý định tự tử: Đừng giật mình!

Một bệnh nhân là học sinh cấp 3 tại TP.HCM bày tỏ mình từng có suy nghĩ tự tử. Người mẹ thản nhiên nói 'làm quá' và đặt nghi vấn có khi chuyên gia tâm lý 'mồi' ý nghĩ này vào đầu con mình.

Tôi nhận được bảng số liệu khảo sát Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam do báo VietNamNet gửi.

Một vài con số được đề cập như: gần 14% học sinh trung học cơ sở (THCS) và 18% học sinh trung học phổ thông (THPT) từng có ý định tự tử, gần 10% học sinh THCS và 16% học sinh THPT thường cảm thấy cô đơn, 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ rối loạn lo âu.

Các số liệu dẫn nguồn từ Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe của học sinh toàn cầu tại Việt Nam của WHO (10/2021) và Báo cáo nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học của tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (năm 2022).

Có người giật mình, 18% học sinh THPT có ý định tự tử, tại sao nhiều thế?

Vậy, bạn nghĩ sao nếu tôi nói khoảng 70% học sinh bị bệnh răng miệng hay 50% người lớn bị tăng huyết áp, hay hàng triệu người bị tiểu đường?

Bạn nghĩ là bình thường đúng không, vì đó là bệnh thực thể, gây ra đau đớn, phải cấp cứu, điều trị nếu không sẽ có nguy cơ tử vong. Ở góc độ của chuyên gia tâm lý, con số 18% kia cũng không gây bất ngờ. Đó là vấn đề sức khỏe tâm thần.

Định nghĩa về sức khỏe tâm thần là sự khỏe mạnh về thể chất, tâm thần và xã hội. Lâu nay, chúng ta đang né tránh và chỉ để ý về thực thể mà thôi.

Trong gia đình, bạn bè, sẽ có người hay than phiền “sao tôi mệt quá”. Họ đi khám sức khỏe, xét nghiệm, chụp chiếu nhưng không có gì bất thường. Cái cảm giác mệt mệt ấy không biết ở đâu ra, giấc ngủ rất tệ, không làm được việc gì nhưng đó có thể là một rối loạn lo âu hay biểu hiện trầm cảm. Công việc cuốn đi, họ bỏ quên vấn đề của mình.

Với học sinh, sức khỏe tâm thần cũng như vậy.

Người lớn đang bỏ quên lời than phiền của con trẻ? Ảnh: Một học sinh TP.HCM đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tư vấn tâm lý học đường.

Người lớn đang bỏ quên lời than phiền của con trẻ? Ảnh: Một học sinh TP.HCM đặt câu hỏi với chuyên gia trong buổi tư vấn tâm lý học đường.

Một bạn trẻ đang học cấp 3, chủ động tìm đến chúng tôi khám tâm lý và có mẹ đi cùng. Trẻ ở phòng riêng trò chuyện cùng chuyên gia. Người mẹ ngồi bên ngoài, liên tục than phiền rằng con mình đang làm quá vì "ở nhà nó rất sướng, không phải làm việc gì, chỉ có ăn và học".

Trẻ tâm sự, cởi lòng và nói từng có ý nghĩ về hành vi tự sát. Chúng tôi bắt buộc phải thông báo cho mẹ của em để quan tâm và theo sát con. Vậy nhưng người mẹ không hề ngạc nhiên! Cô ấy cho rằng đây là sự phóng đại, có khi do tâm lý gia mồi suy nghĩ tiêu cực vào đầu đứa trẻ.

Người mẹ còn nói chuyện điện thoại ngay trong cuộc tư vấn này. Tôi bắt buộc phải mời cô ấy ra ngoài, yêu cầu tắt điện thoại nếu muốn tiếp tục trao đổi. Ngay ở phòng khám với chuyên gia tâm lý, người mẹ thờ ơ như thế, vậy ở nhà, đứa trẻ đã cô đơn như thế nào?

Trường hợp này không phải thiểu số. Thực tế, rất nhiều phụ huynh đến với chúng tôi và né tránh vấn đề. Họ đổ thừa rằng bọn trẻ lười, chỉ ăn với học mà không làm được. Họ nghĩ chỉ đi làm mới có áp lực.

Nhưng không, trẻ đi học cũng là một công việc, là cách trẻ ra xã hội tiếp xúc với cộng đồng, phải dậy đúng giờ, đến lớp làm bài tập, quan hệ với bạn bè, thầy cô… y như chúng ta đi làm.

Trẻ cũng áp lực vì bị cô lập hay bạo lực học đường... Khi về nhà, trẻ lại gặp áp lực từ không khí gia đình, kỳ vọng hoặc chỉ trích của cha mẹ… Giai đoạn nào trẻ cũng có khó khăn và áp lực.

Nếu các bệnh thực thể có thể do gene, di truyền hay môi trường sống thì vấn đề tâm thần cũng có thể do gene, di truyền, môi trường sống (ở nhà, ở trường) gây ra…

Những cảm giác buồn buồn, mệt mệt tích tụ hàng năm, có thể suốt thời gian học THCS sang THPT. Đến khi trẻ hoàn toàn tuyệt vọng với cảm xúc, bế tắc, cảm giác sống vô nghĩa, dần dần hình thành suy nghĩ tiêu cực, ý định tự sát.

Chuyên gia tâm lý của Bệnh viện TP Thủ Đức đến trường học để chia sẻ, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Chuyên gia tâm lý của Bệnh viện TP Thủ Đức đến trường học để chia sẻ, tư vấn tâm lý cho học sinh.

Trẻ đến với chúng tôi, phần lớn đã ở tình trạng nặng. Quá trình điều trị kéo dài, nhất là khi không có sự đồng hành của cha mẹ. Có những trường hợp điều trị 5-7 phiên nhưng không hiệu quả, bệnh nhân vẫn trong cơ chế phòng thủ tâm lý.

Việc này khác với khi mắc bệnh lý thực thể: Người bệnh đau nhức phải đi khám, uống thuốc và nhìn thấy kết quả. Còn sức khỏe tâm thần lại rất mơ hồ, không gây chết người ngay, điều trị không thấy hiệu quả ngay nên chúng ta … bỏ quên.

Chúng tôi gặp các câu chuyện trên ở cả học sinh THCS và THPT nhưng học sinh cấp 3 bày tỏ nhiều hơn. Khi nhỏ tuổi, trẻ chưa nhận ra vấn đề của mình. Đến khi học phổ thông, các sang chấn và áp lực rõ ràng hơn, tâm lý bị kéo căng, xung đột, đến cuối cấp sẽ bùng nổ.

Đây là thời điểm trẻ phải lựa chọn giữa đường đời, ngành học, tình bạn, tình yêu, chấp nhận kết thúc của tuổi vị thành niên và bước sang tuổi thanh niên….

Lời khuyên ư? Không có lời khuyên hay phác đồ nào áp dụng cho tất cả. Từng trường hợp sẽ có phương án điều trị khác nhau trên nguyên tắc kết hợp giữa bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý.

Tôi chỉ mong các em nhớ rằng khi nào nhận ra mình gặp khó khăn trong cảm xúc, hãy tìm người hỗ trợ. Đó có thể là một người bạn, là thầy cô, cha mẹ hoặc chuyên gia tâm lý.

Và chúng ta, đừng lơ đãng với những cái buồn buồn, mệt mệt mà trẻ đã tin tưởng tìm mình để than phiền.

Thạc sĩ, tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến

Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM)

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/18-hoc-sinh-thpt-tung-co-y-dinh-tu-tu-vi-cac-van-de-suc-khoe-tam-than-2105657.html