Nền tảng mới xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh

Nghị quyết 66/NQ-CP ban hành ngày 9/5/2024 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới vừa được ban hành. Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, đây là nền tảng quan trọng để từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.

Nguồn: VCCI. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: VCCI. Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá như thế nào về những "món quà" mà Bộ Chính trị, cũng như Chính phủ dành cho giới doanh nhân thời gian gần đây?

Ông Phạm Tấn Công: Trong lịch sử Đảng ta, sự ra đời của Nghị quyết 41 là lần thứ 3 có một văn bản chính thức chuyên đề dành cho giới doanh nhân. Khi Nghị quyết 41 ra đời, cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng. Đây là nghị quyết mới có nhiều điểm hay, tiến bộ cả về nhận thức lý luận và giải pháp thực hiện trong xây dựng đội ngũ doanh nhân.

Một số vấn đề rất mới trong xây dựng đội ngũ doanh nhân được nâng lên tầm lý luận. Ví dụ, trong Nghị quyết 41 nêu rất rõ: đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hay như câu chuyện trước đây ta nhận thức là cho phép kinh doanh đã, sau đó muốn kinh doanh thì phải tạo điều kiện, bảo hộ quyền kinh doanh và quyền tài sản; sau nữa là môi trường kinh doanh phải thuận lợi. Từ đó mới sinh ra vấn đề xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, Nhà nước kiến tạo. Nghị quyết 41 thêm "an toàn, bình đẳng" vào lý luận, đồng thời cũng bổ sung yếu tố phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc.

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp và VCCI rất phấn khởi chào đón Nghị quyết 41, cũng như Nghị quyết 66. Không kỳ vọng đây là "chiếc đũa thần" ngay lập tức có thể tạo đột phá lớn, song đây là thứ tạo nền tảng; từ nền tảng, định hướng lớn sẽ từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.

PV: Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội lớn chưa từng có. Để giúp doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, hiện thực hóa việc tạo dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, theo ông cần triển khai các bước đi cụ thể như thế nào?

Phấn đấu ít nhất 10 doanh nhân của Việt Nam là tỷ phú đô la Mỹ

Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp…

Ông Phạm Tấn Công: Để giúp doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, cần tạo những điều kiện tốt nhất thông qua việc cụ thể những nội dung của Nghị quyết 41 thành các chương trình hành động. Nghị quyết 66 của Chính phủ đưa ra 7 nhiệm vụ lớn, phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. VCCI cũng đưa ra 8 nhiệm vụ, tập trung vào việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

Theo tôi, đầu tiên phải nhận thức rõ doanh nhân là lực lượng nòng cốt để xây dựng quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Sau nhận thức là vấn đề thể chế hóa. Nghị quyết 41 đưa ra bao nhiêu nội dung quan trọng, cái gì đã được thể chế hóa? Ở đây yêu cầu phải có chiến lược quốc gia về xây dựng đội ngũ doanh nhân, chiến lược quốc gia về đào tạo doanh nhân, có ban hành dược không? Rồi vấn đề không hình sự hóa thì thể chế hóa như thế nào, chỉ nói mà không có cơ sở văn bản pháp lý thì không thực hiện được, phải cụ thể hóa bằng luật, văn bản pháp quy. Sau thể chế hóa là vấn đề thực thi của bộ máy hệ thống chính trị. Để thực thi được đòi hỏi vai trò chung của cả xã hội. Bước đi cơ bản là như vậy.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, có chương trình đào tạo phù hợp là một số yếu tố then chốt góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình?

Ông Phạm Tấn Công: Để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, nhận thức thể chế là một vế, cùng với đó là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Môi trường kinh doanh phải hiểu theo nghĩa rất rộng. Đầu tiên là những vấn đề về pháp lý, các quy định về kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh còn rất nhiều điều khác nữa, khí thế kinh doanh, tinh thần kinh doanh cũng là môi trường. Môi trường báo chí truyền thông cũng là một phần của môi trường kinh doanh…

Câu chuyện nữa là phải đào tạo đội ngũ doanh nhân bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay, kiến thức kinh tế, kinh doanh chủ yếu dạy trong các trường đại học, các khoa chuyên ngành, sau đó ra trường là doanh nhân, doanh nghiệp "tự bơi". Ở các nước có nhiều hệ thống trường, lớp đào tạo dành cho các cấp quản lý khác nhau trong doanh nghiệp; đến cả các doanh nghiệp hàng đầu, các tập đoàn vẫn có thể tham dự.

Trong chương trình hành động của Chính phủ và VCCI đều có nội dung về xây dựng các chương trình đào tạo. Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 41, mục tiêu đến năm 2030 được cụ thể với một số điểm đáng lưu ý như: hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho 200.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ hội nhập, kết nối và xúc tiến hợp tác quốc tế cho 30.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp; vận động, thu hút 5.000 doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI)…

PV: Xin cảm ơn ông!

"Không có văn hóa soi đường, doanh nhân dễ đi lạc lối"

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cùng với chương trình hành động của Chính phủ đều nhấn mạnh yếu tố xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh. Có thể nói, đây là yếu tố cốt lõi để thành công xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh trong tương lai.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, văn hóa soi đường doanh nhân đi, nếu không có văn hóa soi đường, doanh nhân dễ đi lạc lối và thực tế là một số người đã lạc rồi.

Thời gian vừa qua có những trường hợp doanh nhân vướng vào những vụ việc phức tạp, thậm chí vướng vào vòng lao lý đều là do thiếu "ánh sáng" soi đường. Họ cũng hiểu sai về các giá trị. 6 nguyên tắc đạo đức của doanh nhân Việt Nam mà VCCI công bố, nguyên tắc đầu tiên là phải tạo ra giá trị cho xã hội. Doanh nhân phải tạo ra giá trị chứ không phải là làm ra tiền. Phải hiểu cái gì là bản chất, cái gì chỉ là bề nổi; không tạo ra giá trị mà có rất nhiều tiền thì đó là một câu hỏi rất lớn về đạo đức, văn hóa kinh doanh. Có thể nói, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Quan trọng nữa là phải hiệu triệu được xã hội ủng hộ, tham gia thực hiện Nghị quyết 41. Nếu có đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh thế giới, hàng hóa Việt Nam có thể lan tỏa trên toàn cầu, những giá trị đạo đức của con người và doanh nhân Việt Nam được ca ngợi trên thế giới, người dân Việt Nam sẽ rất tự hào.

Ánh Dương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nen-tang-moi-xay-dung-doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-vung-manh-151448.html