Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu 'đuổi nhân viên về đúng giờ'
Nhiều tín hiệu cho thấy văn hóa tăng ca hay 996 tại Trung Quốc đang dần thay đổi khi một số tập đoàn lớn nước này đang áp dụng chính sách tan làm đúng giờ và cấm họp ngoài giờ.
Tại Trung Quốc - nơi văn hóa làm việc "quá độ" từng được xem là chuẩn mực, một làn gió mới đang âm thầm thổi qua các văn phòng. Một số tập đoàn lớn như Midea - nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu, đã đưa ra những quy định mới mang tính cách mạng: quy định giờ tan làm bắt buộc và cấm tổ chức họp sau giờ hành chính.

Các nhân viên vẫn còn làm việc tại văn phòng ở một công ty tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
“996” lung lay
Tập đoàn sản xuất điện gia dụng Midea đã áp dụng quy định giờ tan ca bắt buộc lúc 18h20, đồng thời cấm các cuộc họp ngoài giờ. Trên tài khoản WeChat chính thức, Midea còn đăng hình ảnh nhân viên thư giãn nghe nhạc kèm chú thích: “Tan làm rồi, cuộc sống thực sự mới bắt đầu”, theo Reuters.
Ở Trung Quốc, đây được xem là thông điệp táo bạo, hoàn toàn đối lập với mô hình làm việc "996" nổi tiếng – tức làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần – từng được Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba, ca ngợi là "phúc lành vĩ đại", và cũng là tiêu chuẩn ngầm trong ngành công nghệ suốt gần hai thập kỷ qua.
Không riêng Midea, một số doanh nghiệp khác cũng bắt đầu thay đổi, dù mức độ chưa quá mạnh mẽ. Tại Haier - một tên tuổi lớn khác trong ngành điện gia dụng, việc áp dụng tuần làm việc 5 ngày đã được nhân viên chia sẻ với niềm vui trên mạng xã hội.
Trong khi đó, nhân viên DJI - hãng sản xuất drone lớn nhất thế giới - tỏ ra phấn khích khi công ty ban hành quy định: Tất cả phải rời văn phòng trước 21h.
“Mình không còn lo trễ chuyến tàu điện cuối cùng, không còn sợ làm vợ thức giấc khi về nhà nữa”, một nhân viên DJI từng thường xuyên làm việc đến tận nửa đêm chia sẻ.
Một tín hiệu khác cho thấy môi trường làm việc tại Trung Quốc đang âm thầm dịch chuyển là vụ việc một hãng luật tại Bắc Kinh bị phạt vào tháng 3 vì kéo dài giờ làm trái phép và không có biện pháp khắc phục. Án phạt hiếm hoi này lập tức được cộng đồng mạng ca ngợi.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện mong muốn doanh nghiệp tuân thủ giới hạn 44 giờ làm việc mỗi tuần.
Những động thái này phản ánh nỗ lực chống lại văn hóa làm việc "996" đã gây tranh cãi trong thời gian qua.

Chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch hanh động để chống lại văn hóa làm việc "996" gây tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh: Reuters.
China Daily cho biết trong kế hoạch hành động công bố hồi tháng 3 nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, Quốc vụ viện nhấn mạnh quyền nghỉ ngơi và nghỉ phép có lương của người lao động cần được bảo đảm. Truyền thông nhà nước cũng liên tục đăng tải các bài viết ủng hộ quan điểm này.
Điều này phù hợp với chiến lược lớn của Bắc Kinh: chuyển hướng nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa - đặc biệt sau khi Mỹ áp thuế bổ sung dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Thay đổi vẫn mong manh
Tuy đã có những dấu hiệu thay đổi tích cực, giới quan sát vẫn dè dặt. Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định giới hạn giờ làm phần lớn đến từ áp lực tuân thủ luật lao động của Liên minh châu Âu (EU), hơn là phản ứng nội tại trước sức ép xã hội.
Tháng 12 năm ngoái, EU ban hành quy định mới, trong đó cấm nhập khẩu sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức - bao gồm cả tình trạng làm việc quá giờ.
“Các công ty lớn lo ngại sẽ mất đơn hàng xuất khẩu nếu vi phạm luật này”, ông Liu Xingliang, một nhà phân tích ngành độc lập tại Bắc Kinh, phân tích, đồng thời cho biết các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng rõ rệt, trong khi lĩnh vực phần mềm và Internet ít bị tác động hơn.
Một số nhân viên giấu tên cũng bày tỏ nghi ngại về tính bền vững của những chính sách mới, khi áp lực công việc vẫn hiện hữu.
“Tôi vẫn phải trực 24/24, thậm chí bị gọi họp khi đang nghỉ phép”, một người chia sẻ.

Văn hóa làm việc quá giờ đã ăn sâu vào môi trường doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ trong thời gian dài. Ảnh: Reuters.
Văn hóa làm việc quá giờ đã ăn sâu vào môi trường doanh nghiệp Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ.
Dù mô hình “996” đã bị Tòa án tối cao Trung Quốc tuyên bố bất hợp pháp từ năm 2021, trên thực tế, nhiều người trong ngành công nghệ và tài chính vẫn làm việc vượt quá giờ.
Thậm chí, một khái niệm mới còn “khủng khiếp” hơn đã xuất hiện - “007” - ám chỉ việc luôn ở trạng thái làm việc hoặc sẵn sàng làm việc 24/7.
Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy, người lao động Trung Quốc trung bình làm việc 46,1 giờ mỗi tuần - cao hơn nhiều so với Mỹ (38 giờ), Hàn Quốc (38,6 giờ) hay Nhật Bản (36,6 giờ). Số liệu nội địa thậm chí còn cao hơn, với mức 49,1 giờ vào tháng 1/2024 - tăng mạnh so với năm 2022.
Trước năm nay, các phản ứng chống lại văn hóa làm việc quá độ chỉ xuất hiện lẻ tẻ. Trong các năm 2019 và 2021, giới công nghệ từng phát động phong trào phản đối “996” trên mạng.
Năm ngoái, một lãnh đạo truyền thông tại công cụ tìm kiếm Baidu buộc phải xin lỗi sau khi yêu cầu nhân viên bật điện thoại 24/7 để luôn sẵn sàng trả lời.
Một "ông lớn" công nghệ khác - Tencent - cũng đã cắt giảm làm thêm tại một số bộ phận, theo chia sẻ của hai nhân viên. Tuy nhiên, công ty từ chối phản hồi truyền thông.
Theo bà Shujin Chen, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Jefferies, hiện thực vẫn còn rất nhiều trở ngại trong việc thay đổi văn hóa làm việc đã ăn sâu tại thị trường tỷ dân này.
“Chính phủ muốn người dân thư giãn nhiều hơn, nghỉ phép nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn”, bà nhận định. “Nhưng nếu thu nhập bấp bênh và công việc không ổn định, rất khó để làm được điều đó”.