Nhật ký Chưtankra

Tôi có may mắn được đi cùng những người lính của Điện ảnh Quân đội trong hành trình làm bộ phim tài liệu 'Chưtankra'. Suốt trong hai tuần họ đã lặn lội trong Vườn quốc gia Chưmomray và dãy núi Chưtankra để theo chân những người lính Trung đoàn 209 - Mũ sắt Hà Nội đi tìm hài cốt đồng đội.

Chuẩn bị

4giờ 20 phút.

Dù đã dậy sớm nhất phòng, tôi vẫn là người tập kết cuối cùng trên sân nhà khách 26-3 của Sư đoàn 10 tại thành phố Kon Tum.

Những người lính của Điện ảnh Quân đội nhân dân đang kiểm tra kỹ thiết bị làm phim và quân tư trang cho hành trình hàng chục ngày đêm trong rừng. Danh sách đồ đoàn đã được đạo diễn kê từng chi tiết khi còn ở Hà Nội, tối quan trọng là phải có một ba lô nhỏ, trong đó không thể thiếu bật lửa, đèn pin, lương khô, nước uống, điện thoại, dao găm và một bộ quần áo rét - đây là đồ sinh tồn phòng khi lạc trong rừng. Bất cứ thành viên nào rời lán trại đều phải mang ba lô theo, đó là lệnh.

Lúc ở nhà tôi có phần chủ quan vì nghĩ Tây Nguyên đang mùa nắng nóng nhưng khi thấy các chiến sĩ Đại đội 187, huyện đội Sa Thày đi cùng chúng tôi đều mang theo chăn bông thì tôi biết việc có thêm quần áo ấm không phải chuyện đùa.

Tại sảnh chờ, bố Đồng, bố Vĩnh, bố Lục, bố Ngọc - 4 CCB Trung đoàn 209 - Mũ sắt Hà Nội ai cũng quân phục dã chiến, đã uống tàn ấm trà, râm ran chuyện lên núi. CCB Mỹ - Ronald Reddy ngồi bên, hễ ai hỏi uống gì không thì cười, chỉ tay vào ấm trà và tuôn ra một câu tiếng Việt lơ lớ “Cho mốt cò phi nâu đá” (Cho một cà phê nâu đá).

Hôm nay, tôi theo chân đoàn làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân cùng những CCB lính Mũ sắt Hà Nội đi tìm đồng đội còn nằm lại trên dãy núi Chưtankra, huyện Sa Thày, tỉnh Kon Tum.

Chưtankra!

Chưtankra! Tên dãy núi, cũng là tên kịch bản mà Điện ảnh Quân đội nhân dân triển khai làm bộ phim tài liệu tại địa danh này.

Vào năm 1968 nơi đây đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt giữa những người lính Trung đoàn 209 với Sư đoàn 4 Mỹ nhằm ngăn chặn những người lính Mũ Sắt Hà Nội đánh vào căn cứ Kleng, một trung tâm huấn luyện thám báo biệt kích của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn lính Mũ sắt và các đơn vị phối thuộc đã nằm lại quanh các cao điểm và các cánh rừng bên dãy Chưtankra. Đây là chuyến thứ 30 trong hành trình đã 10 năm đi tìm đồng đội của những người lính Mũ sắt và lần này chỉ còn lại 4 người, đều là thương binh ở tuổi thất thập cổ lai hy.

Các cao điểm trên dãy Chưtankra đều cao cả ngàn mét so với mực nước biển. Vào mùa khô có thể lên bằng ba cách: đi bộ mất khoảng 2,5 giờ; thuê người dân chở lên bằng xe gắn máy đã được độ lại nhông xích hoặc thuê xe ô tô tải dân vẫn dùng chở hàng lên rẫy, ngoài ra xe bán tải gầm cao cũng lên được. Mùa mưa thì chỉ còn cách đi bộ, thời gian có thể mất đến 4 tiếng mỗi lượt, đấy là trong điều kiện nước suối đã rút. Ấy thế mà tháng 7 năm ngoái, phóng viên của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã theo và ghi lại được những hình ảnh các CCB vượt suối trong mùa mưa lũ, cất bốc quy tập hài cốt 34 liệt sĩ, kịp an táng các chú, các bác đúng ngày 27-7.

Đoàn làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân theo chân đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên dãy Chưtankra.

Theo các CCB và đoàn làm phim đi ô tô từ Hà Nội vào, tôi cứ nhớ mãi lời bố Nguyễn Văn Vĩnh (người phụ trách Hậu cần của các CCB): công việc của những “liệt sĩ sống” (các bác đều là thương binh, tuổi cao, sức khỏe yếu) đi tìm liệt sĩ chết là công việc vất vả, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền huyện Sa Thày, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ huyện đội Sa Thày thì các bác không thể nào có những chuyến đi dài và lâu như thế.

