Nhà ở kết hợp kinh doanh: Cần quy định chặt chẽ hơn về phòng cháy chữa cháy

m 23/5, rạng sáng 24/5 đã xảy ra hỏa hoạn tại nhà số 1 ngách 43/98/31 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sự việc này một lần nữa nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhất là trong bối cảnh, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. (Ảnh: Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. (Ảnh: Quốc hội)

Cần đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Ngay trong sáng 24/5, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ và đến thăm, động viên các nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông vận tải trong vụ cháy.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã thông tin nhanh đến các đại biểu Quốc hội về nguyên nhân của vụ cháy, đồng thời đề nghị thời gian tới cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt, hàng sửa xe, hay những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh. Khi phát triển các khu đô thị mới, cần quy hoạch bài bản hơn và đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đơn vị, lực lượng có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết; tăng cường tuyên truyền về công tác PCCC và kỹ năng ứng phó cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra các sự cố.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhân dân cần chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; tích cực, chủ động nâng cao kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi có sự cố.

Cần quy định cụ thể về giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa tại nhà ở kết hợp kinh doanh

Trả lời phỏng vấn hành lang Quốc hội liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Khi thẩm tra dự án Luật, đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo đại biểu, tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở, nhất là nhà kinh doanh rất hiện hữu. Bất kể khi nào cũng có thể xảy ra. Loại hình này nếu xảy ra cháy, khả năng thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong khi đó, tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng (đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp) chưa được triển khai nên người dân không có sự lựa chọn khác. Vì vậy, giải pháp thời gian tới vẫn là ưu tiên công tác phòng cháy, trong đó tăng cường ý thức của người dân, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền.

Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh: Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh… là những nơi tập trung nhiều người lao động, cần tiến hành rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả những nhà ở kết hợp kinh doanh; phải trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm.

Các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội cũng cần có biện pháp mạnh hơn nữa, tiến hành rà soát trên địa bàn nơi nào có nguy cơ cao, tính mạng người dân bị đe dọa thì kiên quyết xử lý. Giải pháp lâu dài vẫn là quy hoạch đô thị, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, giảm dần tình trạng thuê trọ tự phát với mật độ dày.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Điều 17 Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ hiện hành cũng đã quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhưng còn chung chung, chưa quy định cụ thể về giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa tại nhà ở kết hợp kinh doanh.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất: Có thể thiết kế một mục trong chương về phòng cháy nội dung kết hợp giữa quy hoạch, hạ tầng đô thị, thẩm quyền của địa phương và nghĩa vụ của công dân. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, cần quy định cụ thể thêm về biện pháp ngăn cháy, trong đó nên cấm hoạt động kinh doanh trong nhà cho thuê trọ.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, bên cạnh quy định chặt chẽ trong luật, quan trọng nhất vẫn là đề cao vai trò, tinh thần cảnh giác của cá nhân, của mỗi người dân trong phòng cháy.

Đảm bảo lối thoát hiểm cho công trình

Đề cập thực trạng nhiều năm nay Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều căn hộ... do không đảm bảo an toàn PCCC, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: Để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn, nhất là trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

Theo đại biểu, trên thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... - “Đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương thì cho rằng, việc rà soát PCCC đối với nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều căn hộ, nhà trọ một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội sẽ rất là khó. Bởi số lượng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều căn hộ, khu nhà trọ ở Thủ đô là rất lớn. Nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng. Thứ hai, nếu dừng, những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu?

Tuy vậy, đại biểu Việt Nga cũng cho rằng khó nhưng cũng không thể không làm. Các quy định PCCC đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là rà soát, có phương án với từng loại hình, chứ không thể áp dụng công thức chung.

Ví dụ với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, chúng ta không thể mở đường cho xe chữa cháy đủ vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm.

Đại biểu Việt Nga đề xuất: Phải yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo được lối thoát hiểm; tăng cường công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cho người dân…

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nha-o-ket-hop-kinh-doanh-can-quy-dinh-chat-che-hon-ve-phong-chay-chua-chay-376151.html