Người sử dụng lao động phải báo cáo việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động?

Cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quý…

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, việc bổ sung quy định trên cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ) phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn TP. Cần Thơ) phát biểu

Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với UBND cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Cùng cho ý kiến về quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo luật.

Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau…

Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị quy định chặt chẽ về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, điều 40 của dự thảo luật quy định việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhưng tại Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luận cần xem xét vấn đề này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cho rằng vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện đang rất nan giải, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất quy định dự thảo Luật và đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng chậm đóng, để kịp thời chấn chỉnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-su-dung-lao-dong-phai-bao-cao-viec-dong-bao-hiem-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-post577649.antd