Nhật Bản đứng thứ 125/146 ở bảng xếp hạng bình đẳng giới
Ngày 21/6, Báo cáo Khoảng cách Giới tính năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố cho thấy, Nhật Bản xếp thứ 125 trong số 146 quốc gia về bảng xếp hạng khoảng cách giới năm 2023. Đây là kết quả tồi tệ nhất được ghi nhận của quốc gia này và xuống mức thấp kỷ lục ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Nguyên nhân do nước này không thể nâng cao sự đại diện của phụ nữ trong các hoạt động chính trị và kinh tế.
Một cuộc họp về bình đẳng giới được tổ chức tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 5/6/2023. Ảnh: Kyodo
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ sẽ tích cực thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết khoảng cách giới.
Trong khi đó, các nhà vận động bình đẳng giới chỉ trích kết quả là do chính phủ Nhật Bản không hành động trong khi chính phủ cho biết họ xem xét tình hình một cách nghiêm túc và cam kết sẽ giải quyết vấn đề.
Báo cáo hàng năm của nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Thụy Sĩ cho thấy, Nhật Bản đã tụt xuống thứ 125 từ vị trí thứ 116 vào năm ngoái, do sự tham gia của phụ nữ vào chính trị. Nhật Bản cũng vẫn ở vị trí cuối cùng trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng đất nước này chưa bao giờ có một nữ thủ tướng.
Trong số các thành viên G7, Nhật Bản xếp cuối cùng sau Ý, nước đứng thứ 79. Đức xếp vị trí thứ 6.
Nhật Bản cũng tụt lại phía sau các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc, lần lượt xếp thứ 105 và 107.
Quốc gia này được xếp hạng 138 về trao quyền chính trị, sau Ả Rập Xê Út và Kuwait, lần lượt xếp thứ 131 và 137.
Theo báo cáo xếp hạng chung về khoảng cách giới, Iceland đứng đầu, Na Uy đứng thứ hai và Phần Lan đứng thứ ba. New Zealand là quốc gia có thành tích tốt nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ở vị trí thứ tư, tiếp theo là Philippines ở vị trí thứ 16.
Xu hướng này thể hiện rõ trong dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy, khoảng 18,7% công ty niêm yết trên thị trường của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo không có thành viên hội đồng quản trị là nữ tính đến cuối tháng 7/2022, trong khi tỷ lệ này của các công ty khác có trên 30% vai trò điều hành do phụ nữ đảm nhiệm.
Mari Hamada, người đứng đầu Stand by Women, tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy sự tham gia của các nhà lập pháp nữ, cho biết: “Nhật Bản đang phải trả giá cho việc không tăng số lượng các nhà lập pháp nữ. Trong Quốc hội, nam giới chiếm ưu thế, rất khó để nêu ra các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ như bạo lực tình dục, tránh thai khẩn cấp, cũng như tiếng nói của các nhóm thiểu số. Các đảng chính trị cần đặt mục tiêu cho các ứng cử viên nữ và thực hiện theo mục tiêu đó".
Momoko Nojo, người đứng đầu tổ chức No Youth No Japan, một tổ chức khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia chính trị, gọi bảng xếp hạng mới nhất là “biểu hiện của tình hình hiện tại”. Bà nói, vai trò giới vẫn ăn sâu vào tâm lý, điều này đã được phản ánh trong những nỗ lực không tập trung của chính phủ nhằm chống lại tỷ lệ sinh thấp của đất nước. Có những người muốn rời khỏi Nhật Bản vì không có gì thay đổi ngay cả khi bạn lên tiếng. Nojo nói thêm. “Tôi muốn chính phủ nhận ra rằng tình trạng thiếu cải thiện hiện nay sẽ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ”.
Báo cáo hàng năm phân tích sự tiến bộ về bình đẳng giới trong 4 lĩnh vực, gồm: Giáo dục, y tế, chính trị và kinh tế ở 146 quốc gia.
WEF ước tính rằng sẽ mất 131 năm để thế giới đạt được bình đẳng giới hoàn toàn với tốc độ cải thiện hiện tại. Các quốc gia Bắc Âu tiếp tục thống trị bảng xếp hạng bình đẳng giới.
Báo cáo về khoảng cách giới tính đã được nhóm chuyên gia cố vấn công bố hàng năm kể từ năm 2006. Năm nay đánh dấu lần xuất bản thứ 17.