Nhân rộng phong trào trồng cây xanh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc phát triển cây xanh không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ, điều hòa không khí mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo nên những vùng quê đáng sống.

Trồng cây để kiến tạo không gian xanh tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Trồng cây để kiến tạo không gian xanh tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Theo kế hoạch trồng cây phân tán năm 2025, UBND tỉnh giao các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh các loại. Các khu vực trồng cây được quy hoạch cụ thể, bao gồm: Khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, nhân dân được trồng cây ven đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, công trình tín ngưỡng, nhà văn hóa và các khu vực công cộng khác. Khu vực nông thôn, ưu tiên trồng tại đất vườn hộ gia đình, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, trung tâm văn hóa - lịch sử, tôn giáo, khu công nghiệp, khu xử lý rác thải, đất chưa sử dụng, đặc biệt là kết hợp trồng cây xanh với các mô hình nông nghiệp canh tác tổng hợp, nông nghiệp hữu cơ. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương trong tỉnh ưu tiên trồng các loại cây bản địa, cây đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa tạo không gian xanh, góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường. Một số loài điển hình được khuyến khích như: Bồ đề, sưa đỏ, long não, bằng lăng, ban, bàng Đài Loan, phượng vĩ, nhãn, vải, tếch, phi lao, sấu, xoan ta, lim xẹt, muồng đen, sao đen, lát hoa, thông, keo, bạch đàn… Đây là những giống cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, dễ chăm sóc và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM và NTM nâng cao, chỉ tiêu về cây xanh đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện cảnh quan, môi trường sống và tạo không gian xanh - sạch - đẹp cho cộng đồng. Cụ thể, tại Quyết định số 318/QĐ-TTg và 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí về tỷ lệ đất dành cho cây xanh và cảnh quan môi trường được xác định rõ ràng nhằm hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với thiên nhiên. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền các địa phương đã tổ chức phát động phong trào trồng cây xanh; hướng dẫn người dân lựa chọn những loài cây có giá trị kinh tế. Nhiều hộ dân tận dụng diện tích đất vườn để trồng cây ăn quả, cây gỗ quý như: nhãn, vải, sưa đỏ, tếch, không chỉ góp phần phủ xanh đất trống mà còn mang lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, việc trồng cây tại các khu di tích lịch sử, khu du lịch, đình chùa… còn góp phần phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tạo điểm nhấn cảnh quan và nâng cao giá trị bản sắc địa phương. Các địa bàn nông thôn có mật độ cây xanh cao, không gian thoáng đãng đang trở thành hình mẫu trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Ông Nguyễn Văn Viện, thôn Trung Phu, xã Thành Lợi (Vụ Bản) cho biết: “Hưởng ứng phong trào trồng cây xanh đầu năm năm 2025 do UBND xã phát động, chúng tôi đã khuyến khích bà con mua tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh các giống cây bằng lăng, bạch đàn, xoài trồng tại một số vị trí ven đường, đất trống, khu vực trung tâm thôn, khuôn viên nhà thờ… tạo cảnh quan, không gian xanh, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng thôn NTM kiểu mẫu”.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ ven biển - bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng được ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương ven biển quan tâm thực hiện. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu trồng 70ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ đê biển và tạo vành đai xanh chắn gió, chống xói lở. Khu vực bãi bồi ven biển sẽ được quy hoạch trồng rừng theo các dự án đã được phê duyệt. Đây là giải pháp mang tính chiến lược nhằm ứng phó với nước biển dâng, bão lụt và bảo vệ sinh kế cho người dân ven biển. Theo tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường), trong quý I năm 2025, toàn tỉnh đã trồng được gần 485 nghìn cây phân tán các loại; trong đó các đơn vị đạt kết quả cao là huyện Hải Hậu trồng được 120 nghìn cây, Nam Trực trồng được 100 nghìn cây, đạt 100% kế hoạch.

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác trồng cây xanh, trồng rừng vẫn gặp một số khó khăn như: Thiếu quỹ đất tại một số khu vực đô thị, vùng đông dân cư. Thiếu sự đồng thuận và nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của cây xanh còn hạn chế. Công tác chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng còn một số khó khăn. Thiếu vốn đầu tư dài hạn cho các chương trình trồng cây xanh, nhất là ở vùng nông thôn… Để tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và người dân. Vì thế, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND thành phố và các huyện tổ chức các chương trình trồng rừng, tiếp tục phát động và triển khai các dự án trồng rừng, tăng cường kiểm tra giám sát, tổng hợp kết quả để báo cáo theo đúng quy định. UBND các huyện, thành phố chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng cây, huy động các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ… để trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh lâu dài. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phối hợp tổ chức các lễ phát động, hỗ trợ chuẩn bị cây giống, địa điểm và lực lượng trồng cây trong các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… cũng cần tích cực tham gia, truyền cảm hứng để phong trào trồng cây xanh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục gắn với trách nhiệm và lợi ích của từng người dân. Các cấp, ngành và nhất là chính quyền các cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về môi trường, lồng ghép vào các hoạt động cộng đồng. Huy động đa dạng nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp, thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội. Xây dựng các mô hình mẫu về trồng cây xanh kết hợp nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái. Ứng dụng công nghệ số trong theo dõi, giám sát và quản lý hệ thống cây xanh.

Nhân rộng mô hình trồng cây xanh theo tiêu chí NTM, mở rộng diện tích trồng rừng không chỉ là việc trồng thêm nhiều cây mà còn là sự chuyển mình trong tư duy phát triển bền vững, hướng đến không gian sống xanh, sạch, đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân, các địa phương trong tỉnh đang từng bước biến những vùng quê thành những miền đất đáng sống - nơi mà mỗi hàng cây, bóng mát trở thành biểu tượng của sự phát triển bền vững và khát vọng xanh hóa không gian sống.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/nhan-rong-phong-trao-trong-cay-xanhgop-phan-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-f6b58ab/