Nga 'bắt bài' thành công tên lửa GLSDB cực nguy hiểm Mỹ chuyển cho Ukraine?

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ (nhưng không nêu tên), vừa qua có một loại đạn cải tiến tầm xa mà Washington cấp cho Ukraine không phát huy hiệu quả do bị Nga gây nhiễu điện tử. Một số chuyên gia phỏng đoán rằng, có thể đó là tên lửa GLSDB.

"Một công ty mà tôi không muốn nêu tên đã triển khai ý tưởng thú vị là cải tiến một loại vũ khí không đối đất thành phiên bản phóng từ mặt đất, tạo ra hệ thống hỏa lực tầm xa", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Bill LaPlante nói hôm 25/4 trong phiên thảo luận Diễn đàn An ninh Toàn cầu tại Mỹ.

Ông Bill LaPlante không đề cập tên loại vũ khí cụ thể, nhưng mô tả này khớp với tên lửa GLSDB do tập đoàn Boeing sản xuất.

Cũng có một số chuyên gia quân sự khác lại cho rằng Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có thể đang đề cập loại vũ khí mới, chưa từng được công bố trước đây.

"Họ chạy đua thử nghiệm và sản xuất nhanh nhất có thể", ông Bill LaPlante cho hay và nói thêm rằng giới chức Mỹ đã gỡ bỏ nhiều yêu cầu thử nghiệm để đẩy nhanh tốc độ chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine.

"Chúng tôi chỉ đề nghị họ kiểm tra để bảo đảm an toàn, còn quá trình thử nghiệm tác chiến sẽ diễn ra ngay tại thực địa. Vũ khí đó được gửi đến Ukraine và không hoạt động", ông Bill LaPlante nhấn mạnh.

Quan chức Mỹ liệt kê hàng loạt lý do khiến loại vũ khí này trở nên "vô dụng", như môi trường tác chiến bị chế áp điện tử dữ dội, chưa có chiến thuật sử dụng và quy trình vận hành hoàn thiện.

"Khi vũ khí được gửi đến những người lính đang chiến đấu, họ sẽ dùng thử vài lần và nhanh chóng vứt bỏ nếu chúng không có tác dụng. Đó là điều đã diễn ra với loại đạn này", Thứ trưởng Bill LaPlante nói.

Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin được ông Bill LaPlante đưa ra.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng thông tin mà ông LaPlante đưa ra có thể gây tác động diện rộng, do quân đội Mỹ và nhiều nước đồng minh đang biên chế số lượng rất lớn bom đường kính nhỏ (SDB) dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS).

Việc các hệ thống tác chiến điện tử Nga có thể vô hiệu hóa vũ khí dẫn đường bằng GPS của Mỹ có thể buộc Washington và đồng minh thay đổi phương thức tác chiến trong xung đột tương lai.

"Mỹ có thể tăng cường độ tín hiệu GPS mã hóa ở một số khu vực để đối phó các biện pháp gây nhiễu, nhưng chưa rõ liệu biện pháp này có khắc phục được tình trạng đối phương chế áp điện tử hay không", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick của War Zone viết.

Đây không phải lần đầu giới chức Mỹ thừa nhận vũ khí chính xác cao được chuyển cho Ukraine không đạt hiệu quả tác chiến.

Hàng loạt vũ khí dẫn đường bằng GPS như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời", đã liên tục bắn trượt mục tiêu ở Ukraine do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu.

Được mệnh danh là một vũ khí "lai", bom GLSDB được tạo nên từ một sự kết hợp độc đáo giữa bom truyền thống và pháo phản lực phóng loạt.

Được biết vũ khí này là do nền công nghiệp quốc phòng Mỹ và Thụy Điển hợp tác cùng phát triển.

Tên lửa siêu chính xác GLSDB thực ra không phải là một vũ khí mới hoàn toàn, chúng là sự kết hợp của hai loại vũ khí khác.

GLSDB với phần đầu đạn chính là bom thông minh GBU-39 còn phần thân chính là rocket M26.

GLSDB có chiều dài 3,9m, đường kính 0,24 m, nặng khoảng 272 kg.

Tầm bắn của tên lửa siêu chính xác GLSDB lên tới 150 km.

