Nền kinh tế Trung Quốc phát đi tín hiệu tích cực
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 30/4 công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng hai tháng liên tiếp trong tháng 4 và 3/2024.
Điều này mang đến một tín hiệu tích cực cho các nhà chức trách, vốn đang chật vật với nỗ lực vực dậy nền kinh tế khổng lồ khi nhu cầu nội địa yếu và thị trường bất động sản sụt giảm.
Theo NBS, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một thước đo quan trọng về sản lượng nhà máy - đạt 50,4. Con số này cao hơn một chút so với mức 50, là ngưỡng ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm. Mặc dù giảm so với tháng Ba, nhưng chỉ số PMI trong tháng 4/2024 của Trung Quốc đã vượt mức dự báo 50,3 của các nhà phân tích Bloomberg.
Sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 vào cuối năm 2022, Chính phủ Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong khi đó, thị trường bất động sản của nước này lại ngập trong khó khăn, với giá nhà liên tục giảm trong những tháng gần đây, còn doanh số bán lẻ chịu tác động tiêu cực từ nhu cầu nội địa yếu.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng khiến nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc ở nước ngoài suy yếu. NBS cho biết trong một tuyên bố: "Ngành sản xuất vẫn đang trong tình trạng phục hồi và phát triển".
Đầu tháng 3/2024, Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024, một mục tiêu được nhiều chuyên gia kinh tế cho là tham vọng. Các quan chức nước này cũng đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế, trong đó có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, một con số mà nhiều nhà kinh tế cho rằng là quá cao mặc dù đây đã là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế này kể từ những năm 1990 và không tính những năm đại dịch.
Theo chuyên gia Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại cơ quan quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, dữ liệu PMI của tháng 4/2024 cho thấy "sản xuất được cải thiện nhưng các đơn đặt hàng mới lại giảm so với tháng trước". Điều này cho thấy nhu cầu nội địa vẫn còn khá yếu.
"Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay một phần là nhờ xuất khẩu mạnh. Lĩnh vực bất động sản vẫn chưa ổn định", ông Zhang nhận định.
Chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đạt 51,2 trong tháng 4/2024, giảm so với mức 53,0 của tháng 3 và thấp hơn dự báo, theo số liệu của NBS.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nen-kinh-te-trung-quoc-phat-di-tin-hieu-tich-cuc/331576.html