Nghề buôn tiền USD rách tại Zimbabwe

Tại một đất nước lạm phát phi mã như Zimbabwe, buôn tiền đôla Mỹ rách được coi là một nghề mưu sinh mới đầy hấp dẫn.

Dưới cái nắng oi ả của tháng 11, Kaitano Kasani, 42 tuổi, sử dụng tài ăn nói điêu luyện thuyết phục mọi người bán cho mình những tờ tiền đôla Mỹ rách nát.

Người buôn tiền trao đổi đồng USD tại khu chợ ở Glen Norah, thủ đô Harare. Ảnh: Guardian.

Cầm trên tay chiếc loa phóng thanh đi bộ dọc thị trấn Glen Norah, thủ đô Harare của Zimbabwe, Kasani rao to: “Hãy mang mọi tờ tiền cũ rách của bạn ra đây. Hôm nay tôi thu mua tỷ giá tốt đây. Không còn ai trả cao giá như tôi đâu”.

Một người phụ nữ sau đó mang tờ 20 USD rách tới đưa cho Kasani. Ông kiểm tra lại kỹ càng và trả lại tờ 15 USD cho bà.

Tại một đất nước lạm phát phi mã như Zimbabwe, nơi đồng đôla Mỹ thiếu hụt, nghề buôn tiền rách đang giúp nhiều người kiếm sống.

“Đa phần khách hàng đều sốc khi biết tôi thực sự mua những tờ tiền rách như vậy. Họ yêu quý tôi vì thế”, ông Kasani nói, và giải thích rằng số tiền rách bẩn thường sẽ bị từ chối trong siêu thị hay cửa hàng.

Người dân Zimbabwe luôn nghi ngờ ngân hàng và thích tự giữ tiền hơn. Trong các cuộc khủng hoảng trước, siêu lạm phát đã quét sạch hàng triệu đồng tiền tiết kiệm. Giờ đây, đồng đôla Mỹ đang khan hiếm vì chúng hỏng nhanh hơn số tiền được đưa ra lưu thông bên ngoài để thay thế.

Thiếu tiền mặt, chính phủ Zimbabwe yêu cầu ngân hàng và các nhà bán lẻ không được phép từ chối đồng đôla Mỹ cũ hoặc sờn. Song, nhiều cửa hàng vẫn không tuân thủ.

Các khu chợ tại Zimbabwe thường là nơi giao dịch của những người buôn tiền rách. Ảnh: Guardian.

Thiếu xuất khẩu hàng hóa nghĩa là thiếu tiền mới được đưa vào lưu hành và người dân Zimbabwe đang tái sử dụng các đồng tiền cũ nát. Người buôn tiền sẽ cố “chắp vá” các tờ tiền, hoặc bán cho người khác, những người này sẽ hối lộ hoặc thuyết phục cán bộ ngân hàng cho phép đổi tiền với số lượng lớn.

“Chúng tôi mua tiền cũ với giá gần một nửa giá trị ban đầu trên tờ tiền, tùy theo độ cũ nát. Khi mang đến ngân hàng đổi, chúng tôi sẽ được nhận những tờ tiền mới ngang mệnh giá”, ông Kasani nói.

Chính nghề buôn tiền rách đã giúp ông nuôi nấng 4 đứa con kể từ khi mất việc trong nhà máy hai năm trước.

“Công việc này thật hấp dẫn. Tôi thực sự đã kiếm và dành dụm được của cải nhờ nghề này. Tôi là một trong những người đầu tiên thu mua tiền cũ nát ở Banket, phía bắc Harare và các vùng lân cận”, ông Kasani nói.

“Tuy vậy, giờ đây ai cũng buôn tiền rách, nên có lẽ tôi phải chuyển qua buôn thứ khác”, ông Kasani chia sẻ thêm.

Zimbabwe từng ngừng sử dụng đồng đôla Zimbabwe sau khi đồng tiền này mất ổn định do lạm phát kéo dài. Nó đã được sử dụng lại vào năm 2019 bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế rằng quốc gia châu Phi này không đủ dự trữ ngoại hối để duy trì.

Thời điểm ấy, giao dịch bằng đồng đôla Mỹ bị cấm nhưng tình trạng thiếu tiền mặt đe dọa các ngành nghề kinh doanh, buộc chính phủ Zimbabwe cho phép tái sử dụng đồng đôla Mỹ vào năm ngoái.