Khi được động cơ đưa lên đủ độ cao và đạt tốc độ cần thiết, quả bom GBU-39 sẽ tách ra khỏi thân tên lửa, đôi cánh sẽ mở quả bom lượn tới mục tiêu.

Nhờ đầu tìm laser bán chủ động (SAL) nên quả bom GBU-39 có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu.

Trong khi các tên lửa của pháo phản lực phóng loạt thường bay theo quỹ đạo đạn đạo, thì bom GBU-39 phóng bằng tên lửa có thể lượn theo quỹ đạo đã chọn.

Hình dáng thuôn và mũi xuyên bằng thép cứng cho phép GBU-39 xuyên thủng bê tông cốt thép dày hơn 1m, gần tương đương với loại bom xuyên một tấn.

Do đó, GLSDB cũng thích hợp hơn tên lửa thông thường hay đạn pháo thông minh M982 Excalibur khi chống lại các mục tiêu kiên cố.

GLSDB được cho là có lợi thế ở yếu tố bất ngờ, chi phí mang phóng rẻ hơn so với việc bom GBU-39 được phóng từ máy bay.

Sử dụng tên lửa GLSDB có thể lấp đầy phân khúc trống của hỏa lực tầm xa chính xác nhằm tiết kiệm tên lửa lớn hơn cho các mục tiêu chiến lược.

Các loại đạn pháo thông minh như M982 Excalibur có khả năng điều chỉnh để có góc tiếp cận mục tiêu cao hơn so với đạn pháo truyền thống, gần như vuông góc với mặt đất thay vì góc 45 độ.

Điều này cho phép khả năng tấn công mục tiêu được che chắn ở phía sau các ngọn đồi hay công trình.

Tuy nhiên, khả năng bay theo đường vòng để tấn công mục tiêu một cách gián tiếp thì chưa loại pháo nào có thể làm.

Bom thông minh đường kính nhỏ phóng từ mặt đất tận dụng khả năng cơ động và độ chính xác vốn có của bom đường kính nhỏ và tầm bắn của tên lửa. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của GLSDB.

GLSDB có hiệu quả về kinh tế, sử dụng vũ khí hiện có kết hợp với động cơ tên lửa dự trữ, cũng như thiết bị nạp đạn trên hệ thống pháo phản lực M142 và M270 hiện đang được sử dụng bởi nhiều đồng minh của Mỹ.

Chính vì thế việc sở hữu tên lửa GLSDB không đòi hỏi phải chế tạo một hệ thống phóng mới.

Loại tên lửa này sẽ là một lựa chọn có giá phải chăng đối với các khách hàng muốn sở hữu vũ khí có độ chính xác cao để thay thế các loại bom mẹ bị cấm theo Công ước về Bom chùm.

Tên lửa GLSDB có thể được sử dụng cho cả lục quân lẫn hải quân để tấn công các mục tiêu mà trước đây nằm ngoài tầm với của họ.

GLSDB có thể được phóng từ mặt đất hoặc trên các chiến hạm từ nhiều loại bệ phóng và cấu hình khác nhau, tận dụng lợi thế chi phí thấp cho các lực lượng triển khai chúng.

Hệ thống GLSDB nổi bật với độ chính xác cao ở tầm xa, có khả năng bay theo quỹ đạo phức tạp và cơ động để tấn công các mục tiêu mà vũ khí bắn trực tiếp và gián tiếp thông thường không có cơ hội tiếp cận.

GLSDB có khả năng bao quát 360 độ với các góc tấn công đa dạng, công kích mục tiêu sau lưng núi với sai số 1m - điều mà không một loại đạn pháo nào làm được.

Nhờ đó, GLSDB có thể tấn công với mọi góc độ, tiêu diệt mục tiêu gián tiếp được che chắn bằng địa hình, và xuyên phá chống lại các mục tiêu kiên cố.

GLSDB có khả năng tấn công cả các mục tiêu di động trong mọi điều kiện thời tiết cả ban ngày và ban đêm.

Tên lửa GLSDB là giải pháp tấn công tầm xa tối ưu, kết hợp tính kinh tế và hiệu quả, đáp ứng đồng thời nhu cầu phát triển của các lực lượng vũ trang trên thế giới hiện nay và trong tương lai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-bat-bai-thanh-cong-ten-lua-glsdb-cuc-nguy-hiem-my-chuyen-cho-ukraine-post574644.antd