Nghìn người nô nức trẩy hội Lam Kinh

Từ tờ mờ sáng, hàng nghìn người dân ở khắp nơi đổ về tham dự lễ hội Lam Kinh - một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Sáng 6/10 (tức ngày 22/8 năm Quý Mão), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh 2023, kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng 200ha (nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau chiến thắng năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.

Hằng năm, cứ đến ngày 22/8 Âm lịch, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Dân gian truyền tai câu nói: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, để nhắc nhở, thôi thúc con dân đất Việt hướng về Lam Kinh để tri ân công đức của Thái Tổ Cao hoàng đế - Người đã có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho đất nước, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm lịch sử.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao hoàng đế ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và đền thờ Trung túc vương Lê Lai về sân rồng chính điện Lam Kinh.

Trong không khí trang nghiêm, tưng bừng của ngày đại lễ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh hồi trống khai hội.

Đại biểu, lãnh đạo địa phương cùng nhân dân, du khách thập phương về dự lễ khai hội Lam Kinh năm 2023.

Ngay từ sáng sớm, người dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã về tham dự lễ khai hội, xem những chương trình nghệ thuật tái hiện lại cuộc đời Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sân rồng chính điện Lam Kinh diễn ra các hoạt động của lễ hội.

Nghi thức truyền thống đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, Hoàng Thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn đã diễn ra trang trọng tại sân rồng trước chính điện Lam Kinh.

Phần hội của Lễ hội Lam Kinh năm 2023 là chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh đặc biệt với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rực rỡ” với sự tham gia của hơn 250 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân, học sinh, sinh viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc mở Hội thề quyết tâm chống giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân (Trích đoạn "Hội thề Lũng Nhai" được tái hiện trong chương trình nghệ thuật).

Chương trình nghệ thuật đã tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao, sự nghiệp to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ và nhân dân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.

Người dân, du khách thập phương "đội nắng" về Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh trong ngày khai hội.

Anh Vũ Hồng Sơn, quê huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho biết, mặc dù làm ăn xa quê hương nhưng hàng năm cứ vào dịp lễ là vợ chồng anh lại về dâng hương. "Tôi vô cùng xúc động khi trở về quê đúng dịp Lễ hội Lam Kinh, được tỏ lòng thành kính với Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vua, quan, tướng sĩ nhà Lê đã góp sức đánh giặc, xây dựng đất nước", anh Sơn chia sẻ.

Do lượng người về dự lễ đông, lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông phối hợp phân luồng, điều tiết giao thông ở ngay các trục đường chính vào khu vực lễ hội.

Có ít nhất 4 chốt liên ngành phân luồng, hướng dẫn các phương tiện và người dân ra, vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghin-nguoi-no-nuc-tray-hoi-lam-kinh-192231006122802562.htm