Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây về vấn đề ổn định chiến lược

Ngày 8/11, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành đối thoại với phương Tây về các vấn đề ổn định chiến lược, nhưng hiện thiếu các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một quá trình như vậy.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh hiện không có điều kiện tiên quyết nào tồn tại mặc dù một cuộc đối thoại như vậy rõ ràng là cần thiết. Ông khẳng định Nga sẵn sàng bắt đầu một cuộc đối thoại như thế.

Khi được hỏi liệu việc Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) có ảnh hưởng đến ổn định chiến lược toàn cầu hay không, ông Peskov cho rằng tình hình trên thực tế sẽ không thay đổi. Hiệp ước CFE được ký giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Vácsava vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov.

CFE quy định giới hạn trong triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra. Hiệp ước này được cập nhật năm 1999 đặt ra các giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối.

Tuy nhiên, các nước thành viên NATO đã không phê chuẩn bản cập nhật của hiệp ước. Sau khi không thể đồng ý về các điều khoản của CFE, năm 2007, Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước. Năm 2015, Nga đình chỉ việc tham gia các cuộc họp của Nhóm cố vấn chung về hiệp ước CFE, qua đó hoàn tất quá trình đình chỉ tư cách thành viên trong hiệp ước nhưng tiếp tục là một bên tham gia CFE về mặt pháp lý. Ngày 29/5 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật bãi bỏ hiệp ước CFE.

Trong cuộc họp báo, ông Peskov cho rằng phương Tây đã thể hiện thái độ gây hấn đối với Nga, nhưng khẳng định khi đề cập tới vũ khí hạt nhân, Moskva sở hữu học thuyết hạt nhân của riêng mình và điều này không thay đổi.

Trước đó cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga Nikolai Patrushev cho hay các chính sách "phá hoại" của Mỹ và các đồng minh đang làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Ông Peskov nêu rõ: "Ông Patrushev là Thư ký Hội đồng An ninh. Ông ấy là một phần của Điện Kremlin. Và những phát biểu của ông ấy cũng chính là phát biểu từ Điện Kremlin. Đối với Liên bang Nga, chúng tôi sở hữu một học thuyết trong đó mọi thứ đều được trình bày rõ ràng. Không có sự thay đổi nào cả. Đây là điều được Tổng thống xác nhận".

Ngoài ra, ông Peskov còn tuyên bố Moskva sẽ thách thức về mặt pháp lý đối với hoạt động tịch thu các tài sản của Nga ở phương Tây, và quyết tâm này sẽ dẫn đến cái giá phải trả cho các quốc gia đưa ra quyết định nói trên. Ông Peskov đưa ra cảnh báo khi được yêu cầu bình luận về quyết định của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 7/11 ủng hộ dự luật xem xét khả năng Washington chuyển giao cho Kiev một phần tài sản của Moskva bị tịch thu.

Người phát ngôn Điện Kremlin bày tỏ: “Quyết định này là bất hợp pháp, trái với tất cả các quy tắc có thể có, tất nhiên sẽ bị đất nước chúng tôi phản đối vô thời hạn. Quyết tâm đó sẽ mang đến cái giá về mặt tư pháp và pháp lý rất nghiêm trọng cho những người đưa ra và lợi dụng quyết định này”. Ông cũng khẳng định Nga sẽ nghiên cứu các biện pháp đáp trả phù hợp nhất với lợi ích của mình.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các nước phương Tây đang xem xét cơ sở pháp lý khả thi để chuyển tài sản bị phong tỏa của Liên bang Nga cho Ukraine. Theo ông Blinken, để tịch thu tài sản của Nga, phương Tây phải đưa ra xác nhận rằng “có cơ sở pháp lý cho hành động này”. Kể từ mùa Xuân năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần tuyên bố phong tỏa khoảng 300 tỷ USD gồm các khoản dự trữ vàng và ngoại hối của Nga./.

Lan Hạ (Theo TASS, Sputnik, Reuters)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nga-san-sang-doi-thoai-voi-phuong-tay-ve-van-de-on-dinh-chien-luoc-post279684.html