Nhận diện ung thư tấn công Hari Won và Ninh Dương Lan Ngọc
LTS. Thông tin ca sĩ Hari Won và diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc bị ung thư cổ tử cung đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Bên cạnh những thương cảm hai nghệ sĩ trẻ, đã có nhiều đồn thổi sai lệch về loại ung thư này. Để bạn đọc có thông tin chuẩn mực, Người Đô Thị giới thiệu ý kiến chuyên môn của BS-CK2. Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) về hiểm họa ung thư cổ tử cung.
Bệnh của riêng “chị em chúng mình”
Trong số cuối chương trình Chị em chúng mình phát sóng tối 4.11, khán giả đã bất ngờ trước chia sẻ của Hari Won, rằng cô có dấu hiệu tái phát ung thư sau năm năm đã trị khỏi. “Gần 30 tuổi Hari bị ung thư cổ tử cung, phải mổ hai lần. Sau 5 năm tưởng ổn rồi nhưng mới đây đi khám thì cái viêm còn đó. Vấn đề là đã cắt rất nhiều nên cổ tử cung Hari bị ngắn quá, nếu như lần này bị lại thì có thể sẽ vô sinh…”, Hari trải lòng.
Nghe tới đây, Ninh Dương Lan Ngọc nghẹn giọng: “Chuyện của chị Hari, Ngọc cũng biết bởi bản thân Ngọc cũng bị nhưng Ngọc may mắn hơn chị Hari, Ngọc chỉ mới bước vào giai đoạn đầu. Thật sự bệnh này cũng do sự ỷ y từ chính mình, chưa bao giờ Ngọc đi khám phụ khoa, rồi tiêm chích phòng ngừa cũng vậy, cứ nghĩ những việc đó hy hữu lắm, khó xảy ra nhưng mà… Khi biết thông tin mình bị, Ngọc hoang mang lắm. Bác sĩ nói nếu chỉ chậm một ngày nữa thôi, Ngọc sẽ phải cắt bỏ buồng trứng của mình”. Hari tiếp lời: “Chị thì từ năm 20 tuổi, không ai nhắc nhở gì hết, mỗi năm đều đi khám phụ khoa một lần, đầy đủ hết. Tự nhiên sau này thì bị, bác sĩ cũng nói không thể nào giải thích được. Cứ cố gắng thôi, cuộc sống mà, đâu biết chuyện này sẽ xảy ra như thế nào…”.
Sau chương trình, Hari Won chia sẻ thêm trên trang cá nhân để trấn an những người hâm mộ cô đang lo lắng: “Hiện tại sức khỏe của mình ổn. Mình đang tập thể dục và ăn đầy đủ để hệ miễn dịch tốt hơn. Các bạn phụ nữ hãy đi khám phụ khoa định kỳ, không có gì là xấu hổ cả. Mới đây mình đi chích ngừa HPV đợt 1. Lúc nhỏ thấy mắc không đủ tiền đi chích, sau này qua tuổi nên mình không chích, nhưng nghe nói chích vẫn tốt hơn là không…”.
Quản lý của Ninh Dương Lan Ngọc cũng cho biết cô từng đi Singapore chữa trị (năm 2019 - PV): “Mấy ngày trước còn bị bao tử hành hạ khám lên khám xuống, mấy ngày sau thì phát hiện ra tiền ung thư. Ban đầu Ngọc không tin, chỉ khi cầm kết quả của bác sĩ thì mới trở lại thực tại. Ở Singapore điều trị, Ngọc như phát điên và khóc rất nhiều. Đến một giới hạn nào đó không chứa nổi thì cảm xúc dồn nén suốt một thời gian lại tràn ra hết…”. Trên trang cá nhân mới đây, Ninh Dương Lan Ngọc khẳng định sức khỏe cô hiện đã ổn và có thể hoạt động bình thường: “Vấn đề sức khỏe của Ngọc đã ổn, vẫn sẽ tung tăng, cả nhà đừng lo. Câu chuyện đẩy lên quá, Ngọc rất ngại chuyện này”.
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm ra sao?
BS-CK2. Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cho biết, ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở cổ tử cung biến đổi thành các tế bào bất thường, tăng sinh một cách mất kiểm soát và hình thành khối u. Nguyên nhân chính là do nhiễm Human Papilloma Virus (virus HPV) lâu ngày, dẫn đến loạn sản gây ung thư trong biểu mô và phát triển thành ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ khác: có nhiều bạn tình (nguy cơ tăng 2 - 3 lần); quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi (nguy cơ tăng 1,5 - 2 lần); quan hệ với bạn tình có nhiều nguy cơ (nhiễm HPV, có nhiều bạn tình khác); tiền căn nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục; tiền căn bị các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở âm hộ, âm đạo; hút thuốc lá; suy giảm miễn dịch…
Virus HPV với hơn 100 týp, trong đó có khoảng 15 týp có khả năng gây ung thư, gọi là týp “nguy cơ cao” và phổ biến nhất là các týp HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là týp 31 và 45. Virus HPV lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da, loại virus này cũng có thể lây nhiễm. “Hầu hết các trường hợp lây nhiễm virus HPV đều không có biểu hiện cụ thể. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài tháng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu nhiễm HPV týp có nguy cơ cao có thể tồn tại lâu dài làm biến đổi gen tế bào cổ tử cung một cách bất thường gây ra các tổn thương ở mức độ thấp và tăng dần dẫn đến ung thư. Quá trình này diễn ra âm thầm trong thời gian dài 10 - 15 năm”, BS. Tiến cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm toàn cầu có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong. Khoảng 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV. Vì vậy, nhiễm virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến căn bệnh ung thư nguy hiểm này.
