Ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Lịch sử 64 năm đã khẳng định Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đã 64 năm kể từ ngày có tên gọi MTTQ Việt Nam (10-9-1955 - 10-9-2019) tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất, đến nay, MTTQ Việt Nam đã trở thành tên chung cho nhiều hình thức tổ chức được thành lập trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử 89 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Trong tiến trình đó, MTTQ Việt Nam luôn là trung tâm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội thành lập MTTQ Việt Nam ngày 5-9-1955 tại Hà Nội, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“LỰC LƯỢNG ĐOÀN KẾT CỦA NHÂN DÂN LÀ VÔ ĐỊCH”

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc thì phải có lực lượng và có thành phần làm nòng cốt.

Người chỉ rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Đó cũng là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và lãnh đạo MTTQ Việt Nam.

Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - tổ chức tiền thân của MTTQ Việt Nam ngày nay.

Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, MTTQ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Đại hội thành lập MTTQ Việt Nam ngày 10-9-1955 như sau: “Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: Với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, MTTQ sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”.

Phát biểu tại Lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận ngày 8-1-1962, Người chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng. Cán bộ và đảng viên ta cần nắm vững và chấp hành đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết Bộ Chính trị về vấn đề Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.

NHỮNG DẤU MỐC ĐÁNG TỰ HÀO

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới, MTTQ Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, để động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng đã lần lượt thành lập các mặt trận nhằm đáp ứng cho nhu cầu cách mạng.

Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ 1936 - 1939, lần lượt các mặt trận ra đời, đó là Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi tên thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế.

Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).

Trong giai đoạn chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 29-5-1946 Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập…

Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến.

Ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính cương của Mặt trận.

Mục đích phấn đấu của Mặt trận Liên Việt là: “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ…”.

Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc…”.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta.

Cách mạng Việt Nam lúc này có 2 nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh đó, ngày 10-9-1955 Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập MTTQ Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.

Ngày 20-4-1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.

Sau khi Việt Nam thống nhất, các lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị ngoại vi hợp pháp đang tồn tại ở Việt Nam gồm MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại TP. Hồ Chí Minh, thống nhất 3 tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là MTTQ Việt Nam.

Trải qua 64 năm (1955 - 2019) từ khi hình thành và phát triển, MTTQ Việt Nam đã luôn làm tròn vai trò của mình, trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể đã động viên, khích lệ và dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc.

Trong bối cảnh hiện tại, MTTQ Việt Nam vẫn là chỗ dựa vững chắc để đất nước tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/201909/ngoi-nha-chung-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-871963/