Nghịch lý trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp

Công tác xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn nhiều hạn chế. Trong số 43 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, có 24 CCN được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng hầu hết các trạm xử lý nước thải đều hoạt động cầm chừng, trong khi nước thải công nghiệp thì xả thẳng ra môi trường.

Từ nhiều năm nay, người dân xã Nguyên Khê, huyện Ðông Anh (Hà Nội) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm, do nguồn nước thải từ cụm công nghiệp Nguyên Khê chưa được xử lý xả ra môi trường. Nước đen xì, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Từ ngày có trạm xử lý nước thải, môi trường nước cũng chưa được cải thiện nhiều. Theo đánh giá của UBND huyện Ðông Anh, từ khi thành lập các cụm công nghiệp, gồm cụm công nghiệp Ðông Anh, Nguyên Khê, Liên Hà, với tổng diện tích gần 100 ha, việc thu gom và xử lý nước thải chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Sáu tháng đầu năm, UBND huyện đã kiểm tra, phát hiện và xử lý bốn trường hợp xả thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống xử lý. Riêng tại cụm công nghiệp Nguyên Khê, với quy mô gần 78 ha, trạm xử lý nước thải có công suất hơn 1.000 m3/ngày đêm đã đưa vào khai thác từ tháng 10-2016, nhưng các doanh nghiệp chưa đấu nối đường thoát nước thải vào trạm xử lý, dẫn đến hiệu quả xử lý nước thải chưa cao.

Còn tại cụm công nghiệp Tân Triều, huyện Thanh Trì, mặc dù trạm xử lý nước thải tập trung được đầu tư xây dựng từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Các trang thiết bị của trạm hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa phế liệu, nhuộm vải…, phát sinh lượng nước thải, chất thải, hóa chất lớn xả ra môi trường.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 43 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có 19 cụm chưa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, 24 cụm đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, với tổng công suất xử lý hơn 21.300 m3/ngày đêm. Trong số này có 12 trạm hoạt động, nhưng vận hành không liên tục. Năm trạm đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc, nhưng chưa hoạt động. Bốn trạm khác hoạt động không bảo đảm công suất, chất lượng xử lý nước thải không đạt yêu cầu. Một trạm mới hoàn thành phần xây dựng, chưa lắp đặt thiết bị. Hai cụm công nghiệp còn lại đang đầu tư xây dựng. Hằng năm, sở tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Năm 2015, thanh tra 27 cuộc tại các doanh nghiệp, năm 2016 thanh tra 28 cuộc, xử lý tám đơn vị vi phạm hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, các hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp đã được đầu tư nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động chưa hết công suất đã làm giảm hiệu quả vận hành trang thiết bị, lãng phí vốn đầu tư. Các trạm xử lý nước thải tập trung thiếu hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định. Cùng quan điểm nêu trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Ðồng Phước An cho rằng, công tác quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải cũng còn nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp chưa phối hợp các chủ đầu tư để đấu nối hệ thống thoát nước, thu gom nước thải đưa về trạm xử lý. Công suất vận hành của các trạm còn thấp hơn công suất thiết kế. Việc thu phí nước thải gặp khó khăn do các chủ đầu tư chưa xác định được giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước thải của doanh nghiệp.

Mới đây, trong đợt giám sát của Ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện quy định của pháp luật về thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, các đại biểu chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là do nhiều cụm công nghiệp được hình thành từ các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trước khi có Luật Bảo vệ môi trường. Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng trạm xử lý nước thải ở một số cụm gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức vấn đề xử lý nước thải trong các cụm công nghiệp. Công tác điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải giữa các sở và UBND quận, huyện chưa hiệu quả.Trưởng Ban Ðô thị HÐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân đánh giá, thành phố đã rất quan tâm công tác xử lý nước thải cụm công nghiệp, nhưng công tác quản lý và chấp hành quy định của pháp luật tại các địa phương, các sở, ngành, doanh nghiệp còn hạn chế. Nhất là trách nhiệm của các cấp, ngành khi để tồn tại các trạm đã được đầu tư xây dựng, nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Nếu không sớm có phương án tổng thể để giải quyết thực trạng này thì vấn đề môi trường rất đáng lo ngại.

Để khắc phục những hạn chế này, đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương rà soát, đánh giá lại cơ chế của thành phố, trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố trình HÐND thành phố điều chỉnh cơ chế cho phù hợp nếu cần thiết; tham mưu cho thành phố ban hành chế tài xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định về xả thải và có phương án tổng thể trong quản lý việc xả thải tại các cụm công nghiệp. Khẩn trương xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đã được thành phố phê duyệt tại Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) và Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ). Sở Tài nguyên và Môi trường cần triển khai quyết liệt thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp. Sở Công thương sớm hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 để làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng trạm và hệ thống xử lý nước thải.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/34380102-nghich-ly-trong-xu-ly-nuoc-thai-tai-cac-cum-cong-nghiep.html