Nghị lực của nữ sinh viên mù
Nguyễn Thị Minh bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam từ ông nội nhưng em vẫn nỗ lực học chữ và đậu đại học. Để có tiền sinh hoạt, Minh xin đi hát dạo với tiền công 250.000 đồng/1 buổi 7 tiếng.
Em Nguyễn Thị Minh (SN 2003, quê xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, em là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Thế nhưng, ngay khi vừa chào đời, Minh được xác định bị mù bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ ông nội.
Đến tuổi đến trường, Minh cũng ao ước được tới lớp như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, Minh không nhìn thấy nên gia đình cũng chẳng biết làm thế nào để hỗ trợ con.
Biết được hoàn cảnh của Minh, Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa đã nhận em về trung tâm để chăm sóc. Tại đây, Minh đã được làm quen với chữ nổi.
Vào THPT, Minh được nhận vào Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng (tại TP.HCM). Trong thời gian này, Minh được các Sơ in sách nổi, hỗ trợ học tập. Trong 3 năm, Minh đều là học sinh xuất sắc của trung tâm.
Do hoàn cảnh gia đình, nên từ khi học cấp 1 đến nay, hầu như Minh sống xa nhà, tự thân vận động. “Các thầy cô cũng chỉ hỗ trợ được một phần, còn lại em phải tự chăm sóc bản thân. Nhưng không biết đường đi, lối lại nên tại mỗi nơi ở mới, mẹ phải đến ở cùng em một thời gian, lâu nhất là 3 tháng để hướng dẫn, làm quen đường rồi mới về”, Minh Tâm sự.
Năm 2023, Minh tốt nghiệp THPT với kết quả xuất sắc. Minh nộp hồ sơ xét học bạ vào 3 trường đại học. Một kết quả ngoài mong đợi, khi cả 3 trường đều gửi thông báo trúng tuyển. Sau khi tham khảo, Minh quyết định chọn trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, ngành tâm lý học.
Xa nhà, xa gia đình, con đường học của em cũng đầy gian truân. Bởi lẽ, ở Hà Nội, tuy học phí được miễn, nhưng chi phí ăn ở, đi lại vẫn phải chi. Trong khi đó, ở quê, gia đình thuộc diện cận nghèo, bố lại bị bệnh nặng, mọi gánh nặng dồn lên vai mẹ. Cũng vì thế, Minh mong muốn mình có thể san sẻ gánh nặng cùng mẹ.
Tháng 10/2023, Minh được một đoàn hát từ thiện tại Hà Nội nhận vào làm việc. Theo đó, công việc của Minh là đứng hát tại các ngã ba, ngã tư đường do đoàn hát bố trí.
Theo yêu cầu, công việc bắt đầu lúc 15h đến 22h hàng ngày (7 tiếng), trong đó cứ hát 1 tiếng nghỉ 1 tiếng. Nếu hoàn thành đủ thời gian trên thì được nhận 250.000 đồng/buổi. Trường hợp đang hát mà mưa khiến đoàn phải nghỉ sớm thì không được trả công. “Mỗi buổi hát, em chỉ cầu mong trời không mưa. Bởi nếu mưa thì xem như công cốc”, Minh chia sẻ.
Tiền kiếm được từ “hát dạo” cũng giúp mẹ vơi bớt gánh nặng, thế nhưng đổi lại là sức khỏe bị ảnh hưởng. Bởi mỗi ngày, Minh phải phơi mặt ngoài đường đầy khói bụi khoảng 7 tiếng. Hơn nữa, mỗi hôm đi hát về rất mệt, tắm rửa xong cũng đã hơn 23h, Minh ăn vội bát cơm rồi đi ngủ để lấy sức. Vì thế, em cũng chẳng còn thời gian dành cho việc học nữa.
Đầu tháng 5/2024, Minh báo với quản lý đoàn hát để xin nghỉ để có thời gian cho việc học. Tuy nhiên, khi Minh đề xuất nghỉ thì người đàn ông tên Hải (là quản lý đoàn hát) không trả lương, với lý do là nghỉ ngang. Đến nay, đoàn hát vẫn còn nợ gần 2 triệu đồng, Minh nói.
Minh bảo, kinh phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng hơn 3 triệu đồng. Vì thế, Minh vẫn muốn tìm việc làm thêm. "Em mong muốn tìm được công việc phù hợp với bản thân như đọc postcat thu âm giọng nói, làm gia sư, dẫn chương trình, xỏ chuỗi hạt, đan len, viết content truyền thông", Minh chia sẻ.
Trao đổi với Báo Tiền Phong chiều ngày 18/11, người quản lý đoàn hát tên Hải thừa nhận, có việc chưa trả tiền công cho Nguyễn Thị Minh. Người này cho biết, Minh còn tiền công 5 buổi hát chưa thanh toán là 1.250.000 đồng. Tuy nhiên, do bận về quê cưới vợ nên "quên" chưa thanh toán hết tiền công cho Minh. Lúc 17h ngày 18/11, Hải đã chuyển 1 triệu đồng thanh toán cho Minh.
Nguyễn Thị Minh cũng xác nhận đã nhận được 1 triệu đồng tiền công qua tài khoản.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghi-luc-cua-nu-sinh-vien-mu-post1692589.tpo