Nhà ở xã hội giữa 'tứ bề trợ lực', cơ hội có nhà đang mở ra?
Doanh nghiệp khẳng định nhà ở xã hội chưa bao giờ rẻ như hiện nay, trong khi Chính phủ liên tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ, đồng thời dự kiến 'bơm' vào thị trường những dòng vốn ưu đãi, đang được kỳ vọng giúp giảm 'cơn khát' nhà ở bình dân đang lên đỉnh điểm.
Để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng, vì vậy Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng để cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.
Liên tục “bơm” vốn rẻ
Một điểm đáng chú ý là lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030.
Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Cần nói thêm, đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu. Trước đó, nhà ở xã hội đang sử dụng 2 nguồn vốn là gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tự cân đối vốn và vốn do Ngân hàng Chính sách triển khai theo Nghị định 100 về nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Cụ thể, hiện gói vay này áp dụng lãi suất 7%/năm với chủ đầu tư và 6,5%/năm với người mua nhà. Tính đến cuối quý III/2024, gói vay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng, trong đó khách hàng doanh nghiệp đủ điều kiện vay, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó có 15.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay.
Cơ hội mua nhà có mở ra?
Có thể thấy, Chính phủ đang liên tục tính toán để “bơm” thêm dòng vốn ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, cùng với đó là những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, đẩy nhanh tiến độ dự án, qua đó mở ra cơ hội lớn hơn cho người mua nhà.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, trong một hội nghị mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, nhìn nhận chưa bao giờ cơ chế chính sách của nhà nước mở và thoáng với nhà ở xã hội như hiện nay.
Trước hết, về cơ chế thì từ Luật đến Nghị định, Nghị quyết đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người mua rất nhiều. Lãi suất cho vay nhà ở xã hội hiện 6,6% nhưng so với lạm phát không quá cao, trong khi chủ đầu tư bị khống chế mức lợi nhuận chỉ 10%.
Vì vậy, xét về giá bán, ở cùng một vị trí, chất lượng xây dựng, giá nhà ở xã hội hiện chỉ 50% so nhà ở thương mại. “Chưa bao giờ nhà ở xã hội giá rẻ như hiện nay, mỗi tháng tiết kiệm từ 5-7 triệu đồng là có thể có căn nhà mơ ước”, ông Tuấn chia sẻ.
Rõ ràng, phân khúc nhà ở xã hội đang ở trong thời điểm “thiên thời, địa lợi”, với sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ. Nếu có thêm các chính sách hỗ trợ tốt, khả năng tăng nguồn cung nhà ở bình dân từ đó giải “cơn khát” của người dân là hoàn toàn khả thi.
Thực tế cũng chỉ ra phân khúc nhà ở xã hội tại nhiều khu vực trên cả nước thời gian qua đã có dấu hiệu sôi động khi hàng loạt doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những chủ đầu tư vốn chỉ làm dự án cao cấp, đã gia nhập cuộc đua xây nhà ở xã hội với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn.
Trao đổi với Vnbusiness, ông Đăng, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 450 căn hộ tại TP.HCM cho hay, trong bối cảnh mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên, khi đa số những gia đình có nhu cầu ở thực đang rơi vào tình thế khó, thì buộc các chủ đầu tư phải điều chỉnh lại dòng vốn, hướng vào những sản phẩm có giá vừa túi tiền hơn.
“Kể từ năm 2022, 90% dự án của chúng tôi xoáy vào các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực, phục vụ cho đa số. Cụ thể là sản phẩm nhà ở, mà tâm điểm là những căn hộ có chất lượng “chấp nhận được” và trong tầm chi trả của khách hàng, trong đó có những người trẻ tuổi, tích lũy tài chính chỉ vài trăm triệu đồng”, vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Đáng chú ý, các chuyên gia và cả doanh nghiệp cũng đang chờ đợi quy định tại bộ 3 Luật Đất đai 2024, Nhà ở 2023, Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Việc hàng loạt các nút thắt được tháo gỡ đang giúp niềm tin của doanh nghiệp tăng lên. Nhiều chủ đầu tư lớn tham gia sẽ giúp phân khúc nhà ở xã hội có sức sống hơn, nguồn cung theo đó cũng được kỳ vọng tăng. Khi nguồn cung thị trường tăng, cơ hội có nhà của người dân cũng sẽ mở ra.