Nga và châu Phi nỗ lực gắn kết với những lợi ích thực chất

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, trong thời gian gần đây, phương Tây gây nhiều áp lực đối với các nước châu Phi liên quan đến hợp tác với Nga. Dẫu vậy, Nga đang có những cơ hội để mở rộng mạng lưới liên minh với các nước châu Phi.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (bên trái) và người đồng cấp Burkina Faso Karamoko Jean Marie Traore trong cuộc hội đàm ở Burkina Faso. Ảnh: Rruters

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (bên trái) và người đồng cấp Burkina Faso Karamoko Jean Marie Traore trong cuộc hội đàm ở Burkina Faso. Ảnh: Rruters

Nga kiên định ý chí rõ ràng

Trong tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã công du ba quốc gia châu Phi gồm Guinea, Burkina Faso và Cộng hòa Congo. Sự kiện này được giới chuyên gia chính trị quốc tế dành nhiều sự quan tâm.

Theo ông Egountchi Behanzin - Chủ tịch sáng lập tổ chức quốc tế Liên đoàn Bảo vệ châu Phi, lập trường, quan điểm của Ngoại trưởng Nga trong chuyến công du châu Phi vừa qua thể hiện ý chí rõ ràng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó là tăng cường quan hệ ngoại giao với châu Phi bất chấp căng thẳng địa chính trị và áp lực của phương Tây đối với các nước châu Phi liên quan đến hợp tác với Nga.

Nhà phân tích chính trị người châu Phi này cũng chỉ ra rằng, nhiều nhà lãnh đạo cũng như người dân châu Phi đánh giá rất cao về Nga nhờ những hình ảnh rất tích cực mà siêu cường này tạo dựng xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Nổi bật trong đó, kể từ Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã hỗ trợ các nước châu Phi chống thực dân hóa, cũng như hỗ trợ nhiều phong trào giải phóng ở châu Phi. Điều này đã tạo dựng ấn tượng bền vững về tinh thần đoàn kết chống đế quốc giữa Nga và các nước châu Phi. Đến nay, với nền tảng lịch sử, Nga cũng khẳng định sự tin cậy với các quốc gia châu Phi, đặc biệt là việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia châu Phi.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác để tránh phụ thuộc quá mức vào các cường quốc thuộc địa cũ như Pháp và Anh, cũng như các thể chế phương Tây, sự tôn trọng lẫn nhau đã giúp Nga và các nước châu Phi trở thành đối tác đáng tin cậy.

Xét riêng chuyến công du vừa qua, Ngoại trưởng Lavrov cũng thể hiện rõ nét sự ghi nhận và tôn trọng lẫn nhau giữa Nga và các đối tác châu Phi. Các cuộc thảo luận của ông Lavrov không hời hợt, mà ngược lại, thể hiện thiện chí thực sự trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và hiểu rõ nhu cầu, cũng như nguyện vọng cụ thể của mỗi quốc gia trên châu lục này.

Từ đó, chuyến công du của ông Lavrov thuận lợi để thể hiện sâu sắc mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự. Về mặt kinh tế, châu Phi là một thị trường rộng mở với Nga với dư địa rất lớn cho tương lai. Điều này giúp Nga có thể “rót” các khoản đầu tư lớn vào các lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng và cơ sở hạ tầng nhằm mang lại nguồn tài nguyên và các cơ hội kinh tế khác. Ngược lại, các quốc gia châu Phi cũng có được nguồn lực khổng lồ từ bên ngoài nhằm kích thích sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

Mục tiêu gắn với lợi ích cụ thể

Dẫn các phân tích từ giới chuyên gia, truyền thông quốc tế cho biết, trong 6 thập kỷ hợp tác tốt đẹp với Nga, Guinea đã có nhiều bước phát triển. Đặc biệt là sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại thành phố St. Petersburg của Nga vào tháng 7/2023, quốc gia châu Phi này đang có mức tăng trưởng đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng là năng lượng, khai thác mỏ, y tế và cơ sở hạ tầng.

Đáng chú ý, Nga vẫn tăng cường đầu tư vào Guinea trong bối cảnh hợp tác giữa hai nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga. Năm nay, Nga vẫn đang là nước đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Guinea.

Lợi ích mà Nga mang lại cho Guinea là rất cụ thể. Điển hình như Công ty RUSAL của Nga hoạt động ở Guinea giúp tạo gần 4.000 lao động, góp phần tạo việc làm người dân địa phương. Tại Burkina Faso đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh, Nga đã hỗ trợ nước này tăng cường an ninh nội bộ và chống các mối đe dọa khủng bố.

Đối với Nga, hợp tác quân sự với các nước châu Phi có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Dễ thấy, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn, không chỉ có thể cung cấp thiết bị quân sự, mà còn cung cấp dịch vụ huấn luyện phù hợp với nhu cầu của các nước châu Phi. Các thỏa thuận quân sự góp phần tăng cường hiện diện và tầm ảnh hưởng của Nga, sẵn sàng đóng vai trò kinh tế quan trọng với các đối tác châu Phi, cũng như góp phần xây dựng mạng lưới liên minh ở quy mô toàn cầu.

Một mục tiêu quan trọng khác trong hợp tác Nga - châu Phi là cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân mới. Đây cũng là chủ đề trọng tâm khác của chuyến công du vừa qua của Ngoại trưởng Nga. Lâu nay, Nga xác định mình là người bảo vệ chủ quyền quốc gia và phản đối các hoạt động thực dân kiểu mới. Lập trường này của Nga được các nước châu Phi ủng hộ mạnh mẽ, nhất là với các quốc gia đang bị phương Tây kiểm soát hoàn toàn vận mệnh kinh tế và chính trị. Việc hỗ trợ các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, Nga thể hiện mình không chỉ là một đồng minh chiến lược, mà còn là một đối tác về ý thức hệ đối với các quốc gia châu Phi.

Theo giới chuyên gia, Nga có một tầm nhìn rộng lớn về thế giới đa cực, nhất là quan điểm về mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn đối tác và xác định chính sách của mình mà không chịu áp lực từ bên ngoài. Tầm nhìn này phù hợp với các quốc gia châu Phi, nơi cần có nhiều quyền tự chủ hơn và khả năng đàm phán các thỏa thuận phản ánh lợi ích thực chất và nguyện vọng của mình.

Giới chuyên gia nhìn nhận, chuyến công du của Ngoại trưởng Nga vừa qua là một bước tiến tiếp theo, thể hiện xu hướng chiến lược của Nga trong nỗ lực tăng cường quan hệ với châu Phi. Đồng thời, Nga phản ánh ngày càng rõ ràng hơn mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, tôn trọng và ủng hộ khát vọng chủ quyền của châu Phi, cũng như thúc đẩy trật tự thế giới đa cực.

Theo ông Egountchi Behanzin, thời điểm hiện nay, việc tăng cường hợp tác với châu Phi đang cho thấy những cơ hội để Nga củng cố vị thế trên trường quốc tế. Ngược lại, các nước châu Phi cũng có những cơ hội mở ra lĩnh vực hợp tác và phát triển mới với Nga trong khuôn khổ tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau vì chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào chính trị nội bộ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nga-va-chau-phi-no-luc-gan-ket-voi-nhung-loi-ich-thuc-chat-post476919.html