Nhân rộng mô hình điểm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời phát hiện, nhân rộng gương điển hình, tạo lan tỏa trong toàn xã hội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng tại gốc; xây dựng mô hình điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo từng địa bàn, sau đó đánh giá hiệu quả, nhân rộng.

Đó là những nội dung Đoàn giám sát số 22 Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh tại buổi giám sát việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2021 - 2023 đối với UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Suy giảm chất lượng, phá rừng trái phép vẫn diễn ra

Theo báo cáo, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 1.307.041ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã bố trí hơn 318,6 tỷ đồng triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, được các đơn vị sử dụng cơ bản hiệu quả, bảo đảm đúng quy định. Đối với kinh phí dịch vụ môi trường rừng, kết quả thực tế thu trong 3 năm đạt trên 311,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao, tiến độ chi thanh toán cho các chủ rừng đều được thực hiện bảo đảm nhiệm vụ đề ra…

Đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh, sở, ngành và địa phương trong công tác sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2023, Đoàn giám sát chỉ ra một số nội dung cần quan tâm trong thời gian tới. Đó là tình trạng người dân xâm canh lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn tiếp diễn, ngày càng phức tạp; rừng và đất rừng tiếp tục có nguy cơ bị xâm hại, suy giảm cao, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ độ che phủ rừng. Công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng một số nơi chưa được ngăn chặn triệt để; dẫn đến tình trạng người dân xâm canh lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn tiếp diễn và ngày càng phức tạp. Tình hình suy giảm chất lượng rừng, phá rừng trái phép vẫn diễn ra tại một số đơn vị chủ rừng (trên địa bàn một số huyện như Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo, Cư M’gar, Lắk, Krông Bông...).

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát số 22 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Phương An

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát số 22 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Phương An

Các Công ty Lâm nghiệp gặp khó khăn, thiếu nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; các hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như không triển khai được do không có nguồn vốn. Đối với các chủ rừng là các Công ty Lâm nghiệp, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trên lâm phần quản lý ngày càng tăng, phức tạp. Diện tích rừng lớn nhưng lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc nhiều; chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thấp, gần như không có, nhân viên các Công ty Lâm nghiệp bị nợ lương trong khi trách nhiệm thì nặng nề nên nhiều nhân viên bỏ việc.

Việc sử dụng nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ hiện chưa hiệu quả, giải ngân gặp nhiều khó khăn chưa có giải pháp tháo gỡ. Cập nhật, theo dõi, báo cáo số liệu về diện tích rừng bị suy giảm, trữ lượng rừng và đất rừng bị xâm canh lấn chiếm đối với các chủ rừng là các công ty, doanh nghiệp được giao đất, thuê đất để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa được thực hiện bảo đảm theo quy định; chưa bố trí đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí còn tình trạng buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng để rừng bị xâm hại...

Tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích việc đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; kịp thời phát hiện, nhân rộng gương điển hình trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng, kiện toàn lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng; tiếp tục kiện toàn các Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng các cấp đáp ứng nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng tại gốc; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các công ty, Ban quản lý, chủ rừng thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thành lập các tổ công tác liên ngành kịp thời xử lý những vụ vi phạm luật lâm nghiệp, xâm canh đất rừng; xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các ban quản lý, công ty lâm nghiệp, dự án nông lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tiếp tục tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá cụ thể các chính sách, nguồn lực tài chính thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; đánh giá việc thực hiện chính sách nào hiện nay là hiệu quả nhất, từ đó đề xuất tăng cho phù hợp, không đề xuất theo hướng tăng cho các đối tượng chủ rừng bình quân như hiện nay. Xây dựng mô hình điểm về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo từng địa bàn, sau đó đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình - Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Kiều Bảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/nhan-rong-mo-h%C3%ACnh-di%E1%BB%83m-quan-ly-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-r%E1%BB%ABng-i375720/