Nghệ An: Dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp tại Nghệ An, khi số lượng ổ dịch liên tục tăng, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ gia đình và nguy cơ lây lan rộng. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt.

Phường Vinh Lộc (Nghệ An) tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh: VL.

Phường Vinh Lộc (Nghệ An) tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh: VL.

Nhiều hộ dân mất trắng

Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: Tính đến trung tuần tháng 7/2025, toàn tỉnh ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại 25 xã Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Xuân, Hãi Châu... Tổng số lợn buộc tiêu hủy đến nay là 1.296 con, với trọng lượng hơn 54 tấn.

Bà Nguyễn Thị Tú, chủ hộ chăn nuôi tại xóm 89, xã Văn Kiều, chia sẻ: "Gia đình tôi vừa mới tiêu hủy 3 con lợn vì nhiễm dịch. Bao nhiêu công sức, chi phí xem như đổ sông đổ biển". Trong khi đó, tại phường Vinh Lộc, tình trạng dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 khối, gần nhất là vào ngày 13/7, gia đình ông Trần Văn Lâm trú tại khối 5, phải tổ chức chôn 3 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi; khử khuẩn, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của gia đình. Trước đó, tại phường này vào ngày 5/7/2025, gia đình ông Phan Văn Đường trú khối Mẫu Lâm cũng đã phải tiêu hủy đàn lợn của mình do dịch tả lợn châu Phi.

Ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Văn Kiều cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã huy động lực lượng xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan. Chính quyền cũng tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác động vật bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Cũng trong thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn có hiện tượng người dân vứt lợn chết ra môi trường. Đơn cử, tại xã Kim Bảng, người dân phản ánh có tình trạng lợn chết được vứt ra kênh mương gây ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, bà Đậu Thị Hồng Thảo - Chủ tịch UBND xã Kim Bảng nói: “Sau khi phát hiện việc vứt lợn chết ra môi trường, chúng tôi đã ngay lập tức thu gom, xử lý tiêu hủy. Đồng thời, phát thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã về vụ việc và tuyên truyền cho người dân không vứt lợn chết ra môi trường”.

Kiểm soát chặt các khu giết mổ

Ngoài việc kiểm soát tình trạng dịch tả lợn châu Phi không để lan rộng, ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho rằng, việc quản lý các cơ sở giết mổ gia súc cũng rất quan trọng. Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 41 cơ sở giết mổ tập trung được UBND cấp huyện quy hoạch và cấp phép. Trong đó có một số cơ sở hoạt động gặp nhiều khó khăn, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý giết mổ; người dân ý thức chưa cao...

Để kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc, bảo đảm công tác phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý kiểm soát giết mổ. Rà soát quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp hướng dẫn triển khai các nội dung về phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng như công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm tập trung.

Ngành chức năng tỉnh Nghệ An sẽ kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở giết mổ chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện hoạt động, không có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Thường xuyên phối hợp các đơn vị thanh tra, kiểm tra định kỳ đột xuất các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ, xử lý theo quy định nếu phát hiện sai phạm. Đảm bảo nguồn gốc động vật được giết mổ và sản phẩm động vật an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-an-dich-ta-lon-chau-phi-lan-rong-10310317.html