Một đoàn làm phim 6 người (Đạo diễn, Biên kịch, 2 quay phim, 1 phụ quay, 1 thu thanh) ngoài balo cá nhân là cơ man nào thiết bị, phụ kiện, pin dự phòng, còn thêm một bao tải căng đầy chứa 6 bộ tăng võng được Sư đoàn 10 ưu tiên cho mượn. Nhưng để lo cho hơn ba chục con người ăn ngủ, công tác trong rừng, các chiến sĩ Đại đội 187, huyện đội Sa Thày còn mang theo khối lượng vật chất gấp nhiều lần anh em chúng tôi. Hàng ngày sẽ có thêm một chiếc xe bán tải lo hậu cần lên và ứng trực trên đỉnh núi. Nhưng từ đỉnh núi vào các điểm cao và Vườn quốc gia Chưmomray thì chuyện tiếp phẩm đều phải đi bộ.

Chuyện ở

Xe ô tô leo lên được đến cao điểm 995 phải dừng lại vì không thể đi tiếp. Cả đoàn xuống đi bộ mất một tiếng rưỡi để hạ trại bên kia chân cao điểm M2. CCB Hồ Đại Đồng qua bản đồ quân sự đã chọn chỗ hạ trại này bởi gần một ngã ba suối, lại là trung tâm của các điểm tìm kiếm. Sóng điện thoại không có nhưng thiết bị đo sức khỏe của Iphone vẫn hoạt động, chúc mừng toàn đội từ các cụ CCB U70 đến các cháu chiến sĩ trẻ đã leo xuống được tương đương 107 tầng nhà. Một điều kiện cai nghiện công nghệ lý tưởng trong thời gian này.

Ở đây chưa vào mùa mưa nên không thấy vắt. Lúc đầu muỗi nhiều như trấu, mọi người tập trung vun gọn thảm thực vật đốt lên để đuổi muỗi và chống cháy lan. Rừng mùa khô chẳng khác gì một chiếc bùi nhùi khổng lồ, việc đốt lửa phải thật cẩn thận.

Chúng tôi lần đầu vào rừng (trong đoàn chỉ có đạo diễn đã theo các CCB hai lần nhưng chưa phải ngủ trong rừng), trút balo khỏi vai, thở chưa hết mệt mà các CCB đã mắc xong tăng võng. Vậy là mọi việc các bác phải mất công dạy cho đám con từ đầu, từ việc chọn điểm mắc võng, khoảng cách giữa hai đầu võng, làm cọc phụ chống nước mưa, mối buộc sao cho chặt và thuận tiện khi thu võng… Lần đầu bỡ ngỡ thôi chứ mấy ngày sau chúng tôi đã thành thạo, thậm chí còn chơi trò nằm ké vì bố Lục mang một tấm bạt thay tăng, khi bố Lục và bố Ngọc chung nhau mắc võng theo kiểu “chuồng bò” vẫn còn chỗ, tôi liền nhảy vào mắc võng ké, đỡ được bao công sức. Thường thì hai đến ba võng sẽ mắc quây vào một chỗ để đốt chung một đống lửa, lấy ánh sáng, ngừa thú dữ, đặc biệt là chống lạnh. Ban ngày ở đây nóng như thiêu như đốt nhưng từ 23h trở đi là lạnh. Đến tầm 01h sáng thì rét không chịu nổi, hầu như ai cũng phải trở dậy, mặc hết áo ấm và thay nhau khơi lại ngọn lửa. Từ ngày thứ hai trở đi, dù công việc bộn bề và mệt nhọc nhưng gần về đến lán trại, chúng tôi vẫn phải cắt cử người luân phiên đi lấy củi.

Còn nhiều quy định, lưu ý khi sống tập thể trong rừng như: Khi vệ sinh phải đào hố mèo, đi lại chú ý rắn độc, đồ đạc đều phải làm móc treo lên võng, cấm tắm suối đêm…

Chuyện công việc

Theo kế hoạch, lần này lên núi, đoàn tìm kiếm sẽ kết hợp với bộ đội và tình nguyện viên chia nhóm khảo sát 50 địa điểm khác nhau. Có dấu hiệu khả nghi thì tổ chức đào bới, tìm kiếm, nếu phát hiện thì cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Đoàn làm phim cũng chia ra, có lúc thành 3 tốp để tránh bỏ lỡ những khoảnh khắc quý.

