Nhà hàng phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18 kg hải sản, đắt hay rẻ?
Theo giới kinh doanh nhà hàng, mức phụ thu tùy thuộc vào giá trị nguyên liệu, món được yêu cầu chế biến và độ sang trọng của nhà hàng
Là một "vua đầu bếp", giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp và thường xuyên tư vấn cho khách mở nhà hàng, chuỗi kinh doanh dịch vụ ăn uống, đồng thời là chủ một nhà hàng tại quận 7 (TP HCM), anh Nguyễn Ngọc Trường (Kevin Truong) cho biết mức phụ thu khi khách mang nguyên liệu vào nhờ chế biến cũng là một vấn đề lưu ý trong hoạt động kinh doanh ẩm thực.
"Trường hợp cụ thể tại nhà hàng ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) mà báo chí nêu vừa qua khi tính phụ thu 4,5 triệu đồng khi chế biến và phục vụ 18 kg hải sản cần có thêm thông tin chi tiết về giá trị của loại hải sản mang vào và khách yêu cầu chế biến món gì. Nếu hải sản giá trị cao, chế biến cầu kỳ thì phí chế biến cao, còn nếu khách chỉ yêu cầu hấp hay luộc thì phí sẽ thấp" – anh Kevin Truong phân tích.
Anh Kevin Truong nói thêm xét về chi phí, nếu giá 1 kg tôm hùm sống ở vựa hải sản là 1,5 triệu đồng, giá tại nhà hàng là 2 triệu đồng thì mức chênh 500.000 đồng/kg thuộc về phí chế biến, phục vụ; nếu khách đem nguyên liệu sẵn thì phải chịu mức chênh lệch này. Phần chênh lệch này không phải là lợi nhuận nhà hàng mà nhà hàng phải tốn công đầu bếp chế biến, nguyên liệu, gia vị thêm cho món ăn, gas, điện, nước, nhân viên phục vụ, dọn dẹp, rửa chén,…
"Đó là nguyên tắc chung trong tính phụ phí nhưng trong kinh doanh nhà hàng đòi hỏi sự linh hoạt rất cao, chủ nhà hàng hay quản lý phải khéo léo làm sao cho khách vui vẻ khi rút hầu bao. Dù phải trả cùng một số tiền cho 1 bữa ăn nhưng có khi khách vui vẻ, lúc lại bực bội. Có nhà hàng sẵn sàng chế biến "giùm" cho khách nhưng sẽ thu bù ở thức uống hoặc món ăn khác" – anh Kevin Truong dẫn chứng.
Còn ông Trần Văn Trường, chủ hệ thống cửa hàng hải sản Hoàng Gia (TP HCM), thì cho rằng tùy mức độ sang trọng hay bình dân của nhà hàng mới đánh giá được mức phụ thu 250.000 đồng cho 1 kg hải sản là đắt hay rẻ.
"Xét về bình diện chung về 1 nhà hàng tại 1 thành phố du lịch như Phan Thiết theo tôi mức giá này là phù hợp. Bởi lẽ, kinh doanh nhà hàng chi phí nguyên liệu không chiếm tỉ trọng lớn mà các chi phí khác như: mặt bằng, nhân viên, gas, điện, nước,…Ở TP HCM, có những nhà hàng nếu khách mang rượu vào sẽ phụ thu 1 triệu đồng/chai bất kể giá trị chai rượu là cao hay thấp.
Khi mang nguyên liệu bên ngoài vào nhờ nhà hàng chế biến và phục vụ, khách nên hỏi trước mức phí để tránh bị sốc khi thanh toán, nhà hàng cũng nên báo giá trước cụ thể để tránh trường hợp bị khách phản ứng" – ông Trường nêu ý kiến.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, một đoàn khách vào nhà hàng H.V trên đường Hùng Vương (TP Phan Thiết, Bình Thuận) ăn cơm trưa, có đem theo 18 kg hải sản gồm: ốc hương, tôm hùm, ốc tỏi... nhờ chế biến. Phía nhà hàng tính phí phụ thu mỗi kg hải sản 250.000 đồng, tổng phụ thu 4,5 triệu đồng đã bị đoàn khách phản ứng vì cho rằng phụ thu quá cao.