Người Mông Sa Pa luôn tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc. Mới đây, những tri thức dân gian trong việc làm trang phục cổ truyền của người Mông Sa Pa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định sự độc đáo của trang phục, sự tôn vinh của cộng đồng đối với nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Người Mông có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Mỗi lễ hội là không gian thực hành, trao truyền những nét văn hóa truyền thống riêng có của cộng đồng.
Phụ nữ Dao đỏ có tài thêu thùa, may vá làm thổ cẩm. Bất cứ đi đâu, làm gì miễn đôi tay được nghỉ ngơi là chị em lại thoăn thoắt những mũi kim để thêu họa tiết, hoa văn thổ cẩm trên mảnh vải nhuộm chàm màu xanh đen. Với người Dao, trang phục truyền thống có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà còn trong đời sống tâm linh. Do đó, mặc trang phục truyền thống những dịp lễ, tết là điều không thể thiếu trong cộng đồng người Dao.
Ở Sa Pa, người Tày sinh sống ở một số xã vùng thấp, như Mường Bo, Liên Minh, Bản Hồ. Người Tày có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú. Những điệu xòe, hát then, điệu đàn tính vẫn được lưu truyền từ ngàn đời nay. Hiện nay, ở các địa phương đã thành lập các câu lạc bộ nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Tày.
Từ xa xưa, người Giáy Sa Pa đã có nghề se lanh, dệt vải, tự làm trang phục để sử dụng hằng ngày. Người Giáy yêu thích màu sắc, nên vải làm áo thường có màu sắc sặc sỡ. Các màu kết hợp trên áo luôn hài hòa, tạo ra điểm nhấn trên trang phục.
Người phụ nữ Xá Phó rất giỏi thêu thùa. Những bộ trang phục truyền thống của cả gia đình đều do một tay họ làm nên. Trang phục của nam giới chỉ có một màu chàm đen, còn trang phục của nữ là những họa tiết, hoa văn sặc sỡ.
Người Xá Phó có tục quét làng trong những ngày đầu năm mới, nhằm xua đuổi tà ma, những điều không may mắn ra khỏi căn nhà và ngôi làng của mình.
Tô Dung - Phạm Bằng