Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Vạn sự khởi đầu nan?

Liệu chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc ngay sau dịp Tết Nguyên đán sẽ giúp quan hệ song phương khởi đầu tốt đẹp năm 2023?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. (Nguồn: AFP/Xinhua)

Người xưa hay nói “vạn sự khởi đầu nan”, ý chỉ phần lớn mọi sự việc, khi mới bắt đầu, đều không dễ dàng. Ngày 5-6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Bắc Kinh trong năm 2023. Với những gì đã diễn ra trong quan hệ hai nước trong thời gian qua, liệu chuyến đi của người đứng đầu ngành ngoại giao xứ cờ hoa tới Trung Quốc có “thuận buồm xuôi gió”?

Có thuận lợi…

Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken diễn ra khi quan hệ Mỹ và Trung Quốc có những chuyển biến mới. Tại Bắc Kinh, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX tiếp tục xác định vị trí lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở Washington, cuộc bầu cử giữa kỳ chứng kiến đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện, song đảng Dân chủ vẫn chiếm đa số tại Thượng viện, giúp Tổng thống Joe Biden giữ vị thế. Theo Nikkei Asia (Nhật Bản), sau khi hai sự kiện chính trị nội bộ quan trọng khép lại, ông Joe Biden lẫn ông Tập Cận Bình có thể sẽ tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ song phương.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia tháng 11/2022 là một minh chứng cho điều đó. Sự kiện này đã góp phần giúp hai bên thiết lập liên lạc ở cấp lãnh đạo, đồng thời khiến Bắc Kinh và Washington hiểu rõ hơn về “lằn ranh đỏ”, giới hạn tối đa của nhau.

Đáng chú ý, việc Bắc Kinh bổ nhiệm vị cựu Đại sứ tại Mỹ làm Ngoại trưởng được cho là tín hiệu phản ánh mong muốn cải thiện quan hệ với Washington. Ngay khi đảm nhiệm cương vị mới, ông Tần Cương đã thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ song phương, bao gồm cả nội dung điện đàm với ông Blinken.

Ngày 21/1, ông Tần Cương đã xuất hiện trên màn hình lớn trong trận đấu bóng rổ NBA giữa đội Washington Wizards và Orlando Magic tại Washington D.C, chúc “một năm con Thỏ tươi sáng tới người Mỹ và Trung Quốc”. Bên cạnh thông điệp về niềm đam mê thể thao chung, việc lựa chọn thời điểm và địa điểm để truyền tải thông điệp đều mang tính biểu tượng cao. Năm 1979, đội bóng rổ Washington Wizards, tiền thân là Washington Bullets, đã thăm Trung Quốc sau khi hai nước thiết lập quan hệ, trở thành đội NBA đầu tiên đặt chân tới nước này. Việc truyền tải nội dung vào mùng Một Tết Nguyên đán cũng cho thấy tín hiệu của Bắc Kinh về mong muốn một khởi đầu mới trong quan hệ với Washington.

Mới đây, ngày 1/2, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng kêu gọi hai nước “tìm kiếm điểm chung… để phục hồi nền kinh tế toàn cầu”.

… nhưng không ít thách thức

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ chắc chắn không “trải đầy hoa”, trong bối cảnh còn đó hàng loạt bất đồng lớn.

Bất chấp động thái “có qua có lại” nêu trên, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ công bố năm 2022 đều coi Trung Quốc là “đối thủ dài hạn”, “thách thức mang tính hệ thống” với Washington và trật tự toàn cầu.

Song hành cùng nỗ lực tiếp xúc với Bắc Kinh, Washington vẫn tiếp tục thông qua đạo luật CHIP và Khoa học (CHIPS), đạo luật Giảm lạm phát, chính sách hướng tới củng cố ngành công nghiệp, thu hút vốn đầu tư, công nghệ cao vào trong nước và mở rộng giới hạn xuất khẩu với các công ty Trung Quốc.

Đơn cử như ngày 31/1, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ Mỹ đã ngừng cấp phép cho các công ty nước này xuất khẩu hầu hết mặt hàng cho Huawei, đồng thời xây dựng chính sách để chính thức ngăn tập đoàn Trung Quốc tiếp cận các mặt hàng khác ngoài 5G, qua đó siết chặt hơn nữa hạn chế đã có từ năm 2019.

Đáp lại quyết định này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Washington “lạm dụng quyền lực nhà nước” để cản trở Huawei thông qua “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia” và là “ví dụ điển hình về quyền bá chủ công nghệ của Mỹ”.

Giới quan sát Mỹ đánh giá khác biệt về quan điểm giữa hai nước trong hầu hết các vấn đề, từ xung đột Nga - Ukraine, đánh thuế, nhân quyền, hạn chế xuất khẩu hay hợp tác phòng chống biến đổi khí hậu… vẫn là quá lớn. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Michael Swaine tại Viện Nghiên cứu Quincy (Mỹ), bất đồng về vấn đề Đài Loan là sâu sắc hơn cả và ngày càng nguy hiểm, khi “cả hai bên đang dựa vào răn đe, thậm chí răn đe quân sự, thay vì các biện pháp bảo đảm lẫn nhau”.

Trong khi đó, ông Jude Blanchette, Giám đốc Freeman về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), không kỳ vọng chuyến thăm có “đột phá đáng kể”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng nhìn vào những gì đã diễn ra trong năm năm qua, đây không hẳn là một điều xấu.

Theo ông, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Blinken sẽ tập trung “củng cố nền tảng, đề xuất một số quy trình, cơ chế để quản lý căng thẳng”, tránh xung đột hướng tới xây dựng một mối quan hệ Mỹ-Trung cạnh tranh lâu dài nhưng ổn định, ít nhất là trong năm 2023.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-tham-trung-quoc-van-su-khoi-dau-nan-215172.html