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra với phụ nữ độ tuổi 40 - 60, gặp nhiều nhất ở những người 50 - 55 tuổi. Tuy vậy, mầm mống gây bệnh do virus HPV có thể đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ hàng chục năm trước đó. Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái có sớm hơn 10 năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ, có thể xảy ra với những người mới tuổi 20.
“Nếu được phát hiện từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Bệnh càng tiến triển thì kỹ thuật điều trị càng phức tạp, gây đau đớn, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh thấp”. BS. Tiến lưu ý. Cụ thể, ở giai đoạn 1, tỷ lệ chữa khỏi đạt 85 - 90%, giảm dần đến giai đoạn 2 còn 50 - 75%, giai đoạn 3 chỉ 25 - 40% và dưới 15% người bệnh ở giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm. Nếu phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư hoặc xâm lấn sớm, có thể chữa khỏi mà vẫn giữ được tử cung và buồng trứng, bảo tồn chức năng nội tiết và sinh sản. Còn với giai đoạn muộn, điều trị triệt để bằng phẫu thuật hay hóa, xạ trị sẽ không giữ được chức năng của hai cơ quan này, mất cơ hội sinh con. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể thảo luận với bác sĩ để lưu trữ trứng trước khi điều trị, để sau này nhờ mang thai hộ.
Tầm soát định kỳ và sớm phòng ngừa
Theo BS. Tiến, những triệu chứng nghi ngờ ung thư cổ tử cung bao gồm: chảy máu âm đạo bất thường (thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, hoặc sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh; máu thường đỏ tươi, lượng ít, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần); ra dịch âm đạo bất thường (huyết trắng lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hay nhầy, trắng đục hoặc lẫn máu nhầy như máu cá, lâu ngày có mùi hôi); đau sau quan hệ tình dục; đau vùng chậu, hay lên cơn đau âm ỉ (xảy ra bất cứ lúc nào trong tháng và thường xuyên hơn); rối loạn kinh nguyệt (ung thư cổ tử cung có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh); khó chịu khi tiểu (tiểu gắt buốt, tiểu khó, lắt nhắt, đôi lúc kèm máu, không tự chủ); giảm cân không rõ lý do (thường gặp ở giai đoạn muộn, sụt cân cho thấy bệnh đang tiến xa); mệt mỏi liên tục (cơ thể thiếu máu và suy giảm miễn dịch, cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi); đau chân (vì lúc này khối ung thư lan ra làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân; đau có xu hướng liên tục và tăng theo thời gian)...
“Các triệu chứng trên không đồng nghĩa với ung thư mà còn gặp trong nhiều bệnh khác. Khi có triệu chứng, chị em nên lập tức đi khám tại khoa phụ sản của các bệnh viện, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như: PAP (phết tế bào cổ tử cung), soi cổ tử cung, siêu âm bụng… để có chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới thăm khám phụ khoa, mà cần chủ động tầm soát hàng năm, tiêm vắcxin ngừa HPV sớm”, BS. Tiến nói.
Một số khuyến nghị cần lưu ý để phòng ngừa hiệu quả ung thư cổ tử cung:
Tiêm vaccine phòng chống lây nhiễm virus HPV là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, vaccine ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18. Bên cạnh đó, vaccine còn tác dụng phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, dù đã chích vaccine phòng ngừa HPV nhưng phụ nữ có quan hệ tình dục vẫn cần được sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Đối tượng tiêm vaccine phòng ngừa HPV tốt nhất là phụ nữ 9 - 26 tuổi và chưa quan hệ tình dục. Những trường hợp phụ nữ dưới 40 tuổi, đã quan hệ tình dục và sinh con, hiệu quả phòng ngừa của vaccine bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, không nên có quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên bởi đây là giai đoạn các cơ quan sinh dục đang phát triển và rất nhạy cảm. Quan hệ tình dục sớm sẽ đem đến nguy cơ cao lây nhiễm virus HPV. Xây dựng đời sống tình dục lành mạnh, không nên có nhiều bạn tình và thực hiện quan hệ tình dục an toàn nhằm giảm nguy cơ nhiễm HPV. Nên sử dụng bao cao su trong các lần quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây nhiễm...
Phụ nữ nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong các kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục. Khi có những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Xây dựng lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp chị em phụ nữ giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV.
Ngoài ra, nên tầm soát định kỳ nhằm phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung và xét nghiệm để tiêu diệt virus HPV sớm nhất có thể, sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm PAP được thực hiện khá đơn giản, không quá mắc tiền và có thể thực hiện ngay ở các trạm y tế địa phương. Việc tầm soát được thực hiện lần đầu tiên khi phụ nữ từ 21 tuổi, thực hiện mỗi 3 năm (nếu kết hợp xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV thì có thể thực hiện mỗi 5 năm) và kéo dài đến năm 65 tuổi.
“Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở nữ giới, tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên ung thư cổ tử cung là một trong số rất ít bệnh ung thư có thể phòng ngừa được và hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm”, BS. Tiến nhấn mạnh.
Hoàng Khải - Nguyễn Lê