Nếu chuyển môn Sử từ lựa chọn sang bắt buộc chương trình có phải làm lại từ đầu?
Nếu Lịch sử là môn bắt buộc thì chương trình tổng thể có ảnh hưởng ra sao? Bộ Giáo dục cũng nên sớm có công bố cụ thể môn học Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông
Thời gian qua, dư luận xã hội đã lên tiếng, nhiều cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc trước sự việc môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ trở thành môn lựa chọn.
Chính vì thế, ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông.
Trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: “Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”. [1]
Đến ngày 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, Đại biểu Quốc hội về việc quy định Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp Trung học Phổ thông”.[2]
Mới đây nhất, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 diễn ra vào ngày 4/6, về môn học Lịch sử, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa-lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.
Đến nay, số phận môn Lịch sử vẫn đang được tính toán.
Môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông có thể thay đổi từ môn học lựa chọn sang môn học bắt buộc?
Xét về cơ sở pháp lý thì Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua ngày 28/7/2017.
Tiếp theo, ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học và đây được xem là pháp lệnh để các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa làm cơ sở cho các bộ sách giáo khoa của mình.
Nhưng, chỉ tiếc lúc đó nhiều cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia và các tầng lớp Nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo 2 giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm, từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12) và có một lộ trình rất rõ ràng.
Đó là giai đoạn giáo dục cơ bản thì Lịch sử là nội dung bắt buộc nhưng đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thì môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn.
Giờ đây, nội dung môn Lịch sử theo chương trình phổ thông mới đã đang được giảng dạy ở cấp tiểu học đối với lớp 1, lớp 2, cấp trung học cơ sở thì đã thực hiện ở lớp 6. Sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10, Bộ đã phê duyệt và đồng thời Bộ cũng đã thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 8 và lớp 11.
Điều này có nghĩa đến thời điểm này thì các nhà xuất bản đã gần như hoàn tất các bộ sách giáo khoa của mình và tất nhiên là họ đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho công việc biên soạn các đầu sách có liên quan đến nội dung môn học Lịch sử.
Nếu như tới đây, chủ trương môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì có lẽ không đơn giản chỉ là chuyển 2 từ “lựa chọn” sang “bắt buộc” là xong.
Bởi vì, theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thì môn Lịch sử chỉ “bắt buộc” ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Chính vì thế, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã tính toán để trang bị kiến thức lịch sử cho học sinh theo kiểu 9 năm.
Chương trình cấp trung học phổ thông, Lịch sử là môn học lựa chọn với tổng thời lượng 315 tiết, với nội dung hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Vì thế, nội dung môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông là hướng tới giáo dục nghề nghiệp cho học trò và tất nhiên khối lượng kiến thức nặng hơn, sâu hơn.
Vậy nên, nếu môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì liệu chương trình tổng thể, chương trình môn học có phải sửa lại. Những cuốn sách giáo khoa như: Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học và trung học cơ sở liệu có phải sửa lại để phù hợp với giáo dục cơ bản cho học trò?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khẳng định: “Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước”. [3] Vậy nếu môn Lịch sử chuyển từ môn học lựa chọn sang bắt buộc thì có ảnh hưởng ra sao rất cần Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 sớm thông tin cụ thể.
Không đơn giản khi chuyển môn Lịch sử từ “lựa chọn” sang “bắt buộc”
Theo quan điểm của người viết, việc chuyển môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc dù khó khăn, tốn kém nhưng có chủ trương thì vẫn làm được. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thấu đáo, tường tận vấn đề.
Thứ nhất: việc thay đổi chương trình lần này là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và sự quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đi đến kết quả của ngày hôm nay không phải là ngày một, ngày hai mà nó đã vắt sang đến 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng - kể từ ngày manh nha chương trình mới.
Điều này có nghĩa các cơ sở pháp lý đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua và có sự bàn luận, thống nhất rất lớn từ nhiều cấp, nhiều ban ngành.
Thứ hai: nếu chủ trương chuyển môn Sử ở cấp trung học phổ thông từ lựa chọn sang bắt buộc thì không phải nói là làm được ngay.
Trong khi, theo lộ trình thì chỉ mấy tháng nữa thôi chương trình mới sẽ thực hiện ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Vậy có cần biên soạn lại chương trình môn Lịch sử hay chỉ cần chỉnh nội dung ở bậc Trung học phổ thông?
Thứ ba: chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chia làm 2 giai đoạn giáo dục cụ thể, rõ ràng. Đó là “giai đoạn giáo dục cơ bản” và “giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp” nên vai trò, vị trí của từng giai đoạn giáo dục có chức năng khác nhau.
Người viết cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có công bố cụ thể về môn học Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông để các địa phương, nhà trường, học sinh sớm nắm rõ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-se-can-nhac-y-kien-cua-cac-chuyen-gia-doi-voi-mon-lich-su-post226432.gd
[2] https://vtc.vn/chinh-phu-se-nghien-cuu-dua-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-ar678405.html
[3] https://vietnamnet.vn/lich-su-thanh-mon-lua-chon-anh-huong-toi-giao-duc-long-yeu-nuoc-tong-chu-bien-tra-loi-2010313.html