Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa

Đai biểu cho rằng đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/8, nhiều đại biểu đề nghị đưa ra giải pháp để ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết.

"Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này. Nhưng là người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm đến đâu và có kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?” đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Thời gian qua, Bộ chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ cũng chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra.

"Vì đây là lĩnh vực tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp nên giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện,” Bộ trưởng cho biết.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến xây dựng văn hóa học đường; với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động...

"Chúng tôi muốn tạo ra sức mạnh, đề cao vấn đề các ngành, các cấp cùng xây dựng môi trường văn hóa,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt vấn đề: Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp chấn chỉnh, giải quyết tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội...

Bộ trưởng đề nghị người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi, mức độ nào, xu hướng thời gian tới?

"Nhiều cử tri lo lắng đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình đang xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra khi được hỏi thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình, như kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình, nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong kỳ thi, trượt tốt nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này, Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố?” đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu thực tế gần đây dư luận rất quan tâm đến các trò chơi trong team building bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa phải xây dựng con người văn hóa, con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện vấn đề này.

“Khi chúng ta hình thành được môi trường gia đình, môi trường nhà trường, môi trường xã hội đều là những môi trường văn hóa thì chúng ta sẽ có con người văn hóa, hạn chế vấn đề xuống cấp đạo đức,” Bộ trưởng chỉ rõ.

Về các trò chơi phản cảm, Bộ trưởng cũng lên án thực trạng này. “Các nhóm khi tổ chức đi chơi không lựa chọn du nhập trò chơi bên ngoài vào. Chúng tôi khuyến cáo không nên tổ chức những trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy xấu. Đối với công ty du lịch, nếu tổ chức chúng tôi sẽ xử lý nghiêm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều cử tri đánh giá cao các câu hỏi rất sát, trúng vấn đề dư luận quan tâm mà các đại biểu Quốc hội đặt ra cũng như phần trả lời chất vấn thể hiện trách nhiệm cao, bám sát lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đặc biệt là nội dung về sự xuống cấp của đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay.

Thể hiện đánh giá cao với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đặc biệt là với nội dung liên quan đến văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp, ông Vũ Thanh Liêm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng rằng để giải quyết căn cơ vấn đề này rất cần sự chung tay, góp sức, đồng thuận của các ngành, các cấp cùng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đề cập đến bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) và những nhận định của Đảng về tình hình xã hội và văn hóa của đất nước ta hiện nay, ông Vũ Thanh Liêm cho rằng đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay cơ bản là tốt. Tuy nhiên, ở nơi này, nơi kia, có những hiện tượng xuống cấp hay dùng cụm từ “thiếu chuẩn mực” của đạo đức xã hội như không thẳng thắn, không khách quan trong ứng xử công việc, cán bộ tham ô tài sản của Nhà nước, bao che, ô dù, chạy chức, chạy quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ngược đãi bố mẹ, vợ con.

Theo ông Vũ Thanh Liêm, công tác quản lý thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội hiện này còn nhiều hạn chế, đồng thời văn hóa ứng xử, đúng như Tổng Bí thư đã phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là tình trạng bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc, phản văn hóa, cách ứng xử giữa người có chức, có quyền với cấp dưới, giữa công chức hành chính với người dân còn cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, nói năng không đúng chuẩn mực, đạo đức công vụ vẫn còn.

Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Vũ Thanh Liêm, chỉ một mình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể làm được mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể.

Ông Vũ Thanh Liêm cũng cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu và quán triệt một cách sâu sắc bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam; cần rà soát, đánh giá chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý văn hóa hiện nay, các cơ chế chính sách cụ thể để quản lý và phát triển các loại hình văn hóa.

Có chung quan điểm với ông Vũ Thanh Liêm, ông Đặng Văn Nhung, cán bộ hưu trí, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, vai trò, vị trí của văn hóa được nâng lên; nhiều mô hình làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu được xây dựng, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thuần phong, mỹ tục được gìn giữ và phát huy…

Tuy nhiên, sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử trong một bộ phận người dân vẫn còn tồn tại như: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; vấn đề bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử còn hạn chế, gây khó khăn, phiền hà cho người dân…

Trước thực trạng trên, ông Đặng Văn Nhung mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quyết liệt có những giải pháp thiết thực đẩy lùi tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay. Cụ thể, Bộ cần quan tâm xây dựng những quy định, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống văn hóa của cá nhân, tổ chức. Trước tiên, tạo chuyển biến rõ nét từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, qua đó lan tỏa trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Bộ cũng cần xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, gia đình đoàn kết, yêu thương nhau; tích cực cùng cộng đồng bài trừ các tệ nạn xã hội, tiêu cực xã hội; tham gia xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh lành mạnh.

Ông Đặng Văn Nhung cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, thông tin hai chiều, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng và tích cực đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích, tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ sáng tác và phổ biến các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần định hướng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trong giáo dục thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng…

Ngoài ra, theo ông Đặng Văn Nhung, các cơ quan chức năng cần có cơ chế thường xuyên giám sát về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định bảo đảm việc phòng ngừa và khắc phục sự suy thoái trong Đảng./.

Phan Phương - Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngan-chan-su-xuong-cap-ve-dao-duc-xay-dung-nep-song-van-hoa/810393.vnp