Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình - Cả cuộc đời làm theo lời Bác
Từng được gặp Bác Hồ, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Vũ Hữu Bình luôn coi vinh dự này đã dẫn lối cho sự nghiệp 'trồng người' sau này. Học và làm theo lời Bác dạy, cả cuộc đời nhà giáo Hà thành chắt chiu cho nghề dạy học, với tâm niệm: 'Vừa dạy chữ - vừa rèn người, vì đàn em nhỏ trọn đời hiến dâng'…
Nhớ mãi lời Bác dạy
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, NGND Vũ Hữu Bình vẫn toát lên sự tinh anh, lạc quan và trí nhớ tuyệt vời khi kể về những ký ức của một thời cầm phấn, về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ…
NGND Vũ Hữu Bình xúc động kể: Năm 1956, khi còn là học trò lớp 6 của Trường cấp 2 - 3 Chu Văn An (Hà Nội), với thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, tôi cùng một số bạn vinh dự được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và được Bác chia kẹo. Thời gian được gặp Bác tuy ngắn ngủi, nhưng chúng tôi được nghe Bác dặn dò về nhiệm vụ của người học sinh trong học tập, cuộc sống và lao động.
Chiếc kẹo nhận từ tay Bác, tôi mang về khoe với các bạn và giữ rất lâu. Hồi ấy, tuổi còn nhỏ, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc được gặp Bác, nhưng hình ảnh, lời dạy của Bác không bao giờ phai mờ mà theo mãi trong tâm trí tôi. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc hay khi đạt được thành tích, tôi đều nhớ đến hình ảnh Bác.
Năm 1973, thầy Bình về công tác tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Thầy bộc bạch: Khi tôi về Trường THCS Trưng Vương, Bác đã đi xa. Thế hệ giáo viên chúng tôi lúc đó và bây giờ không còn được chứng kiến những lần Bác về thăm trường, nhưng qua những tư liệu ở Phòng Truyền thống, chúng tôi vẫn nhớ có 5 lần trường vinh dự được đón Bác.
Lần đầu tiên vào năm 1946, Bác Hồ đã về thăm và ân cần trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường Trưng Vương. Cả trường vui mừng đón Bác. Nữ sinh xuất sắc Hoàng Xuân Sính được cử là người vinh dự tặng hoa Bác. Bác đi thăm các lớp học, đến một lớp đang trong giờ học ngoại ngữ, Bác dừng lắng nghe học sinh đọc bài. Bác nhận xét về ngữ điệu và nhắn nhủ học sinh cần học giỏi ngoại ngữ, nhưng trước hết phải giỏi tiếng Việt, để mang tri thức phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân.
Lần thứ hai, vào tháng 12/1954, 4 ngày trước khi nhân dân Hà Nội tổ chức lễ đón Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô. Ba lần sau là vào các năm 1956, 1959, 1960. Lần nào đến thăm trường, Bác cũng căn dặn thầy và trò những điều cụ thể.
Thầy Bình chia sẻ: Thầy, trò Trường Trưng Vương mang theo hành trang vào đời không chỉ là kiến thức văn hóa, đạo làm người mà còn có những lời dạy ân cần của Bác. Với tôi, những lời căn dặn của Bác về giáo dục đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là kim chỉ nam cho hành động trong suốt cuộc đời dạy học.
Nặng lòng với nghề, với trò
42 năm miệt mài với bảng đen và phấn trắng, thầy Vũ Hữu Bình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý nhất: Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ đợt đầu tiên năm 1988; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm; Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân…
Đặc biệt, cho đến nay, sau 14 lần phong tặng, thầy Vũ Hữu Bình vẫn là nhà giáo duy nhất dạy THCS của TP Hà Nội được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cả cuộc đời, thầy đã thực hiện theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, giáo dục toàn diện, rèn đức luyện tài, đào tạo những con người vừa hồng vừa chuyên như thầy đã từng viết: “Vừa dạy chữ - vừa rèn người, vì đàn em nhỏ trọn đời hiến dâng”!
Không chỉ vậy, học tập tấm gương tự học của Bác Hồ, thầy Bình đã bắt tay viết sách tham khảo từ chính những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Nhớ lời Bác dặn người cầm bút phải xác định viết cho ai, viết để làm gì nên thầy tìm cách viết thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Hơn 4 thập kỷ miệt mài với sự nghiệp “trồng người”, NGND Vũ Hữu Bình đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Nhiều học trò của thầy học giỏi, giành nhiều giải thưởng danh giá trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.
Cội nguồn của thành công ấy có lẽ phải nói đến quan niệm đầy tính khoa học và nhân văn của thầy: “Học sinh không phải là những chiếc bình chứa kiến thức mà phải là những động cơ được vận hành bằng sức đẩy của chính mình”. Bởi vậy thầy luôn chú trọng hướng dẫn phương pháp học tập. Bí quyết ấy được thầy gói gọn trong 6 chữ: “Để học tốt, hãy STÔP”. S là say mê, T là tự lực, Ô là ôn tập, P là phương pháp. Trong giao thông, STOP là hiệu lệnh dừng lại, còn trong học tập, STÔP giúp ta tiến lên. Quả thực, “Kiến thức rồi cũng quên đi, chỉ còn phương pháp mãi ghi trong đầu” như thầy đã từng đúc kết.
Với thầy, người dạy học phải truyền lửa cho học trò. Thầy dạy tốt, không chỉ rót kiến thức mà phải biết dẫn dắt vấn đề, tạo động lực học tập cho các em. Khi học trò yêu thích môn học, say mê môn học sẽ tự mình trưởng thành và tiến bộ trong học tập. Một điều tâm niệm khác của thầy Bình khi dạy học, đó là người giáo viên phải luôn công bằng, khích lệ được học trò. Giáo viên không nên tiếc lời khen với học sinh, tất nhiên là khen đúng, đánh giá đúng để động viên các em. Được khích lệ từ những thành công nhỏ, các em sẽ tự tin để chinh phục những thành công lớn hơn…
Được mời tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, NGND Vũ Hữu Bình nhận định: Chương trình mới có nhiều đổi mới, khi triển khai sẽ tạo được động lực cho giáo viên. Giờ học trở nên nhẹ nhàng, vui hơn với những kiến thức gần gũi thực tế, nội dung phù hợp, mang giá trị phục vụ cuộc sống… Thầy sáng tạo còn trò sẽ thích học và tích cực hơn.
Về nghỉ hưu nhưng NGND Vũ Hữu Bình vẫn quan tâm theo dõi và đau đáu với sự nghiệp GD&ĐT. Thầy cho biết: Giáo dục gần đây xảy ra một số vụ việc, hiện tượng khiến cho những người làm trong ngành và những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đó chỉ là sự việc, hiện tượng rất nhỏ trong sự nỗ lực, miệt mài cống hiến cho nghề dạy học của lớp lớp các thế hệ giáo viên.