Tại trung tâm Harare, Munengami, 36 tuổi, đảo mắt nhìn quanh để cố tránh những cảnh sát mặc thường phục đi tuần tại một số khu vực buôn tiền trái phép phổ biến.

Tình trạng khan hiếm đồng đôla Mỹ mệnh giá nhỏ dẫn tới bùng nổ các tay buôn tiền giấy cũ nát. Cảnh sát đã phát động chiến dịch loại bỏ các điểm đổi tiền chui. Chính phủ Zimbabwe đổ lỗi cho những người buôn tiền vì làm giảm giá trị đồng đôla Zimbabwe.

Trong khi đó, những người buôn tiền cho rằng họ là “con dê tế thần” cho sự quản lý yếu kém của chính phủ. “Họ thừa hiểu chúng tôi không phải nguồn gốc vấn đề. Chúng tôi đâu có quyền tăng tỷ giá hối đoái”, Munengami cho hay.

Phó tổng thống Zimbabwe Constantino Chiwenga cảnh báo nước này sẽ thực thi mọi biện pháp cứng rắn với những người buôn tiền như thành lập đơn vị tình báo để bắt giữ “những kẻ phá hoại và lừa đảo”.

Khi đồng đôla Zimbabwe tiếp tục đi vào “vòng xoáy tử thần” và mất giá so với đồng đôla Mỹ, các nhà kinh tế kêu gọi chính phủ tiếp tục sử dụng đôla Mỹ làm đồng tiền giao dịch duy nhất. Song, Bộ trưởng Tài chính Mthuli Ncube bác bỏ.

“Chúng ta không thể chỉ dùng đồng đôla Mỹ làm đồng tiền tệ lưu hành chính thức. Các bạn từng trải qua thời kỳ đó, từng phải xếp hàng dài dằng dặc ở ngân hàng, từng phải chứng kiến thâm hụt ngoại tệ và lạm phát. Tất cả là do đồng đôla Mỹ”, ông Ncube nói. “Chỉ dùng đôla Mỹ không phải là một ý kiến hay, đó là hành động tự sát”.

Nhà kinh tế học Clemence Machadu nhận định việc trấn áp các hoạt động giao dịch tiền chui là vô ích.

“Chính phủ đang ‘chữa cháy’, điều này lý giải cho sự thay đổi không đáng kể. Chúng ta nên giải quyết nguyên nhân gốc rễ bắt nguồn từ nguồn cung, chứ không phải triệu chứng”, ông Machadu nhận định.

Theo cơ quan thống kê quốc gia Zimbabwe, lạm phát đã giảm từ mức đỉnh 840% ghi nhận vào tháng 7 năm ngoái xuống 50% vào tháng 8 năm nay, nhưng lại tăng lên 54% vào tháng 10.

“Tôi từng là giáo viên. Một ngày khi tôi đổi lương sang đôla Mỹ và nhận về 50 USD, tôi nhận ra còn theo nghiệp giảng dạy thì không có tương lai”, Munengami vừa cẩn thận dán keo lên tờ 20 USD rách, vừa giải thích cách mình kiếm sống với nghề buôn tiền rách.

“Tôi mua tiền rách bán lại cho khách, kiếm lời tốt hơn giao dịch ngoại hối vì tôi đã khả năng định giá chuẩn. Tôi bán những tờ tiền này cho các cửa hàng và người kinh doanh làm ăn, kiếm lời khoảng 30%”, Munengani chia sẻ.

Cách Munengami vài bước chân là Amina Banda, 34 tuổi, đang địu con sau lưng và giao dịch với một người đàn ông ngồi trong xe hơi.

“Tôi luôn lo lắng bị cảnh sát bắt, nhưng đây là cách chúng tôi hoạt động. Tôi không tin tưởng ai nên mỗi khi giao dịch, tôi đều giữ khoảng cách an toàn để kịp thoát thân. Có lúc cảnh sát mặc thường phục ngụy trang tới để bắt chúng tôi”, cô nói. “Tôi còn cả một gia đình phải nuôi nên vẫn phải theo nghề này.”

Hương Vũ (Theo Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-buon-tien-usd-rach-tai-zimbabwe-post167816.html