Người buôn Lang với giấc mơ nhà dài
Xót xa trước những giá trị văn hóa cha ông mai một, nhiều gia đình Êđê (Đắk Lắk) bắt đầu 'quay ngược' thời gian tìm về cội nguồn. Người sưu tầm chóe, chiêng, trống cổ, người bỏ công trồng cây suốt 20 năm thực hiện ước mơ phục dựng nhà dài...
Chóe cũng như con người
Chiều muộn ghé buôn Zô (xã Cư Prao, huyện M’đrắk), chúng tôi được anh Y Sóc Niê cho xem bộ chóe có hình thù hoa văn độc đáo. Số chóe này, vợ chồng anh lặn lội sang tận tỉnh Phú Yên tìm mua.
Anh Y Sóc cho biết, chóe từng là báu vật, luôn hiện hữu trong các nghi lễ cúng tế thần linh, là sính lễ trong cưới hỏi, tài sản chia cho người chết khi họ về thế giới bên kia và là thước đo sự giàu có của đồng bào Tây Nguyên. Bản thân anh lớn lên gắn liền với chiếc chóe thông qua các nghi lễ vòng đời như lễ cũng sức khỏe, lễ trưởng thành, lập gia đình...
Để sở hữu một chiếc chóe, đồng bào phải đổi nhiều trâu bò. Khi mang chóe về, gia chủ tổ chức ngay nghi lễ nhập gia, chóe chính thức được coi như một thành viên trong gia đình. Nếu không sử dụng chóe nữa (bán hoặc cho đi), gia đình phải làm lễ cúng chia tay, nếu không may làm bể thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ chóe. Tuy nhiên cơn lốc đô thị hóa tràn về cùng nạn “chảy máu” cổ vật khiến chóe ngày càng rời xa buôn làng. “Mất đi cái chóe, ủ rượu cần chẳng ngon; các nghi cúng trong đời sống dần bị phai nhạt. Với tôi, chóe là hồn cốt, bản sắc nên cố gắng sưu tầm, cho chóe sống cùng thế hệ con trẻ trong nhà để chúng hiểu hết giá trị, cùng nhau bảo tồn”, anh Y Sóc tâm sự.
Men theo con đường bê tông phẳng phiu chạy xuyên qua buôn Lang (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), chúng tôi có dịp ngắm nhìn những ngôi nhà dài giữa vườn cà phê, hoa màu xanh tốt. Hầu hết những ngôi nhà này đã cũ kỹ, có nhà xuống cấp song vẫn mang đậm nét mộc mạc nguyên sơ hòa cùng sắc màu của cỏ cây hoa lá tạo nên bức tranh giản dị mà hấp dẫn.
Tỷ mẩn lau chùi từng chiếc chóe, chiêng, ghế Kpan (một loại ghế được đục bằng thân cây nguyên khối dài từ 10-20m; có khi được gọi là ghế độc mộc - pv), chị H’ Bum Êban (buôn Lang, thị trấn Ea Bốk, huyện Cư M’gar) cho biết: Nhiều người đến trả giá rất cao để mua thậm chí mua đứt cả ngôi nhà dài nhưng không bán.
Ngôi nhà là không gian sống, nơi diễn ra các nghi thức quan trọng gắn liền với vòng đời của mỗi thành viên trong gia đình. Có nhà xây khang trang bên cạnh, chị vẫn lui tới căn nhà dài nhỏ nhắn này để “giữ lửa”. “Chứng kiến các đồ vật của ông cha để lại trở thành món hàng mua bán, mình xót xa lắm. Bản thân mình đã đau đáu cách bảo tồn song chưa tìm ra biện pháp hiệu quả. Với mình, bảo tồn không phải là để trưng bày mà muốn chúng “sống” lại, được sử dụng mỗi ngày như trước kia”, chị H’ Bum chia sẻ. Sắp tới, chị sưu tầm thêm chóe, gùi, trống..., biến ngôi nhà dài trở thành điểm tham quan du lịch cộng đồng, giới thiệu văn hóa Tây Nguyên.
Ước mơ phục dựng nhà dài
Bao năm qua, già làng Ama Bình (buôn Lang, thị trấn Ea Pốk) luôn khát khao được nằm trong ngôi nhà dài để cảm nhận rõ âm thanh của đất trời song chưa thực hiện được. Chỉ tay về khu rẫy xa, già vui mừng nói: “Mấy cây to cao ấy là cây muồng 20 năm tuổi. Ngoài mục đích trồng che bóng mát cho cà phê, già còn ấp ủ một ý định dài hơi lấy gỗ làm nhà dài”. Già kể, trước đây trong buôn toàn nhà dài, có nhà dài tới 30m nên được ví “nhà dài như tiếng chiêng ngân”. Ngôi nhà trở thành không gian sinh sống của nhiều thế hệ, nhiều gia đình. Về sau do con cháu đông phải tách hộ ra riêng, trong khi diện tích đất ít, muốn nối thêm nhà cũng khó; rừng bị thu hẹp, những vật liệu dựng nhà dài như gỗ, tre, nứa, tranh... khan hiếm và đắt đỏ nên đồng bào phải làm nhà như người Kinh để có phòng ngủ, phòng ăn... cho tiện.
Năm 2003, già Ama Bình làm nhà xây, căn nhà dài được thu nhỏ thành gian bếp. Hằng ngày, ông vẫn lui tới gian bếp nhỏ nấu nước pha cà phê hoặc nấu những món ăn truyền thống mà chỉ có bếp củi mới đúng mùi vị. “Mất đi rồi mới thấy sự cần thiết của ngôi nhà dài. Bao đêm, già thèm nghe tiếng xào xạc của cỏ cây chuyển động, thèm cơn gió trưa hè xông thẳng vào mặt mát rượi. Giờ đã có cây làm khung nhà, già dành dụm thêm ít tiền nữa làm lại nhà dài. Có nhà, già sẽ có không gian trưng bày những chiếc trống cổ, ghế Kpan quyền uy bao năm “ngủ quên” trong căn nhà xây”, già Ama Bình trầm tư.
Trưởng buôn Lang, Y Hao Ênuôl cho biết, toàn buôn có 242 hộ, 1.680 nhân khẩu đều là đồng bào Êđê sinh sống lâu đời qua nhiều thế hệ. Người dân vẫn còn lưu giữ nhiều đồ vật truyền thống như chiêng, chóe, trống..., riêng nhà dài còn ít (khoảng 8 nhà) do bị xuống cấp, không có nguyên liệu phục dựng.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, đồng bào Êđê vẫn giữ từng tấc đất, tích góp tiền của, tận dụng nguồn gỗ trồng từ cây muồng, cây sao... phục dựng nhà truyền thống.
Hiện nhiều hộ dân trong Buôn Lang đang tính làm du lịch cộng đồng kết hợp mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn văn hóa bản địa gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Để mô hình được hiệu quả, người dân rất mong chính quyền, nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách...
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-buon-lang-voi-giac-mo-nha-dai-1636450.tpo