Nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung ở Long Thành

Thực hiện chủ trương của địa phương về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian gần đây nhiều hộ dân ở thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa chủ động xây dựng các mô hình kinh tế mới thu nhập cao. Đặc biệt trong đó, mô hình chăn nuôi tập trung được nhiều người lựa chọn triển khai thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả xã hội tích cực, góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Mô hình chăn nuôi vịt trên sàn lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Long Thành, Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: N.T

Long Thành có gần 100 hộ dân. Đa số người dân trong thôn có thời gian dài trồng chuối mật mốc để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của COVID-19, bão lụt, thị trường không ổn định nên địa phương đã định hướng người dân tập trung chuyển đổi sản xuất. Do đó, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Bước đầu, hướng đi này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều người dân trong thôn.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2014 gia đình ông Võ Tân ở thôn Long Thành chuyển từ trồng chuối mật mốc sang chăn nuôi lợn. Ban đầu, gia đình ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng từ 7- 10 con lợn thịt. Từ hiệu quả bước đầu của chăn nuôi, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng chuồng trại có quy mô lớn hơn, cách xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình ông duy trì từ 250 - 300 con lợn thịt/lứa. Từ năm 2020, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, nuôi thêm 3.000 con vịt theo phương pháp chăn nuôi trên sàn lưới. Khu chăn nuôi được quy hoạch phù hợp, có lối đi thông thoáng, khoảng cách chuồng trại lợn - vịt khá xa nhau; hệ thống nước sạch, điện sáng phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được lắp đặt đầy đủ. Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đầy đủ nên bình quân mỗi năm tổng thu nhập từ mô hình kinh tế của gia đình ông trên 400 triệu đồng. Ông Võ Tân cho biết: “Tôi thấy việc chăn nuôi tập trung khá phù hợp với khả năng của gia đình mình nói riêng và thực tế ở địa phương nói chung. Sắp tới gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, chăn nuôi theo hướng đa con để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình”.

Từ chỗ vài hộ gia đình đầu tư chăn nuôi tập trung có hiệu quả, các hộ khác ở Long Thành đã tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất rồi nhân rộng mô hình này. Thông qua kênh tín chấp của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Long tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nông dân thôn Long Thành đảm bảo được nguồn vốn vay ưu đãi, yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, các hộ chăn nuôi ở Long Thành đã được vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, giống vật nuôi. Để việc chăn nuôi ở địa phương phát triển bền vững, hằng năm Hội Nông dân xã Tân Long phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…

Hiện toàn thôn có hơn 50% số hộ gia đình xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ yếu là bò, dê, lợn, gà, vịt…Tổng đàn gia súc toàn thôn hiện có trên 1.000 con và trên 3.000 con gia cầm. Bình quân mỗi năm, mỗi mô hình chăn nuôi cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng, đặc biệt có những mô hình lớn cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng. Hầu hết các mô hình chăn nuôi ở Long Thành đều được xây dựng xa nhà ở, xa khu dân cư nên đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường. Nhờ hiệu quả của các mô hình trang trại chăn nuôi mang lại, rất nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, ngày càng xuất hiện nhiều gương sản xuất, kinh doanh giỏi, được các cấp Hội Nông dân khen thưởng. Riêng năm 2020, thôn có 1 hộ được Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen; 3 hộ được Hội Nông dân tỉnh, 8 hộ được Hội Nông dân huyện tặng giấy khen. Hộ nghèo toàn thôn chỉ còn 6 hộ, chiếm gần 6% .

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long Đỗ Mĩnh cho biết: “Đầu tư mô hình chăn nuôi tập trung được xem là hướng chuyển đổi sản xuất phù hợp tại thôn Long Thành. Hiệu quả mô hình này đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tìm các nguồn vốn phù hợp, nhất là nguồn quỹ hội nông dân giúp nhau sản xuất, đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật để hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô cũng như nhân rộng các mô hình chăn nuôi tập trung trên địa bàn để phát triển kinh tế bền vững”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155755