Câu chuyện phim khơi mở dần bằng hành trình gian khổ, dẫn đầu là các CCB đi tìm hài cốt đồng đội trên trận địa xưa. Từ những hiện vật như tăng võng, dây dép cao su, chiếc mũ sắt tìm thấy bên chiến hào, cùng hình ảnh những chàng trai Hà Nội tuổi vừa đôi tám háo hức lần đầu vào trận, chiến đấu hết mình và hy sinh anh dũng. Và khi đêm xuống, bên bếp lửa, ký ức của đúng ngày đánh trận cách đây 51 năm lại ùa về - ký ức một đêm “không trăng, không sao như ngày hôm nay” của những người lính Mũ sắt âm thầm tiến vào trận địa. Hình ảnh bi tráng “không thể nào quên” qua lời kể của CCB Hồ Đại Đồng: “Địch gom xác anh em mình lại, chôn trong những ngôi mộ tập thể, ngôi 12, ngôi 25, nhiều nhất là ngôi mộ chôn 81 liệt sĩ”… Cả không gian lặng thinh và rồi nghẹn lòng khi bố Vĩnh nức nở: “Nghĩ lại, vẫn thương anh em lắm”. Lúc này cả ba máy quay đều lấy một cỡ cảnh duy nhất: đặc tả những ánh mắt ngấn lệ.

Để có được cảnh CCB vượt thác, tìm kiếm địa danh cũ, đoàn làm phim cũng đồ nghề trên vai, hành quân bộ dài tới 23km len lỏi dọc các con suối, có lúc cắt rừng để đi tìm địa điểm năm xưa là phẫu Chư-Đô. Gần 9h đêm mới về đến điểm tập kết, thấy những người ở nhà lo cho mình biết nhường nào.

Nghĩa tình ở rừng, nghĩa tình ở Chưtankra. Mạch phim xuyên suốt là những câu chuyện về nghĩa tình...

Nghĩa tình của những người lính già đều là thương binh: Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Viết Lục, Nguyễn Minh Ngọc đã hàng chục năm tự bỏ tiền túi, lặn lội từ Hà Nội vào Kon Tum mà danh sách đi tìm đồng đội những năm trước còn kéo ra dài hơn: Phạm văn Chúc, Đặng Ngọc Linh, Đào Duy Tĩnh… Những ông nội, ông ngoại ấy tay xách nách mang, nhất định phải mua từ Hà Nội vào cho đồng đội từ chiếc bánh cốm, phong kẹo lạc, bao thuốc lá. Cứ tháng 3, tháng 7 hằng năm, họ lại giấu bệnh tình của mình để vào với đồng đội, lần nào cũng bảo đây sẽ là chuyến cuối, rồi sắp đến ngày lại í ới rủ nhau đi. Mưa rừng giữ chân một buổi cũng tiếc hùi hụi, lo không thể đến hết những nơi anh em đang nằm.

Là nghĩa tình của cán bộ và nhân dân Sa Thày, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ huyện đội Sa Thày, chưa bao giờ khước từ bất cứ yêu cầu nào của đoàn về số lượng người, phương tiện tham gia cùng các CCB trên hành trình đi tìm đồng đội. Có việc gì cần và bất cứ thời điểm nào đều có thể liên lạc thẳng với A Sâm (các bố thân mật gọi đồng chí Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Sâm là vậy), anh ấy luôn sẵn lòng.

Là nghĩa tình của những tình nguyện viên: Người ở Hà Nội vào, người từ Sài Gòn ra. Cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm… chưa thấy ai nửa lời kêu mệt, chuyến này chưa về đã bàn nhau chuyến tới nên đi thế nào cho thật đã.

Là nghĩa tình của những CCB Hoa Kỳ như: Deryle Perryman, Steve Edmunds, Ronald Reddy lặn lội nửa vòng trái đất cung cấp những thông tin quý báu trong việc xác định tọa độ, tìm ra địa điểm chôn cất của hàng trăm liệt sĩ.

Là nghĩa tình của những CCB với thân nhân liệt sĩ. Có người cha đã bước qua trăm tuổi vẫn hằng ngày mong ngóng con trở về; Có những đứa con cha hy sinh khi vẫn còn nằm trong bụng mẹ, nửa đời người chỉ ước một vòng tay ôm từ bố. Chiến tranh ác liệt, biết bố mình hy sinh trong hoàn cảnh “Sau trận bom thù, thân xác của cả một tổ ba người được đồng đội gom lại chỉ nằm gọn trong lòng chiếc Mũ sắt” vẫn mong một lần vào tận cánh rừng nơi cha đã ngã xuống, đi trên lối mòn xưa cha đã từng qua, hy vọng một lần nghe tiếng cha vọng về giữa xào xạc tiếng lá, được ôm trong lòng gói đất nơi cha đã ngã xuống là thỏa ước nguyện; Có người cháu đã hàng chục năm đi tìm hai người chú cùng nhập ngũ một ngày, cùng hy sinh ở Chưtankra. Đến giờ phút này thì coi liệt sĩ nào cũng là chú mình rồi...

Và trong những hành trình cha tìm con, con tìm cha, cháu tìm chú, tất cả đều có thêm những người con, người cha, người chú khác. Chưtankra, từ một miền đất xa xôi đã trở nên thân thương gần gũi, nơi chứng kiến nghĩa tình của những con người không cùng dân tộc, không cùng lứa tuổi, không cùng huyết thống nhưng mỗi năm lại tìm cách quay về.

Ghi chép của QUỐC ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhat-ky-chutankra-577000