Nhiều giải pháp đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm ra những giải pháp để lĩnh vực này trong thời gian tới gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, xứng đáng với tiềm năng của Việt Nam.

Đây có thể coi là "Hội nghị Diên Hồng" về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tháo gỡ "nút thắt" để khai thác đúng tiềm năng

Trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một số mục tiêu trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ những thực tế khi triển khai hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực của mình và đưa ra ý kiến.

TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại hội nghị

TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ: Trước hết, để phát triển thì cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của các quốc gia cũng như sự hợp tác của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Mặt khác, các nền tảng số trung gian hoạt động tại Việt Nam cũng còn nhiều lỗ hổng và bất cập, chưa hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này góp phần dẫn đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xóa, gỡ nội dung vi phạm bản quyền.

Nhà nước cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Những chính sách này sẽ tạo môi trường thúc đẩy sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa.

Các cơ quan chức năng cần cho phép thiết lập cầu nối giữa liên hiệp với các tổ chức thành viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các quốc gia.

Để phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình thực hiện công nghiệp văn hóa, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép liên hiệp và các tổ chức thành viên thông qua Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam được quyền khai thác các sản phẩm văn học nghệ thuật đã được số hóa, chuẩn hóa tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa. Nguồn thu từ việc khai thác dữ liệu số mang lại sẽ đầu tư vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, chia sẻ gánh nặng ngân sách cùng Chính phủ.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD trình bày ý kiến

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD đề nghị làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Bà Bích Hạnh mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được.

Để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Bà Hạnh cũng đưa ra các ví dụ về xin giấy phép quay phim với nhiều thủ tục, đề nghị có cách nào hỗ trợ hoặc giản lược hơn.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp tâm huyết về văn hóa

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ: Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.

Ông Lê Minh Hoan lấy ví dụ tại Bắc Giang vừa qua có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng. Hoạt động này đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả.

"Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng.

Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khai phá ra những không gian phát triển mới", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phương Cúc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhieu-giai-phap-dong-gop-vao-su-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post1067173.vov